Ngày 6/6/2023, UBND tỉnh Bình Định ra Quyết định số 1989/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Theo đó mục tiêu chung đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; Công nghiệp và đô thị ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; Khai thác các tài nguyên khoáng sản biển.
Cụ thể dến năm 2030, ở các đô thị ven biển, 95% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định; 90% chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Khu kinh tế Nhơn Hội, 100% khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo.
Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, nhằm góp phần tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển được bảo tồn trong tổng diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, bao gồm các khu bảo tồn biển và ven biển; khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản, đường di cư của các loài thủy sản… bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn giai đoạn 2021 – 2025 (khoán bảo vệ 258,25 lượt ha; chăm sóc rừng trồng 18,8 lượt ha; trồng 7.300 cây phân tán xung quanh ao hồ nuôi thủy sản và vùng bãi triều ven đầm các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn).
Công tác thu thập, tổng hợp thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng góp phần phát triển bền vững kinh tế biển. Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.
Kế hoạch cũng đề ra 7 nhóm giải pháp: hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phát triển khoa học, công nghệ; chủ động tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; xây dựng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tỉnh; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.