Trong vài năm trở lại đây, nghề nuôi cá heo xanh đã mang lại những kết quả đáng mong đợi, nhất là đối với người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Một số đặc điểm sinh học của cá heo xanh
Cá heo xanh (tên tiếng Anh là Blue botia) hay còn được gọi với một số tên khác như: Cá heo xanh đuôi đỏ, cá heo vạch. Tên gọi đặc biệt của loài cá này xuất phát từ âm thanh chúng thường phát ra khi bị bắt ra khỏi mặt nước.
Đây là loài cá nước ngọt đặc trưng ở vùng nhiệt đới và phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Ấn Độ và lưu vực sông Mêkông.
Tại Việt Nam, chúng thường được tìm thấy nhiều nhất ở lưu vực sông Tiền, sông Hậu cũng như những nơi có các kênh cấp thoát nước lớn.
Cá heo xanh mang lại giá trị kinh tế lớn
Cá heo xanh có màu sắc bắt mắt, toàn thân phủ một màu xanh hơi bóng. Khi còn nhỏ, cá heo xanh có màu xám nâu với 7-9 sọc đen; còn khi lớn, chúng sẽ có màu xanh lá.
Loài cá này có hình dáng gần giống với cá chạch, chúng có mõm nhọn, đầu có hai đôi râu và hai gai nhọn, đuôi thon ngắn, cuống đuôi to với điểm nhấn là chiếc vây màu đỏ cam.
So với những loài cá khác, cá heo xanh có kích thước khá nhỏ, chúng có thể đạt chiều dài thân tối đa khoảng 25cm và đạt trọng lượng nặng nhất là khoảng 40 gam/con.
Đây là loài cá ưa sống ở những nơi có dòng chảy mạnh và có tập tính kiếm ăn về đêm. Phần lớn thời gian, chúng thường ẩn náu dưới những hốc đá, rễ cây hoặc những khu vực có đáy bùn.
Ngoài ra, cá heo xanh còn là loài có tập tính di cư sinh sản (di cư theo mùa) rất lớn. Từ đó, dẫn đến việc để cá heo xanh sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt đòi hỏi rất nhiều khó khăn.
Thức ăn chủ yếu của cá heo xanh là giáp xác, côn trùng, ốc và cả những loại thực vật nhỏ khác có trong môi trường sống của chúng.
Ít ai biết rằng, nếu được nuôi dưỡng trong điều kiện thuận lợi, cá heo xanh có tuổi thọ dài đến 5 năm. Đây là thời gian sống khá dài so với tuổi thọ trung bình của cá nói chung.
Triển vọng của nghề nuôi cá heo xanh
Hiện nay, loài cá nước ngọt này đã trở thành một trong những đối tượng thủy sản triển vọng của nhiều hộ nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo chia sẻ từ những người nuôi cá heo xanh, loài cá này rất dễ nuôi trong ao, hồ cũng như bè. Bởi chúng là loài ăn tạp (kể cả thức ăn thừa từ những loài cá khác) và có khả năng kháng bệnh cao, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Do đó, trong vài năm nay, việc nuôi cá heo xanh thương phẩm đã được phổ biến hơn ở nhiều tỉnh miền Tây.
Cá heo xanh nổi bật với chiếc đuôi màu cam
Xuất phát từ việc năng suất của loài này không quá cao và số lượng giống ở nước ta hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường tiêu thụ nên giá của cá heo xanh hầu như luôn ở mức từ cao đến rất cao. Thêm vào đó, ở những thành phố lớn, loài cá này còn là “đặc sản miền Tây” được nhiều tín đồ đam mê ẩm thịt săn đón. Vào giai đoạn tăng giá nhất, cá heo xanh sẽ dao động từ 800.000 đến 900.000 đồng/kg.
Không chỉ có giá trị về mặt thương phẩm, nhờ màu sắc bắt mắt mà cá heo xanh cũng được nhiều người chọn làm đối tượng để thuần dưỡng thành cá cảnh.
Nhìn chung, cá heo xanh đang có rất nhiều tiềm năng phát triển trong nghề nuôi cá nước ngọt tại các tỉnh miền Tây. Trong thời gian tới, vấn đề trước mắt nước ta cần tháo gỡ là vấn đề về con giống (chủ yếu là về số lượng) nhằm giảm việc nhập khẩu giống từ nước ngoài và giảm sức ép khai thác ngoài tự nhiên cũng như định hình hướng phát triển bền vững cho đối tượng thủy sản giàu triển vọng này.