Đồng Nai được xem thủ phủ chăn nuôi cả nước, tuy nhiên, trong bối cảnh ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, diện tích đất ngày càng thu hẹp, ngành chăn nuôi gặp thách thức.
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp. Thời gian qua, tỉnh tập trung pháp triển 2 loại vật nuôi chính là heo và gà.
Có thể khẳng định, ngành chăn nuôi đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của địa phương. Hiện tổng đàn heo của tỉnh đạt trên 2,5 triệu con. Trong đó, chăn nuôi trang trại là chủ đạo, chiếm hơn 90% tổng đàn với khoảng 1.200 trang trại. Sản lượng thịt heo 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 280.000 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đạt hơn 95%.
Tuy nhiên, do phát triển chăn nuôi sớm và hạn chế trong việc thực hiện các quy định về xây dựng, môi trường, an toàn dịch bệnh nên phát sinh nhiều hệ lụy. Đã đến lúc phải đánh giá lại quy mô, tỉ trọng đóng góp và nguy cơ của ngành chăn nuôi của tỉnh để có định hướng phát triển ngành phù hợp.
Đơn cử tại huyện Thống Nhất, tính đến cuối tháng 6/2023, có hơn 1.200 cơ sở chăn nuôi, trong đó hơn 400 trang trại. Trong số đó, có 81 trang trại (chiếm khoảng 20%) được cấp giấy phép môi trường, 3 trang trại được duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, còn lại hơn 330 trang trại chưa có giấy phép.
Tình trạng chung của các cơ sở chăn nuôi không có giấy phép về môi trường là do trước đây có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, sau đó mở rộng nhưng không đăng ký giấy phép. Mật độ chăn nuôi vượt tiêu chuẩn kết hợp với hệ thống xử lý chất thải quá tải, không được cải tạo thường xuyên đã ảnh hưởng nhiều đến môi trường.
Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định phê duyệt danh sách hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Thời gian di dời theo từng giai đoạn là trước 31/12/2024 và đến 1/1/2025 là phải ngừng chăn nuôi tại các khu vực này.
Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, đến nay, quá trình triển khai thực hiện quyết định gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình như các cơ sở chăn nuôi đa phần đều thiếu nguồn vốn để mua đất, đầu tư cơ sở hạ tầng chăn nuôi tại địa điểm mới, các lao động tại các cơ sở chăn nuôi đều đã lớn tuổi, chủ yếu nguồn thu nhập từ chăn nuôi là chính, do đó việc ngưng chăn nuôi để chuyển đổi sang nghề khác còn gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở chưa có định hướng nghề nghiệp mới.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chủ trương di dời các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường thì buộc di dời là đúng. Tuy nhiên, Trong hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi vừa có cả hộ chăn nuôi gia đình lẫn các công ty chăn nuôi lớn, chiếm khoảng 60% nguồn cung sản phẩm chăn nuôi của tỉnh.
Ðáng nói là hiện nay Ðồng Nai không còn quỹ đất quy hoạch cho chăn nuôi, nhiều cơ sở chăn nuôi vừa mới được đầu tư bài bản, tốn hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng khi di dời gây thiệt hại rất lớn cho họ.
“Mặt khác, lộ trình di dời chỉ chưa đầy 2 năm là ngắn, khó khăn lớn nhất đó là đất đai và mặt bằng phải đáp ứng được với yêu cầu đủ điều kiện chăn nuôi. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương xem xét có chính sách hỗ trợ về chi phí đầu tư hạ tầng cho các cơ sở chăn nuôi di dời, chi phí di dời để tránh dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm trong khu vực…”, ông Nguyễn Trí Công nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, chiến lược phát triển chăn nuôi hiện đại – công nghiệp và chuyên nghiệp đã có. Vấn đề là cách thức tổ chức triển khai thực hiện. Di dời không chỉ đơn thuần là chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Đây cũng là cơ hội để chính quyền các địa phương xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng để điều chỉnh, tập trung nguồn lực và để bắt đầu hình thành nên ngành chăn nuôi bền vững, qua đó nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi để từ đó mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho bà con nông dân.