Có nên tận dụng “ao tôm ” để nuôi cá lóc thương phẩm ?

Đứng trước tình hình giá tôm giảm sâu, các hộ nuôi tôm có xu hướng chuyển đổi qua mô hình nuôi khác thay vì “treo ao – chờ giá”. Trong đó, mô hình nuôi cá lóc cũng được lựa chọn để áp dụng rộng rãi và đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Hãy cùng tìm hiểu cách áp dụng và kỹ thuật nuôi cá lóc thương phẩm bằng ao tôm nhé!

ca-loc_2_1697171273
Nhiều mô hình nuôi cá lóc cũng được lựa chọn để áp dụng rộng rãi. Ảnh: GreenFeed VietNam

Thiết kế ao nuôi phù hợp – tiết kiệm vốn đầu tư

Cá lóc sống và phát triển tốt ở vùng có độ mặn từ 0 đến 8 phần ngàn. Đặc điểm của chúng thường sống ở đồng ruộng, sông, kênh rạch và có khả năng thích ứng cao với sự biến động về nhiệt độ nước của môi trường. Có thể chịu đựng được ở nhiệt độ 39 – 40 độ C.

Nuôi cá lóc có thể đầu tư ở các mức độ khác nhau, không nhất thiết cần nhiều diện tích. Đặc biệt, cá lóc có thể được nuôi ở ao bạt hoặc ao đất từ ao nuôi tôm có sẵn. Thích hợp cho các hộ nuôi tôm có ý định chuyển đổi sang mô hình nuôi mới, tiết kiệm một khoản chi phí đầu tư ao hồ, trang thiết bị một cách đáng kể

Đối với mô hình nuôi trong ao đất hoặc ao bạt, bà con nên chọn ao nuôi có diện tích từ 500 – 2000m2, độ sâu từ 2 – 3 mét, không nên chọn ao có diện tích quá lớn vì không thuận lợi cho việc chăm sóc và quản lý sức khỏe của cá.

Đặc biệt là việc mua bán sẽ gặp khó khăn vì thu một lần không hết cá. Hãy luôn nhớ rằng thị trường giá cả của bất kỳ loại động vật nuôi nào cũng phụ thuộc vào lượng nhu cầu tiêu dùng. Cung vượt cầu sẽ không có giá tốt, không mang đến lợi nhuận cao, thậm chí có thể rơi vào tình trạng lỗ vốn vì không ra được hàng. Vì vậy hãy cân nhắc chọn lựa số lượng nuôi phù hợp với khả năng từng gia đình.

Nghề nuôi cá lóc phù hợp với hộ nuôi có ít vốn, vừa lại phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô trang trại. Bên cạnh đó, nuôi cá lóc còn được xem là một mô hình nuôi xóa đói giảm nghèo, vừa là mô hình làm giàu cho các doanh nghiệp của Việt Nam. 

Ngoài ra, khi chọn ao nuôi bà con cũng nên dựa vào các điều kiện sau:

– Nguồn nước cấp vào ao có chất lượng tốt và chủ động 

– Nơi cấp và nơi thoát nước tách biệt 

– Hạn chế cây cối xung quanh bờ ao

– Gần đường giao thông để giảm chi phí vận chuyển (nếu có điều kiện) 

Cải tạo ao nuôi tôm thành ao nuôi cá lóc

Khi nuôi cá lóc từ mô hình nuôi tôm cũ, người nuôi có thể tận dụng lại các trang thiết bị, dụng cụ nuôi tôm sang nuôi cá lóc như ao đã lót bạt sẵn, dụng cụ đo các chỉ tiêu môi trường, máy cho ăn, máy bơm nước,….

Tuy nhiên, cần phải vệ sinh và xử lý các mầm bệnh, diệt khuẩn trên các thiết bị dụng cụ nuôi trước khi tái sử dụng để tránh mang nguồn bệnh xâm nhập vào ao nuôi cá. 

Nếu là ao cũ bạn cần vét hết bùn dơ dưới đáy ao, bón vôi 8-15kg/100m2, phơi ao từ 3-4 ngày đối với ao đất.

Còn nếu bạn tái sử dụng ao bạt, hãy vệ sinh bạt sạch sẽ bằng dụng cụ chuyên dụng dành cho bạt, nếu có các vết lủng rách, bạn nên vá lại chúng trước khi cấp nước vào ao.

Sau đó, cho nước vào ao độ sâu 1m, chú ý nước lấy vào phải lọc trước, tránh cá lớn vào ăn cá con sau này thả, 3 ngày sau sẽ tiến hành thả cá giống.

Khi thả cá xong, mỗi tuần cấp thêm nước từ 10 – 15 cm cho đến khi đạt độ sâu quy định. 

Chọn và thả giống cá lóc

Cũng giống như nuôi tôm, khâu lựa chọn giống cũng chiếm phần trăm tỉ lệ thành công của vụ nuôi. Giống tốt sạch bệnh sẽ ít rủi ro và tốn kém hơn trong quá trình nuôi. Vì vậy nên chọn mua cá lóc bột có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, không dị tật.

giong-ca-loc_16971710864026974602678843587Như nuôi tôm, khâu lựa chọn giống cá lóc cũng chiếm phần trăm tỉ lệ thành công của vụ nuôi. Ảnh: Dũng Cá

Nên thả cá lúc trời mát. Mật độ thả cá tùy thuộc ao nuôi, như độ sâu, vốn, theo kinh nghiệm, có thể thả từ 10-50 con/100m2.

Chọn thức ăn và cách cho ăn 

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thức ăn dành riêng cho cá lóc, việc chọn lựa thức ăn phù hợp nhằm đảm bảo cung cấp đầy các dinh dưỡng cần thiết cho cá lóc phát triển. Nên chọn loại thức ăn có kích cỡ phù hợp với từng giai đoạn của cá lóc. 

Tháng đầu cho cá ăn 3 lần/ngày (sáng, trưa, chiều). Từ tháng thứ hai trở đi cho ăn 2 lần/ngày.

Hãy nên tạo thói quen cho cá lóc lúc cho ăn bằng cách dùng cây gõ vào cầu tạo tiếng động cho cá gom lại, điều này giúp bạn dễ dàng phân bố lượng thức ăn và quan sát được tình trạng cá dưới ao một cách hiệu quả.

Quản lí và chăm sóc cá lóc 

Hàng ngày bơm bổ sung thêm nước mới cho ao, cứ 10 ngày thay nước 1 lần, mỗi lần thay từ 1/3 – 1/2 thể tích nước ao. 

Nên bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cá định kì để giúp cá có thể phát triển tốt hơn, hạn chế dịch bệnh.

Với tình hình khủng hoảng kinh tế ngày nay, việc lựa chọn vật nuôi cùng với hướng nuôi phù hợp là hết sức quan trọng cho bà con nông dân. Vì vậy, mong qua bài viết trên có thể giúp cho bà con thêm một lựa chọn hay trong nuôi trồng thủy sản!

Đăng ngày 13/10/2023
Đặng Thư
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận