Nắng nóng kéo dài làm cho thủy sản nuôi trong đó có ngao rất dễ bị sốc nhiệt, dẫn đến khả năng chống chịu bệnh suy giảm, chết hàng loạt. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, ngay từ đầu vụ, người nuôi cần chú trọng các biện pháp phòng tránh.
Đối với vụ nuôi mới
Tốt nhất không nên nuôi ngao ở những vùng nước nông có thời gian phơi bãi dài từ 6 – 8 giờ trở lên. Cần cải tạo tốt lại bãi nuôi trước khi xuống giống. Bởi sau thời gian nuôi 1,5 – 2 năm (tùy theo kích cỡ giống thả) các chất hữu cơ lắng đọng nhiều. Khi gặp nhiệt độ cao, các chất hữu cơ này phân hủy nhanh dễ gây ra ô nhiễm môi trường. Để cải tạo lại, người nuôi có thể sử dụng máy sục cát sục sâu xuống mặt bãi từ 15 – 20 cm, nhặt bỏ vỏ ngao còn lẫn trong cát, thu gom cặn bã, rửa lại cát mặt bãi. Sử dụng xẻng, cuốc hoặc máy cày, cày lật bãi nuôi, tranh thủ những ngày nắng và những ngày kém nước để phơi bãi, giải phóng khí độc tồn đọng trong bãi nuôi ngao. Sử dụng các chế phẩm vi sinh hấp phụ các chất độc trong bãi nuôi, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không nên xuống giống ngay để cho bãi nuôi có thời gian hồi phục.
Hiện trên thị trường nguồn ngao giống có ở nhiều nơi từ Bắc vào Nam, từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch nên chất lượng ngao giống khó được kiểm soát. Vì vậy, người nuôi cần chọn những cơ sở tin cậy, có uy tín chất lượng để mua ngao giống. Chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, chọn cỡ giống lớn và có kết quả xét nghiệm âm tính với Perkinsus.
Nguồn thức ăn của ngao chủ yếu là thức ăn tự nhiên như các loài tảo, mảnh vụn hữu cơ, nếu nuôi quá dày nguồn thức ăn không đủ làm tốc độ sinh trưởng chậm, thời gian nuôi kéo dài, nguy cơ rủi ro cao. Do đó, cần thả ngao với mật độ phù hợp, những bãi ngao nuôi thương phẩm, mật độ nuôi nên dưới 300 con/m2 (ngao cỡ từ 500 – 600 con/kg). Người nuôi không nên thả giống ngao vào thời điểm thời tiết không thuận lợi.
Đối với ao ương
Cần theo dõi nguồn nước ngọt từ các cửa sông để lấy nước vào ao tránh gây sốc cho ngao giống. Thường xuyên vệ sinh ao, vớt bỏ váng trên mặt ao. Mỗi lần thay nước, nên thay khoảng 30% lượng nước trong ao.
Định kỳ 15 – 20 ngày tiến hành đảo ngao, san thưa một lần, thu ngao to chuyển sang ao ương khác hoặc ao nuôi thương phẩm.
Đối với bãi đang nuôi
Duy trì mật độ nuôi ngao phù hợp. Khi ngao còn nhỏ, người nuôi thường thả với mật độ dày, khi ngao lớn nhu cầu về dinh dưỡng, thức ăn cũng như điều kiện sống khác tăng cao. Người nuôi ngao cần san thưa mật độ cho hợp lý tùy theo từng giai đoạn nuôi, có thể chuyển bớt sang nuôi ở bãi khác hoặc sàng lọc những cỡ ngao khác nhau để bán ra thị trường, tùy theo nhu cầu của người mua. Đảm bảo mật độ nuôi từ 80 – 120 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 400 – 600 con/kg; dưới 250 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 500 – 800 con/kg, 250 – 350 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 800 – 2.000 con/kg. Đối với ngao đạt cỡ thu hoạch (50 – 70 con/kg) cần khẩn trương thu hoạch tránh thiệt hại xảy ra.
Đối với những bãi nuôi ở cao triều có thời gian phơi bãi quá 8 giờ/ngày, chúng bị tác động của nắng nóng nhiều hơn so với các bãi trung triều. Vì vậy, người nuôi ngao nên thả giống to và thưa để tạo điều kiện cho ngao sinh trưởng nhanh, tính toán thời vụ thả phù hợp sao cho có thể thu hoạch trước mùa nắng nóng năm sau.
Cần chú ý công tác quản lý vệ sinh mặt bãi, vây cọc, kiểm tra chân vây, loại bỏ rác tạp và các đối tượng dịch hại trên bãi nuôi; định kỳ phun cát bổ sung để tăng lượng thức ăn và tạo môi trường phù hợp cho ngao sinh trưởng.
Ở những bãi nuôi có nhiều bùn thường tạo thành vũng giữa bùn và trời nắng nóng những vũng bùn này hấp thụ nhiệt làm nhiệt độ mặt bãi tăng cao. Do đó, cần phun cát phủ bề mặt bãi che lấp những vũng bùn để làm giảm nhiệt độ bề mặt bãi nuôi. Tùy theo kích cỡ ngao đang nuôi trong bãi mà phun lượng cát dày hay mỏng, dao động từ 1 – 3 cm.
Thường xuyên quan sát bãi nuôi, khi có hiện tượng bất thường hoặc ngao bị chết, người nuôi cần có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời và thông báo ngay cho các cơ quan chức năng. Không đem ngao sống còn lại khu vực nuôi có hiện tượng chết tiếp tục thả nuôi ở bãi khác nhằm tránh lây lan dịch bệnh giữa các vùng nuôi.
Nam Cường