QUẢNG NINH Bà Lê Thị Thành ở xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín, giúp lợn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt.
Theo số liệu thống kê của UBND thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của địa phương đạt khoảng 850 tỷ đồng.
Trong đó, giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi đạt 432 tỷ đồng, đóng góp hơn 50% giá trị của toàn ngành. Tổng đàn gia súc trên địa bàn thị xã là trên 52.000 con, đàn lợn chiếm trên 94% với khoảng 49.000 con, sản lượng thịt đạt trên 18.000 tấn, trong đó thịt lợn 8.200 tấn.
Hiện nay, trong quá trình chăn nuôi, các trang trại trên địa bàn TX Đông Triều đều chủ động cung ứng nguồn giống tại chỗ, kiểm soát đầu vào và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình phòng dịch. Bên cạnh đó, để đảm bảo đàn lợn khoẻ mạnh, tránh những yếu tố dịch bệnh, theo hướng dẫn của cán bộ thú y, các hộ gia đình đã chủ động xây dựng hệ thống chăn nuôi khép kín, tuân thủ các vấn đề khử trùng, tiêu độc sát khuẩn chuồng trại để phòng dịch bệnh.
Tại xã Nguyễn Huệ, TX Đông Triều, mô hình chăn nuôi lợn khép kín của gia đình bà Lê Thị Thành đang cho kết quả tốt, đàn lợn phát triển khỏe mạnh, mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi.
Bà Thành cho biết, trước đây, gia đình bà đến xã Nguyễn Huệ để phát triển kinh tế từ trồng rừng. Sau một thời gian, nhận thấy tiềm năng từ chăn nuôi ở Đông Triều, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng chuồng trại để nuôi lợn thịt. Năm 2008, trên diện tích khoảng 10ha, bà Thành đã thả những lứa lợn đầu tiên, dần dần, đàn lợn đã lên đến hơn 100 con lợn thịt và 50 con lợn nái.
Năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và với gia đình bà Thành nói riêng. Không nản chí, đến năm 2021, bà Thành quyết tâm gây dựng lại mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm.
Hàng loạt chuồng chăn nuôi khép kín với hệ thống quạt, máy phát điện, hệ thống làm mát, kết hợp vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng đều đặn đã giúp đàn lợn của gia đình bà Thành phát triển khỏe mạnh. Đặc biệt, từ thời điểm năm 2021 đến nay, đàn lợn của bà Thành không còn bị ảnh hưởng của dịch bệnh như lở mồm long móng, tai xanh hay tả lợn Châu Phi.
Được biết, sau 5 tháng chăm sóc, mỗi con lợn có thể đạt 120kg. Với giá bán khoảng 60.000đ/kg, mỗi năm gia đình bà Thành cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, chất thải trong quá trình chăn nuôi sẽ được xử lý bằng hầm ủ biogas giúp xử lý phân, mùi hôi để bảo vệ môi trường. Hầm ủ biogas đã được xây dựng ở nhiều hộ gia đình tại nhiều địa phương trong tỉnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong việc thay thế các loại nhiên liệu đốt khác.
Từ mô hình chăn nuôi hiệu quả của bà Lê Thị Thành, hiện trên địa bàn TX Đông Triều đang khuyến khích người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn sinh học.
Ông Lê Quốc Ruyến, Trưởng phòng Kinh tế TX Đông Triều cho biết, các hộ chăn nuôi đã đẩy mạnh công tác tái đàn lợn theo đúng quy định, tăng quy mô chăn nuôi trang trại, gia trại, kết nối với các đơn vị sản xuất giống với cơ sở chăn nuôi đảm bảo cung ứng nguồn giống sạch bệnh. Đây được xem là hướng đi lâu dài để phát triển chăn nuôi một cách bền vững.
Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, Đông Triều đang xây dựng kế hoạch triển khai vùng sản xuất an toàn VietGAP trong chăn nuôi trên địa bàn thị xã trong thời gian tới. Thị xã đặt mục tiêu ngành chăn nuôi chiếm 48% cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp.
Duy trì tổng đàn gia súc, gia cầm trên 1,1 triệu con. Trong đó, đàn lợn trên 75.000 con, đàn gia cầm đạt trên 950.000 con. Cùng với đó, địa phương sẽ tập trung công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, các phương án thúc đẩy tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp để đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành.