Cá chiên trên sông Lô chết trắng, chưa rõ nguyên nhân

Hơn một trăm lồng cá chiên trên sông Lô đua nhau chết trắng, nhiều hộ nuôi cá lồng ở Tuyên Quang rơi nước mắt khi cả trăm triệu đồng bỗng dưng bị mất trắng.

1-162440_932-162440-111747

114 lồng nuôi cá chiên của các hộ nông dân ở Tuyên Quang bị chết trắng. Ảnh: Đào Thanh.

Chưa khi nào cá chiên chết nhiều như thế

Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang thẫn thờ khi nhìn những lồng cá chiên của gia đình bỗng dưng chết trắng.

Ông cho biết, hiện tượng cá chết bắt đầu diễn ra vào ngày 7, 8 và nhiều nhất vào ngày 9/10. Tưởng cá thiếu oxy, ông dùng sục nước, tuy nhiên vẫn không cứu được 6 lồng cá đã nuôi được 16 tháng và sắp cho thu hoạch của gia đình. Ngoài gia đình ông Bình thì HTX sản xuất kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa có 34 lồng cá chiên của các hộ gia đình khác cũng bị chết. Tổng thiệt hại lên đến khoảng 2 tỷ đồng.

Anh Lê Anh Minh, tổ 4 phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, có 4 lồng cá chiên bị chết. Anh Minh cho biết, chỉ trong vòng 3 ngày, cá chiên nuôi bằng lồng trên sông Lô đồng loạt bị chết. Cả ông Bình và anh Minh đều cho biết điều này chưa khi nào xảy ra và quá bất thường.

z4770796018898_3941f6529875a39c08634ec1642abb72-162538_295-162538-11175014019746089663154430

Cá chết trắng, nhiều hộ dân phải bỏ lồng trống. Ảnh: Đào Thanh.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, hiện tượng cá chiên bị chết xuất hiện nhiều nhất tại 3 huyện là Hàm Yên, Yên Sơn và Chiêm Hóa. Tổng số lượng lồng cá chiên bị chết là 114 lồng, trọng lượng khoảng 11.600kg. Những địa phương bị thiệt hại năng nề nhất là xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên 40 lồng cá, với khoảng 3.200kg; xã Tân Thành, huyện Hàm Yên có 12 lồng cá bị chết, với khoảng 1.000kg; xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn có 27 lồng cá bị chết, với khoảng 5.000kg; xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa có 6 lồng cá chết, trọng lượng khoảng 1.000kg…

Ông Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, xác nhận có tình trạng này và cho biết, chính quyền địa phương đã cử cán bộ chuyên môn xuống nắm tình hình, kiểm kê thiệt hại đồng thời động viên, hướng dẫn bà con các biện pháp xử lý môi trường giảm thiệt hại cho những giống cá khác nuôi trong lồng. Xã cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tìm hiểu nguyên nhân.

z4770808814742_885a4225542bf9a1c0514564c1c8ecbd-1-162730_304-162730-111754950840191763302304

Nghề nuôi cá chiên đặc sản mang lại nguồn thu lớn cho các hộ nông dân ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, số lượng cá chiên bị chết có thể sẽ tăng lên vì tại các huyện Na Hang, Sơn Dương, đơn vị chưa tổng hợp và cập nhật được đầy đủ thông tin số liệu.

Khó khăn tìm hiểu nguyên nhân cá chết

Khi nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã lấy mẫu cá, lấy mẫu nước để tìm hiểu nguyên nhân.

Cụ thể, ngày 8/10, khi nhận được thông tin từ xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, Chi cục đã cử cán bộ chuyên môn kiểm tra, lấy mẫu cá gửi đi xét nghiệm đồng thời hướng dẫn các hộ dân thực hiện một số giải pháp như tăng cường sục khí, treo túi vôi đầu nguồn nước. Tuy nhiên, đến sáng ngày 9/10, cá chiên nuôi của các hộ nuôi vẫn tiếp tục chết. Nhiều hộ nuôi mất 100% số lồng nuôi vì cá chết.

z4769650469133_8515696caf429d8f6bb70646a0c1f65f-162818_265-162818-11175810746645756678006903

Cá chiên đồng loạt chết, nông dân Tuyên Quang thất thu lớn. Ảnh: Đào Thanh.

Mẫu test nhanh tại khu vực lồng nuôi cá của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đắc, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang cho kết quả pH 7,17, độ cứng 138, NH4 0,17, asen không phát hiện, nitrat 0,7, nitrit 0,016 đều nằm trong giới hạn cho phép. Chi cục cũng đã có văn bản gửi Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc đề nghị quan trắc cảnh báo môi trường để phòng chống dịch bệnh.

Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, cho biết, hiện nay Chi cục chưa thể nắm rõ được nguyên nhân.

Hiện nay, nghề nuôi cá lồng đang phát triển mạnh tại các địa phương của tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là những huyện như Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn… Trong đó, năm 2021, giá trị sản xuất thủy sản đạt 488 tỷ đồng, chiếm 29% cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp của tỉnh. Năm 2022, giá trị sản xuất của ngành này là 491 tỷ đồng, chiếm 29% cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp.

Tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu đến năm 2025, số lồng nuôi cá trên hồ thủy điện ở Tuyên Quang và trên các lòng sông duy trì ổn định 2.360 lồng. Cụ thể, huyện Na Hang 1.200 lồng, huyện Chiêm Hóa có 405 lồng, huyện Lâm Bình 135 lồng, huyện Yên Sơn 280 lồng, huyện Hàm Yên 336 lồng…  Năng suất bình quân lồng tròn Na Uy công nghệ cao đạt 50 tấn/lồng; 5,7 tấn/lồng 108m3, 0,4 tấn/lồng 9-12m3.

Tỉnh phấn đấu sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 11.200 tấn, trong đó cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao đạt 995 tấn.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận