Với đường bờ biển 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, Việt Nam là khu vực được mẹ thiên nhiên ưu đãi cho nguồn thuỷ sản phong phú. Đồng thời nhờ vào lợi thế vùng đặc quyền kinh tế biển vô cùng rộng lớn, không thể không nói rằng Việt Nam nước ta có điều kiện cực kỳ thuận lợi để phát triển ngành nuôi thuỷ sản.
Điều kiện tự nhiên thúc đẩy sự phát triển nuôi trồng thuỷ sản
Những điều kiện để phát triển ngành thủy sản nước ta bao gồm:
– Nước ta có vùng biển vô cùng rộng, ấm, kín, nhiều vũng vịnh, đầm phá, cửa sông ra biển và vùng nước lợ.
– Có nhiều sông ngòi, kênh rạch, diện tích mặt nước lớn, Việt Nam có cả 3 môi trường nước với mặt nước rộng lớn: nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Thuận tiện cho việc nuôi trồng và phát triển thuỷ sản.
– Sinh vật biển đa dạng từ tôm, cua, cá,… thuận lợi cho việc khai thác và tiêu thụ.
– Ngư dân Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.
– Thị trường tiêu thụ thuỷ sản thế giới ngày càng phát triển, nhu cầu thuỷ sản ngày càng tăng cao.
– Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ như cung cấp tàu thuyền, hỗ trợ vốn, hỗ trợ nơi làm ăn,… cho ngư dân an cư lạc nghiệp.
Bên cạnh đó, Nước ta có nhiều ngư trường lớn (4 ngư trường trọng điểm bao gồm: Cà Mau – Kiên Giang, Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng – Quảng Ninh, quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa) tạo điều kiện cho hàng ngàn cư dân sinh sống bằng nghề bám biển.
Thị trường ngày càng mở rộng, ngành thuỷ sản Việt Nam càng trở nên sôi động. Gần nửa số tỉnh nước ta giáp biển nên hoạt động khai thác và nuôi trồng ngày được tăng cường, đặc biệt là ở các vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Hiện nay, các tỉnh dẫn đầu về sản lượng khai thác thuỷ sản tại Việt Nam là Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Bên cạnh đó ngành nuôi trồng thuỷ sản nước lợ cũng được đẩy mạnh tại các tỉnh Cà Mau, An Giang và Bến Tre.
Vị trí địa lý Việt Nam tạo điều kiện cho ngành thuỷ sản phát triển. Ảnh: Tạp Chí Công Thương
Tiềm năng sản phẩm thuỷ sản Việt Nam đối với thị trường thế giới
Ngoài yếu tố tự nhiên của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng đẩy mạnh và nâng cao năng lực xuất khẩu thuỷ sản của đất nước, đặc biệt là xuất khẩu sang các nước phát triển trên thế giới.
Trong 3 tháng gần đây năm 2023, sản lượng tôm xuất khẩu có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm. Đặc biệt tại Hoa Kỳ, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ trong tháng 7 đã ghi nhận mốc tăng trưởng 14%.
Bên cạnh đó, mặt hàng cá ngừ xuất khẩu sang Hàn Quốc có đà tăng ấn tượng với sản lượng xuất khẩu tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022, đem về doanh thu hơn 7 triệu USD.
Hoa Kỳ với vị thế là một cường quốc kinh tế lớn và có dân số đứng thứ ba trên thế giới, đã và luôn là đối tác chiến lược hàng đầu của ngành thuỷ sản Việt Nam.
Hoa Kỳ có tỷ lệ dân số đô thị ngày càng gia tăng, số lượng cư dân sinh sống tại thành thị ngày càng cao mang đến cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam để mở rộng thị phần. Bao gồm cả xuất khẩu sản phẩm truyền thống, sản phẩm chế biến sẵn phù hợp cho gia đình đô thị, tầng lớp thu nhập trung bình hoặc tầng lớp di dân.
Việt Nam có khả năng tăng trưởng ngành thuỷ sản xuất khẩu vượt bậc trong tương lai. Ảnh: VnEconomy
Đặc biệt, sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joe Biden và Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ, cùng với Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững, chúng ta kỳ vọng vào sự đẩy mạnh đáng kể và bền vững trong hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực thuỷ sản.