Ngư dân đã đồng hành với dân tộc trong suốt nhiều cuộc chiến tranh và trong sự nghiệp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Vươn khơi, bám biển không chỉ là hành trình mưu sinh đầy vất vả của ngư dân, mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết, không phải ở Việt Nam mà nhìn rộng ra các nước trong khu vực thì ngư dân không chỉ bám biển để tạo sinh kế cho gia đình mà còn làm nhiệm vụ an ninh chủ quyền, bảo vệ không gian sinh tồn của một dân tộc. Đối với Việt Nam lại càng quan trọng hơn, vì nước ta là một nước nhỏ, cần dựa vào ngư dân để tạo ra một sức mạnh trên biển.
Theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: “Bản chất của ngư dân là bám biển, không bám biển thì không gọi là ngư dân. Người ngư dân mà gác tàu lên bờ, hoặc bị tịch thu tàu hay phương tiện thì coi như bị tước đoạt tư liệu sản xuất. Cho nên tôi nghĩ rằng ngư dân đã đồng hành với dân tộc trong suốt nhiều cuộc chiến tranh và trong sự nghiệp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, đã đến lúc, đặc biệt là trong bối cảnh biển Đông ngày càng phức tạp, khó lường thì Nhà nước và Tổ quốc phải đồng hành với ngư dân”.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, cho rằng, điều mà ngư dân cần chính là những chính sách mang tính nhân đạo. Ngư dân không giống như nông dân. Nông dân vác cái cày đi theo con trâu, con bò ra ra đầu xóm khoảng 1 cây số là xa nhất, rồi tối lại về ăn cơm cùng gia đình, dù bát cơm còn đạm bạc nhưng tình cảm rất dồi dào. Với ngư dân, khi đã bước chân xuống thuyền, cột chặt cuộc đời mình với cánh buồm thì ra khơi hàng tháng trời, chưa biết sống chết thế nào, rủi ro thiên tai, nhân tai ra sao.
Vì thế, theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, phải nhanh chóng nhận diện đúng những vấn đề của ngư dân, đặc thù của ngư dân. Nhận diện đúng những vấn đề ngư nghiệp khác với vấn đề nông nghiệp cái gì? Nông dân cần nơi ở nhưng ngư dân là dân thủy diện, sống lang thang, điều họ cần là có cá, cho nên vấn đề ngư trường ở đây, gồm vấn đề môi trường, bảo vệ nguồn lợi, tôm cá chỗ nào cần phải chỉ ra cho họ, phải duy trì được vốn tự nhiên ấy, thì 3 vấn đề đó, gọi là ngư dân – ngư nghiệp – ngư trường, tương ứng với vấn đề nông dân – nông nghiệp – nông thôn.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi nói: “Thời gian tới cần phải quyết liệt, phải quan tâm hơn nữa thì mới tạo ra đột phá cho nghề cá. Như vậy ngư dân mới được giải phóng. Nếu không họ không được tham gia cái gì và cuối cùng như bây giờ họ là đối tượng bị quản lý của đủ các loại. Đáng lẽ phải khuyến khích họ tham gia chủ động vào các vấn đề của họ và trở thành những cộng đồng tự quản, tự điều chỉnh”.
“Cho nên tôi nghĩ rằng nhanh chóng cần phải có một nghiên cứu căn cơ, toàn diện cho vấn đề ngư dân – ngư nghiệp – ngư trường. Ở đây không phải là tách ra khỏi nông dân – nông nghiệp – nông thôn để trở thành cái gì độc lập, nó vẫn nằm trong cái khuôn như vậy, nhưng phải có cái đặc thù riêng, không thể lẫn lộn được”, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.