Báo NNVN có cuộc trao đổi ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam giải pháp bảo tồn, phát triển đàn chim yến.
Thưa ông, hiện nghề dẫn dụ, gây nuôi, khai thác sản phẩm từ chim yến ở nước ta đang đối mặt những thách thức gì?
Nghề dẫn dụ, gây nuôi, khai thác sản phẩm từ chim yến ở nước ta hiện tập trung trên 43 tỉnh, thành với khoảng 24.000 nhà yến, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 120 – 150 tấn tổ yến mỗi năm. Nhiều tỉnh có nhà yến lớn như Kiên Giang 3.000 nhà, An Giang 2.000 nhà, Đồng Nai gần 1.500 nhà.
Đối với các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai cũng là những địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển chim yến. Điều này thể hiện số lượng nhà nuôi yến không ngừng tăng về quy mô. Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi ngày càng được cải tiến, đóng góp rất lớn về sản lượng, cũng như thúc đẩy phát triển nghề nuôi yến.
Thời gian gần đây, khu vực ĐBSCL như Long An, Tây Ninh và một số tỉnh lận cận giáp biên giới với Campuchia cũng phát triển nuôi chim yến rất mạnh. Tuy nhiên, qua theo dõi nghề nuôi chim yến của nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là có những địa phương đang rơi vào tình trạng bão hòa nguồn chim và chậm phát triển đàn.
Những địa phương có tình trạng đàn chim yến giảm mạnh, hiện tập trung tại các tỉnh có đô thị hóa cao, dọc dải ven biển từ Bình Thuận đến Đà Nẵng.
Bởi thứ nhất, do quá trình thực hiện đô thị hóa dẫn tới vùng thức ăn co hẹp, chim yến phải bay rất xa với hàng trăm cây số mới tìm được thực ăn. Có một thí nghiệm theo dõi, chim yến ở tỉnh Khánh Hòa phải bay tận vào tỉnh Đồng Nai để kiếm ăn, sáng bay đi tối bay về.
Điều này khiến chim non khi biết bay đa số chúng sẽ chọn di cư tới vùng đất khác có nguồn thức ăn trù phú. Chẳng hạn như vùng đầm lầy, ao hồ, kênh rạch, sông suối hay những vùng trồng cây thu hút côn trùng nhiều là nơi yêu thích của chim yến kiếm thức ăn và sinh sống.
Thứ 2, việc giảm đàn chim yến đáng kể là bởi nạn săn bắt chim yến và chim hoang dã bằng những tấm lưới tàng hình trên các cánh đồng và những nơi đàn chim yến kiếm ăn.
Tôi đã đọc loạt bài “Để nghề nuôi chim yến bền vững” của Báo Nông nghiệp Việt Nam, loạt bài phản ánh đúng thực trạng về vấn nạn săn bắt chim yến hiện gây nhức nhối và đe dọa ngành yến.
Để ngăn chặn triệt để nạn săn bắt chim yến, cũng như giải quyết những tồn tại, hạn chế trong nghề nuôi chim yến, theo ông cần có giải pháp gì?
Thời gian qua, Chính phủ đã liên tục ra Chỉ thị, Công điện chỉ đạo các ban ngành, địa phương vào cuộc ráo riết bảo vệ đàn chim yến, đồng thời xử lý những trường hợp cố tình gây hại tới đàn yến nói riêng và chim hoang dã nói chung.
Hiện nay, nhiều tỉnh thành cũng đã có văn bản chỉ đạo thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo vệ đàn chim yến.
Đối với hành vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến cũng đã quy định tại Điều 27 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học sẽ bị xử phạt từ 10 – 15 triệu đồng.
Như vậy quy định đã rõ, bây giờ chúng ta triển khai thực hiện phải kiên quyết và xử lý nghiêm thì mới triệt để vấn nạn săn bắt chim yến. Ngoài vấn đề này, tôi đề xuất các địa phương cần tập trung một số vấn đề để bảo tồn, phát triển đàn chim yến.
Thứ nhất, nếu có thể chúng ta lập khu bảo tồn chim yến cấp tỉnh đối với những khu tập trung bầy đàn chim yến lớn đã phát triển trên 10 năm.
Thứ hai, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất nông nghiệp hạn chế lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV. Từ đó, phần nào tạo nguồn thức ăn (côn trùng) đều ở các địa phương, khi đó chim yến sẽ không còn dịch chuyển vùng khi thiếu thức ăn.
Thứ ba, các địa phương phải bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia đã được đưa ra nhằm phát triển ngành chăn nuôi, trong đó phát triển nghề dẫn dụ nuôi chim yến là rất cần thiết.
Thứ tư, phải tinh gọn thủ tục hành chính, nhất là vấn đề pháp lý cho nhà yến được xây dựng trước năm 2020 thì được phép tồn tại theo quy định của Nghị định 13 của Thủ tướng, nhưng phải tuân thủ điều kiện đúng theo Nghị định 13.
Bởi hiện một số địa phương ban hành Nghị quyết trái với Nghị định 13 của Chính phủ là bắt di đời nhà yến đã tồn tại lâu năm. Do đó, những địa phương này cần xem xét và sửa đổi lại quy định cho đúng để người nuôi yến không phải mất trắng vì di dời.
Ngoài ra, hiện các thủ tục cấp phép xây nhà yến , thủ tục cấp mã ID truy xuất nguốn gốc nhà yến và quy trình giám sát thú y trong nhà yến… rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ cho các chủ nhà yến tận tình.
Có như vậy, mới thúc đẩy phát triển nghề yến, tăng giá trị tổ yến và thương hiệu yến sào của địa phương, đảm bảo truy suất nguồn gốc, hướng tới xuất khẩu tổ yến.
Về phía Hiệp hội Yến sào Việt Nam, thời gian qua đã có những định hướng, hỗ trợ như thế nào để giúp ngành yến sào phát triển bền vững, hướng tới xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, thưa ông?
Từ khi nghị định thư về xuất khẩu tổ yến được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã thực hiện rất nhiều việc làm cấp thiết và dài hạn cho ngành yến Việt.
Để đáp ứng tiêu chuẩn cho tổ yến xuất khẩu, chúng tôi cũng đã định hướng cho các nhà yến là hội viên trên toàn quốc rằng, tất cả sản phẩm tổ yến thô từ những nhà yến phải đạt tiêu chí về chất lượng sạch và không có bất kỳ chất cấm nào lẫn vào tổ yến.
Những dung dịch dùng vào việc bảo trì nhà yến phải đạt tiêu chuẩn và mục tiêu là không tác động tới chất lượng tổ yến trong nhà. Sản phẩm tổ yến phải đúng, đủ kích thước và độ màu phù hợp với tiêu chuẩn đăng ký vào chuỗi liên kết nguyên liệu cho xuất khẩu sau này.
Bên cạnh vấn đề trên, chúng tôi còn hướng dẫn các hội viên phải thực hiện đúng công tác giám sát thú y theo định kỳ do Chi cục thú ý các tỉnh đưa ra, tránh trường hợp khai báo gian dối về sản lượng, chất lượng trong kết quả giám sát gây ảnh hưởng tới việc truy xuất sản phẩm cho xuất khẩu.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng hệ thống chất lượng cho nhà máy và sản phẩm tổ yến để từng bước nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mà phía đối tác Trung Quốc yêu cầu.
Đối với những doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm yến sào, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, chúng tôi đã gửi văn bản giới thiệu với Cục thú y, để được kết nối với phía Trung Quốc trong việc xuất khẩu tổ yến sang nước bạn.
“Thời gian qua, để phát triển nghề nuôi chim yến bền vững, Hiệp hội đã kết nối với những tổ chức, cá nhân, nhà khoa học tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề về kỹ thuật nhà yến và sản phẩm tổ yến. Qua đó, giúp cho các nhà yến rút ra được nhiều kinh nghiệm cần thiết cho việc xây dựng và phát triển thật bền vững nghề yến cho các tỉnh thành có nghề nuôi chim yến.” Ông Phạm Duy Khiêm chia sẻ.