Tổn thất thủy sản sau thu hoạch: Giải quyết thế nào?
Việc bảo quản sản phẩm theo lối truyền thống khiến thủy sản sau đánh bắt trên biển giảm mạnh chất lượng. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề này.
Thất thoát hơn nửa vì ướp đá truyền thống
Là chủ của 4 tàu cá lưới rê ở thành phố Vũng Tàu, ông Nguyễn Đình Ngọc xót xa: “Chỉ mấy ngày gần đây thôi, khi tàu của tôi ra khơi đánh bắt trúng mẻ lưới được 10 tấn cá ngừ nhưng vì do khâu bảo quản không tốt khiến cá giảm chất lượng nên chỉ bán được 180 triệu đồng. Thay vì nếu có công nghệ bảo quản tốt thì mẻ cá ngừ này tôi ăn đứt từ 400 đến 500 triệu đồng. Như vậy, chỉ vì dùng phương pháp ướp đá truyền thống nên tôi đã bị thất thoát tới hơn phân nửa giá trị sản phẩm đánh bắt được”.
Theo ông Ngọc, trước kia tàu cá của ông thường đi biển từ 20 đến 25 ngày nhưng bây giờ bắt buộc phải đi tới 50 ngày để tiết kiệm chi phí và nguyên liệu. Do đó, giải pháp để ướp cá bằng đá lạnh như ngày xưa thì không thể bảo quản được lâu dài và chất lượng cá bị giảm. Kể cả khi ông buộc phải thuê tàu dịch vụ để chuyển về bờ sớm thì chất lượng cũng đã bị giảm tới 50%.
Nhiều ngư dân cũng cho rằng, hiện nay việc khai thác bảo quản sau đánh bắt vẫn không khác xưa mấy, vì mấy chục năm trước, ngư dân ra biển đã bảo quản sản phẩm đánh bắt bằng nước đá. Gần đây, mặc dù tàu mới có hầm cách nhiệt bảo quản nhưng cũng không cải thiện được là bao, chất lượng sản phẩm vẫn giảm nếu đi biển lâu ngày.
Ông Trần Xuân Hai, một cựu ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chia sẻ: “Những ngày qua tôi phải tranh thủ tìm lên Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh để mong muốn tìm hiểu về công nghệ Nano Cacbon và nhờ các chuyên gia hướng dẫn tôi cách tạo ra loại sơn chống hà thay cho loại keo hiện tại. Công nghệ này không những sơn vỏ tàu rất bền mà sẽ giúp tăng thêm phần giữ nhiệt cho tàu đánh bắt thủy hải sản , giúp bảo quản các sản phẩm đánh bắt tốt hơn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và giúp bớt hao đá lạnh”.
Theo ý kiến của ông Hai, nếu đánh bắt chỉ bảo quản bằng phương pháp truyền thống muối nước đá thì chất lượng sản phẩm sẽ giảm mạnh, tỉ lệ hao hụt nhiều. Với các tàu hậu cần thu mua cũng chỉ là phương án giải quyết tạm thời, chất lượng vẫn giảm 50% khi vận chuyển vào bờ. Do vậy, nếu như có được giải pháp nào để nâng cao việc bảo quản sản phẩm lâu hơn thì sẽ giảm thiểu lãng phí nguồn tài nguyên thủy hải sản đánh bắt và giúp ngư dân tăng thêm thu nhập sau mỗi chuyến biển dài ngày.
Bên cạnh đó, nhiều bà con ngư dân cũng mong muốn Nhà nước cho chủ trương chính sách đầu tư trên địa bàn huyện có một cụm công nghiệp hay một làng nghề chế biến thủy sản để giải quyết đầu ra cho các sản phẩm đánh bắt. Hiện nay bà con ở địa phương vẫn chỉ tự lập cơ sở chế biến bằng phương pháp thủ công truyền thống, vừa không hiệu quả mà còn ảnh hưởng tới môi trường.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Nuôi trồng và khai thác thủy hải sản là một trong 5 chủ trương lớn để phát triển kinh tế biển và ven biển. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được quy hoạch phát triển là trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở vùng Đông Nam bộ mở rộng, trong đó thành phố Vũng Tàu là trung tâm dịch vụ nghề cá.
Tuy nhiên, trên thực tế việc bảo quản nguyên liệu của các tàu cá, đặc biệt là các tàu cá đánh bắt xa bờ còn rất thô sơ và chủ yếu là khai thác, bảo quản, sử dụng công nghệ còn lạc hậu. Đây cũng chính là thách thức lớn đối với ngành trong thời gian qua.
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phân tích, ngành thủy sản Việt Nam hiện nay phải lĩnh hậu quả nguồn lợi thủy sản cạn kiệt do việc khai thác không bền vững, không đi đôi với bảo tồn của hàng chục năm qua. Do đó cần phải chuyển đổi nghề, giảm các ngành khai thác hủy diệt; đồng thời phải cải tiến, đổi mới, sáng tạo trong khâu chế biến thủy sản, bảo quản sản phẩm sau khai thác mới nâng cao được giá trị nguyên liệu phục vụ xuất khẩu thủy sản .
“Từ việc ngư dân sử dụng công nghệ lạc hậu dẫn đến sản phẩm sau đánh bắt bị giảm chất lượng, khiến cho nguồn nguyên liệu để phục vụ cho các hoạt động chế biến thủy sản không được đảm bảo và ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu thủy sản”, bà Na cho biết.
Theo bà Na, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tìm giải pháp nâng cao giá trị của nguyên liệu bằng việc đẩy mạnh sử dụng công nghệ hiện đại, trang thiết bị máy móc cũng như các sáng kiến trong công tác bảo quản nguyên liệu sau khai thác thủy hải sản trên biển để làm sao giúp bà con ngư dân sau mỗi chuyến biển về sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cũng khẳng định, thủy sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam và đã có thương hiệu với quốc tế. Hiện Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản. Để ngành thủy sản nâng cao giá trị, hạ giá thành, xuất khẩu ổn định thì cần phải đầu tư công nghệ để tối ưu hóa giá thành.
“Hiện nay chúng ta đang có được lợi thế về nuôi trồng thủy sản, đóng góp khoảng 70% cho xuất khẩu, còn lại 30% là từ khai thác thủy sản. Do vậy, khâu sản xuất nguyên liệu cũng như khai thác, bảo quản sau thu hoạch cần phải được quan tâm đúng mức về đổi mới sáng tạo để làm sao giúp cho người nuôi hay ngư dân đánh bắt thủy hải sản có thể tiếp cận được với nguồn đầu vào hợp lý hơn, giúp việc giảm giá thành tốt hơn”, ông Hòe nói.
“Để nâng cao được giá trị nguyên liệu từ hoạt động đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân phải đẩy mạnh các sáng kiến đổi mới sáng tạo của ngành thủy sản, đặc biệt là vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Làm được việc này sẽ giúp nguyên liệu đưa vào các nhà máy chế biến cũng như đưa ra thị trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tốt nhất. Đồng thời, ứng dụng tốt KH-CN còn giúp nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh, chế biến sâu nâng cao được giá trị trong hoạt động xuất khẩu và đưa ra thị trường, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng”, bà Phạm Thị Na cho biết.