Bình Định với chiều dài bờ biển trên 134 km và có 03 đầm với tổng diện tích gần 8.000 ha, hơn 164 hồ chứa và 04 con sông lớn. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản với các hình thức ngọt, lợ, mặn.
Tình hình chung
Kinh tế thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh: Giá trị sản xuất thủy sản năm 2022 đạt 19.319,65 tỷ đồng chiếm 36,8% giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh. Cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 27,37% giá trị GDP của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 166 triệu USD tăng 79,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 3.484 ha, trong đó (1) Nuôi trồng thủy sản nước lợ, diện tích 2.184 ha, (2) Nuôi trồng thủy sản nước ngọt khoảng 1.300 ha, bao gồm các hình thức nuôi cá quảng canh hồ chứa thủy lợi, nuôi cá ao, nuôi cá lồng trên hồ chứa với thể tích trên 30.000 m3; (3) Nuôi trồng thuỷ sản nước mặn chủ yếu là nuôi lồng, bè trên biển với tổng thể tích khoảng 56.970 m3. Sản lượng năm 2022 đạt 13.183 tấn tăng 1,5% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi cá hồ chứa đạt 1.100 tấn (tương đương so với cùng kỳ 2021).
Hiện trạng hồ chứa của tỉnh
Toàn tỉnh có 164 hồ chứa thủy lợi có dung tích từ 50 ngàn m3 trở lên, tổng dung tích thiết kế 682 triệu m3, trong đó: Có 63 hồ chứa lớn với tổng dung tích thiết kế 640 triệu m3 do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý, còn lại 101 hồ chứa nhỏ và vừa chủ yếu do địa phương quản lý. Dung tích một số hồ chứa lớn của tỉnh gồm: Hồ Định Bình, huyện Vĩnh Thạnh 226,30 triệu m3; Núi Một, thị xã An Nhơn 110,00 triệu m3; Đồng Mít, huyện An Lão 89,84 triệu m3; Hội Sơn, huyện Phù Cát 44,50 triệu m3; Thuận Ninh, huyện Tây Sơn 35,36 triệu m3; Vạn Hội, huyện Hoài Ân 14,51 triệu m3.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có một số hồ chứa thủy điện tại huyện Vĩnh Thạnh như: Hồ chứa thủy điện A, xã Vĩnh Sơn, hồ chứa thủy điện Trà Xom…
Kết quả nuôi trồng thủy sản hồ chứa 9 tháng năm 2023
Đến tháng 9/2023 trên địa bàn tỉnh có khoảng 54 hồ chưa thủy lợi và 01 thủy điện có hoạt động nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ chứa, cụ thể:
– Về nuôi quảng canh hồ chứa: Hiện đang nuôi tại 53 hồ/2.120 ha (tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022); Đối tượng nuôi gồm: cá rô phi, điêu hồng, trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê, cá lăng nha, cá thát lát…; Sản lượng ước đạt 450 tấn (tăng 50% do với cùng ký năm 2022), dự kiến đến cuối năm 2023 đạt 780 tấn.
– Về nuôi lồng bè hồ chứa thủy lợi: Hiện đang nuôi tại 04 hồ/593 lồng/32.000 m3 (tăng 6,67% so với cùng kỳ năm 2022); Đối tượng nuôi chính cá điêu hồng chiếm 90% tổng thể thích lồng nuôi, còn lại là cá trê, cá lăng nha, cá thát lát…; Sản lượng ước đạt 805 tấn (tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2022), dự kiến đến cuối năm 2023 đạt 900 tấn.
– Về nuôi lồng bè hồ chứa thủy điện: Hiện nay có 01 cơ sở (nuôi cá tầm thu trứng) là Công ty TNHH MTV cá Tầm Việt Nam – Bình Định, nuôi tại hồ chứa thủy điện A, làng K3, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh; tổng thể tích nuôi 21.600 m3/120 lồng nuôi; số lượng khoảng 8.200 con cá cái trên 10 năm tuổi; Sản lượng cá thu 1.746 kg/199 con, trong đó có 15 con cá mang trứng/303 kg, còn lại là cá bán thương phẩm. (tương đương so với cùng kỳ).
Kế hoạch năm 2024
– Duy trì hoạt động nuôi quảng canh hồ chứa tại 53 hồ với diện tích 2.120 ha; sản lương đạt khoảng 800 tấn.
– Phát triển mở rộng quy mô nuôi lồng bè hồ chứa tại 05 hồ/630 lồng/34.000 m3; sản lượng đạt khoảng 960 tấn.
– Đối với cá tầm: Duy trì nuôi khoảng 8.000 con cái trên 10 năm tuổi; sản lượng thu cá tầm mang trứng đạt khoảng 6 tấn/560 con.
Hồ nuôi cá tầm của nông dân
Định hướng, giải pháp phát triển NTTS hồ chứa giai đoạn 2025 – 2030
a) Về định hướng
– Đến năm 2025, nuôi quảng canh hồ chứa đạt 2.250 ha, thể tích lồng nuôi đạt 35.000 m3; sản lượng đạt 2.040 tấn/năm. Duy trì hoạt động nuôi cá tầm thu trứng.
– Đến năm 2030, duy trì nuôi quảng canh hồ chứa với diện tích 2.250 ha, phát triển hình thức nuôi lồng bè với tổng thể tích lồng nuôi đạt 60.000 m3; sản lượng đạt 2.350 tấn/năm. Duy trì hoạt động nuôi, thu hoạch và đánh giá hiệu quả kinh tế của hoạt động nuôi cá tầm thu trứng tại Bình Định; nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển đối tượng cá nước lạnh tại các hồ chứa có điều kiện phù hợp.
b) Giải pháp phát triển NTTS hồ chứa giai đoạn 2025 – 2030
– Khảo sát, rà soát đánh giá khả năng phát triển nuôi lồng bè tại các địa điểm mới, xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp.
– Kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi cá rô phi/điêu hồng trên địa bàn tỉnh theo hình thức nuôi lồng, tập trung tại các hồ chứa thủy lợi, đập dâng. Sử dụng công nghệ mới áp dụng vào sản xuất để nâng cao chất lượng, tạo ra khối lượng sản phẩm quy mô hàng hóa.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung tuyên truyền hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ chứa, Luật Thủy sản 2017 và các quy định hiện hành theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra dịch vụ cung cấp vật tư (con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản…); công tác quan trắc môi trường và phòng chống dịch bệnh.
– Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp chăm sóc, phòng trị bệnh đối với các vùng nuôi lồng bè tập trung. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nuôi trong mùa nắng nóng, diễn biến thời tiết thất thường; biện pháp thu hoạch phù hợp trước khi có mưa lũ xảy ra.
– Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế nuôi cá tầm thu trứng. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi cá nước lạnh tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có điều kiện phù hợp nhằm mở rộng hoạt động nuôi cá nước lạnh tại tỉnh.
– Kêu gọi các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ để mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.