Những năm gần đây, trước nhu cầu về tôm nguyên liệu cho chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng.
Bên cạnh mô hình nuôi tôm truyền thống, tại Bình Định đã và đang xuất hiện một số mô hình nuôi tôm, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh bước đầu đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nhằm góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cho nghề nuôi tôm đang còn nhiều nan giải.
Tại tỉnh Bình Định việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm thẻ chân trắng thương phẩm ngày càng được nhân rộng cho nhiều hộ dân cũng như trong các doanh nghiệp. Điển hình là Công ty TNHH Việt Úc – Phù Mỹ (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ), với tổng diện tích là 116,34 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm, năng suất bình quân 30 – 40 tấn/ha/vụ. Công ty đạt chứng nhận Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2020.
Nuôi tôm trong nhà màng tại Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ
Với công nghệ Biofloc trong nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng được thực hiện trong nhà kính và ngoài trời. Đối với nuôi trong nhà kính, việc nuôi thương phẩm áp dụng theo 2 quy trình nhỏ: 1 giai đoạn và 2 giai đoạn. Quy trình 1 giai đoạn sẽ được thả theo mật độ quy định và chăm sóc tôm đến khi thu hoạch. Quy trình 2 giai đoạn, tôm được ương nuôi 30 ngày sẽ được chuyển ra ao nuôi để chăm sóc đến khi thu hoạch. Lợi thế của mô hình nuôi tôm trong nhà kính là ổn định về nhiệt độ cũng như ít chịu tác động của môi trường xung quanh.
Đối với nuôi ngoài trời nuôi, áp dụng theo quy trình chuẩn 2 giai đoạn. Tôm được ương nuôi trong ao vèo kín sau 35 ngày sẽ được sang ra ao nuôi chăm sóc đến khi thu hoạch. Ao nuôi tôm thương phẩm ngoài trời sử dụng lưới lan để che phủ tạo sự ổn định về nhiệt độ cũng như hạn chế được tảo phát triển trong ao nuôi.
Trong nuôi tôm thương phẩm, Việt Úc là công ty tiên phong trong việc áp dụng nhiều công nghệ cao như: công nghệ Biofloc, công nghệ tự động, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất
– Về công nghệ Biofloc: đây là công nghệ có nhiều ưu việt so với các công nghệ nuôi tôm hiện nay ở Việt Nam. Trong quá trình sản xuất công nghệ, tận dụng được sinh khối floc làm thức ăn, do vậy chuyển hóa protein trong thức ăn tăng lên, không sử dụng kháng sinh, nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro dịch bệnh do rất ít thay nước dẫn đến tăng năng suất nuôi. Lợi ích của công nghệ này là năng suất cao, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp và môi trường bền vững.
– Về công nghệ tự động: Công ty đã ứng dụng các công nghệ, thiết bị máy móc trong nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao: như sang tôm bằng máy, cho ăn bằng máy tự động với đầu dò sóng siêu âm (SONAR) để kiểm soát lượng thức ăn theo nhu cầu của tôm nuôi; Công ty đã sử dụng phần mềm PMS trong quá trình thu thập dữ liệu trong ao nuôi như nhiệt độ, pH, độ mặn, kiềm, oxy hòa tan, cho phép cảnh báo kịp thời mọi thời điểm trong ngày. Áp dụng các phần mềm quản lý trong sản xuất, có thể truy xuất được nguồn gốc con tôm giống cũng như các loại thức ăn và sản phẩm sử dụng cho tôm trong suốt thời gian nuôi.
– Về ứng dụng công nghệ thông tin: Trong quá trình thu thập dữ liệu và quản lý các chỉ tiêu môi trường, tình trạng sức khỏe ao nuôi để phân tích và lưu trữ dữ liệu của mỗi vụ nuôi.
Bên cạnh đó, công ty còn áp dụng nhiều giải pháp trong nuôi tôm như:
– Ứng dụng các biện pháp thân thiện môi trường: Không sử dụng nước ngầm trong quá trình nuôi tôm, sử dụng biện pháp thích ứng với nuôi tôm có độ mặn cao; ứng dụng công nghệ Biofloc, có hệ thống xử lý nước đầu vào và xử lý nước thải đảm bảo theo quy định.
– Tiết kiệm năng lượng: Sử dụng công nghệ biến tần trong điều khiển hệ thống sục khí, nhằm tự động điều chỉnh công suất máy bơm phù hợp với các giai đoạn phát triển của tôm; đồng thời cải tiến hệ thống máy bơm để giảm tiêu hao năng lượng (giảm 30% sức tải của động cơ) và sử dụng đèn Led tiết kiệm điện.
– Đối với nước thải trong sản xuất sẽ được đưa ra hệ thống thải, xử lý bằng cách lắng bùn và xử lý bằng công nghệ MBBR qua hệ thống UV trước khi đưa ra môi trường. Công nghệ MBBR là một trong những công nghệ xử lý nước thải mới và tiên tiến nhất hiện nay.
– Hệ thống xử lý nước thải bao gồm: Ao lắng bùn, ao sinh học hiếu khí, ao lắng nước thải, ao nuôi cá. Bên cạnh đó, cải tạo môi trường bằng việc tạo ra các thảm thực vật xung quanh bằng những loại cây chịu nhiệt, chịu mặn. Việc làm này hạn chế tác động của gió cát, đồng thời bảo vệ được nguồn tài nguyên nước ngọt.
Từ việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trên, quá trình sản xuất của công ty đạt hiệu quả cao, năng suất đạt 100-120 tấn/ha/năm, kích cỡ tôm thu hoạch 48-52 con/kg, cao hơn nhiều so với năng suất bình quân của các hộ nuôi tôm vùng cát trong tỉnh (10-12 tấn/ha/năm; cỡ tôm thu hoạch 60-90 con/kg).
Công ty được đánh giá và cấp chứng nhận tiêu chuẩn ASC (aquaculture Stewarsship Council) chứng minh sản phẩm tôm thẻ chân trắng là sản phẩm tiêu dùng an toàn, tăng giá trị sản phẩm so giá trị sản phẩm khác tương đương trên thị trường.