Chăn nuôi Bình Thuận tăng trưởng mạnh cả 3 vật nuôi chủ lực

Bình Thuận 6 tháng đầu 2023, đàn bò đạt 180.000 con (tăng 3%), đàn lợn hơn 370.000 con (tăng 9%) và đàn gia cầm 6,5 triệu con, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

2426-chan-nuoi-lon-092346_751

Chăn nuôi ở tỉnh Bình Thuận có xu hướng phát triển trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ hiện đại. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Trọng Hiệp, Trưởng Phòng Chăn nuôi và Thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Thuận) cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, tổng đàn gia súc, gia cầm ngày càng tăng, trừ đàn trâu.

Cụ thể, đàn bò gần 180.000 con (tăng 3%), đàn lợn hơn 370.000 con, không tính lợn con theo mẹ (tăng 9%) và đàn gia cầm gần 6,5 triệu con (trong đó đàn gà hơn 5,2 triệu con) tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Trọng Hiệp, để đạt kết quả trên bên cạnh sự nỗ lực của người chăn nuôi công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Nhất là đẩy mạnh công tác tiêm phòng gắn với công tác tăng cường kiểm soát vệ sinh thú y và quản lý hoạt động kinh doanh, giết mổ.

Nhờ vậy, những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, cũng như phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên đàn thủy sản nuôi. Đặc biệt ngành chăn nuôi toàn tỉnh tiếp tục có xu hướng giảm chăn nuôi nông hộ, phát triển trang trại, gia trại có kiểm soát an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 230 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Trong đó, 65 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Có 46 trại lợn hơn 200.000 con, chiếm 61% tổng đàn; 18 trại gia cầm 2,5 triệu con, chiếm 38% tổng đàn và 1 trại bò khoảng 500 con chiếm 0,2% tổng đàn.

2545-chan-nuoi-ga-092347_33715268652290070634769

Một trang trại chăn nuôi gà ở Bình Thuận. Ảnh: KS.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 56 trang trại gồm: 43 trại heo, 9 trại gà và 4 trại vịt. Đồng thời tham mưu Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi cho 24 trang trại quy mô lớn (8 trang trại gà, 14 trang trại heo và 2 trang trại vịt). Ngoài ra, có 10 trang trại được công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP (9 trại heo và 1 trại gà).

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Hiệp đánh giá, tất cả các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đều áp dụng công nghệ cao tự động hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Chuồng trại được thiết kế hiện đại bao gồm hệ thống kiểu chuồng kín, lạnh, hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống, hệ thống thu gom trứng, hệ thống thu gom phân… đều tự động hóa. Tất cả trang thiết bị chuồng trại đều nhập khẩu từ nước châu Âu, Mỹ…

Về thức ăn, các trang trại sử dụng các dòng vi sinh vật có lợi cho tiêu hóa như Bacillus, Aspergillus, Saccharomyces… được thêm vào trong thức ăn chăn nuôi, để trợ giúp cho quá trình dinh dưỡng của gia súc, gia cầm rất hiệu quả.

Trong xử lý môi trường, các trang trại áp dụng công nghệ ứng dụng chế phẩm sinh học EM và mô hình khí sinh học xây dựng hầm khí biogas để hạn chế phát tán mùi trong chăn nuôi. Đối với chăn nuôi gia cầm sử dụng chế phẩm sinh học Balasa No1 làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải, giảm ruồi muỗi, giảm mùi hôi trong khu vực chăn nuôi… tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

2726-chan-nuoi-092349_6436339022707684869978

Bình Thuận tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: KS.

“Có thể nói thời gian qua, chăn nuôi trang trại quy mô lớn rất tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh. Các trang trại đã góp phần rất lớn làm tăng tổng sản lượng thịt hơi các loại và tổng đàn gia súc, gia cầm hàng năm của địa phương”, ông Hiệp chia sẻ.

Về định hướng và phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn gắn với hoạt động giết mổ, chế biến tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Đồng thời chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định như bò thịt, gia cầm. Đặc biệt, phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn gắn với giết mổ, chế biến tập trung, sử dụng chất thải chăn nuôi phục vụ trồng trọt để nâng giá trị gia tăng.

Song song đó, triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng tại chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, 6 tháng đầu năm, tỉnh Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo triển khai chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tiêm phòng vacxin các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đạt hơn 11 triệu liều, kiểm dịch động vật các loạt đạt hơn 3,5 triệu con và kiểm soát giết mổ động vật gần 31.000 con.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận