Bạt lót ao tôm có tính năng chống thấm, chống ẩm và chịu lực, phù hợp làm túi xách nhưng việc tái chế nó rất cực và tốn nhiều chi phí.
Trong khi tìm kiếm giải pháp xử lý số bạt nuôi tôm thải ở ĐBSCL, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) gặp Dòng Dòng – thương hiệu ba lô, túi xách làm từ bạt nhựa cũ tái chế "made in Vietnam" – vào cuối năm ngoái và họ đã đồng hành với nhau trong một ý tưởng.
Bà Dương Thị Sách và ông Nguyễn Văn Phúc ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng là hai trong số các nông dân vùng ĐBSCL mà GIZ và Dòng Dòng đã tìm gặp trong năm tháng để hiểu thêm về thực trạng rác thải nhựa trong nghề nuôi tôm, từ đó nghiên cứu tìm ra giải pháp: biến rác thải nông nghiệp thành sản phẩm thời trang bền vững.
Từ bạt lót ao tôm đến túi tôm
Dù đã có kinh nghiệm tái chế bạt nhựa cũ, loại bạt lót ao tôm vẫn đặt ra cho Dòng Dòng nhiều thách thức. "Cực nhất là khâu tẩy rửa vì bạt dính sình nhiều năm, đó cũng là lý do vì sao bạt này bị thải nhiều như vậy.
Bạt này làm từ HDPE, một trong những chất liệu nhựa dễ tái chế nhất nhưng người ta không tái chế vì việc tẩy rửa rất cực và tốn nhiều chi phí" – chị Trần Kiều Anh, nhà sáng lập Công ty Dòng Dòng, chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Nhờ sự hỗ trợ của GIZ từ số liệu nghiên cứu đến kết nối với chính quyền địa phương và các trại nuôi tôm, Dòng Dòng tiếp cận được nguồn bạt để thu gom và lên kế hoạch tái chế.
Trong nhiều tháng, họ thiết lập quy trình thu gom bạt tôm từ Sóc Trăng về xưởng tại Sài Gòn, phân loại, làm sạch rồi may thành các sản phẩm túi đeo chéo mới với hai loại lớn, nhỏ có tên "túi tôm" và "túi tép" vừa ra mắt ngày 15-6.
Bạt lót ao tôm vốn có tính năng chống thấm, chống ẩm và chịu lực, chất liệu bạt dẻo dai nhưng cũng rất cứng cáp phù hợp để làm "khung xương" cho chiếc túi. Kế đến, túi được lót thêm một lớp mút EVA, rồi vải poly, ngoài cùng là lớp bạt mái hiên hoặc xe tải nhiều màu sắc. Túi cũng được thiết kế nhiều ngăn, có cả chống sốc cho các thiết bị điện tử và kháng được nước nếu đi mưa.
"Chúng tôi muốn khi tái chế phải làm sao để nâng giá trị vật liệu lên thật nhiều, tính toán xem làm sao biến vật liệu này thành một món hàng mà người ta muốn mua và thích mua", chị Kiều Anh nhấn mạnh.
Sản phẩm túi làm từ bạt lót ao tôm cũ ra mắt tại TP.HCM vào ngày 15-6 – Ảnh: NGỌC ĐÔNG
Để túi "tự kể chuyện đời"
Nhà sáng lập Dòng Dòng cho biết quá trình làm sạch bạt vẫn tuân theo quy tắc của công ty từ khi mới thành lập năm 2019: sử dụng các chất tẩy rửa lành tính, ít gây hại với môi trường.
"Lần này chỉ khác ở chỗ chúng tôi tìm được loại máy để vệ sinh rồi, không ‘còng lưng’ chà từng tấm như trước nữa", chị Kiều Anh vui vẻ nói.
Giống như các sản phẩm khác của Dòng Dòng, những chiếc túi xách làm từ bạt nuôi tôm cũ cũng có đặc trưng là hiếm có cái nào giống nhau. Bởi những vết hằn, vết xước trên mỗi mảnh bạt tái chế luôn là độc nhất vô nhị, và thương hiệu này tôn trọng sự khác biệt đó để mỗi chiếc túi có thể "kể" câu chuyện của mình.
Theo chị Kiều Anh, những chiếc "túi tôm", "túi tép" vừa ra mắt chỉ là bước khởi đầu và Dòng Dòng sẽ còn phải tiếp tục suy nghĩ xem có thể làm gì nữa với loại bạt này.
"Chúng tôi biết lượng bạt mình tái chế được vẫn không thay đổi được đáng kể cục diện tình hình. Chúng ta vẫn đang tiến thẳng tới việc nhiệt độ trung bình của Trái đất sẽ tăng thêm 1,5oC trong 10 năm tới, hay ĐBSCL sẽ chìm dưới nước vào năm 2050.
Chúng tôi không ngây thơ về chuyện đó, nhưng điều chúng tôi muốn là hôm nay khi nhìn thấy những chiếc túi tôm, túi tép, các doanh nghiệp khác sẽ có thêm cảm hứng để làm thêm được nhiều sản phẩm bền vững khác", chị Kiều Anh phát biểu tại sự kiện ra mắt dòng túi mới.
"Chúng ta có thể cùng nhau đem tới cho người tiêu dùng những lựa chọn khác, bền vững hơn và quan trọng hơn là khiến họ có thể thấy thật ra sống xanh cũng rất vui, rất "nghệ", rất thời trang" – chị nói.