Nhận diện điểm nghẽn để phát triển nuôi biển công nghiệp
Chuyển nuôi biển từ phương pháp truyền thống sang công nghiệp mức đầu tư lớn và sản lượng sẽ tăng cao, cần phải có giải pháp bảo đảm sản xuất và đầu ra sản phẩm.
Đảm bảo sản xuất nuôi biển
Theo ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản ), khi chuyển nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp, doanh nghiệp và ngư dân sẽ phải thay đổi công nghệ nuôi, nhất là lồng bè truyền thống làm bằng cây gỗ phải được thay thế bằng lồng bè làm bằng vật liệu HDPE có giá trị cao, chi phí sản xuất là rất lớn. Thế nên ngay từ bây giờ, ngành chức năng đã có những giải pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất ngành nuôi biển, đồng thời tính tới lộ trình tiêu thụ của sản phẩm để tránh chuyện “giải cứu” khi sản lượng của nuôi biển tăng cao.
Để phục vụ nuôi biển theo hướng công nghiệp, ngành thủy sản sẽ xây dựng và vận hành hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh chủ động. Đầu tư và áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào quản lý và sản xuất ở những vùng nuôi biển tập trung, hạn chế rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững. Đồng thời tổ chức đánh giá tác động môi trường, sức tải môi trường. Trang bị hệ thống thông tin liên lạc cho tất cả các hoạt động nuôi biển để thông tin kịp thời nếu có sự cố xảy ra. Liên kết, hợp tác các lực lượng, các hoạt động trên biển để tổ chức các hoạt động di dời người, lồng bè khi có các sự cố trên biển đảm bảo an toàn và giảm thấp nhất về mức độ thiệt hại.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực thiết kế, vật liệu làm lồng bè; công nghệ sản xuất giống, thức ăn, nuôi thương phẩm, phòng trị bệnh và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và sản xuất cho nuôi biển. Tham gia vào các tổ chức quốc tế trong khu vực có liên quan đến hoạt động nuôi biển”, ông Trần Công Khôi cho hay.
Còn theo ông Phạm Đức Phương, chuyên gia kỹ thuật phụ trách Trung tâm Nuôi biển Công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I , sử dụng lồng nuôi biển bằng vật liệu HDPE mang lại hiệu quả rất lớn. Ví như trong cơn bão số 12 năm 2017, cả khu vực nuôi biển trong vịnh Văn Phong (Khánh Hòa) đều bị ảnh hưởng, lồng nuôi truyền thống của ngư dân địa phương làm bằng gỗ đều bị sóng gió làm gãy vỡ, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Chỉ những lồng nuôi bằng vật liệu HDPE là trụ vững, hệ thống lồng nuôi của Trung tâm Nuôi biển Công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cũng không ngoại lệ, chỉ cần khắc phục 1 tuần lễ là có thể khôi phục sản xuất.
“Trước những đợt bão, ngư dân nuôi biển bằng lồng truyền thống đều lo thu hoạch non cá, tôm bán đổ bán tháo lấy được bao nhiêu tiền thì lấy, để tránh khi bão vào sóng gió cuốn phăng lồng nuôi thì trắng tay. Đối với những đơn vị nuôi biển công nghệ cao sử dụng lồng nuôi bằng vật liệu HDPE thì không cần phải như vậy, vì đã kiểm soát được rủi ro, có thể chủ động trước thời tiết bất lợi nhất. Ví như trước bão ngư dân thu hoạch non chỉ bán được từ 90.000 đồng/kg cá, nếu nuôi công nghiệp có thể sản xuất vượt bão, để qua sau Tết Nguyên đán có thể bán được 150.000 đồng/kg cá”, ông Phạm Đức Phương chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát, đơn vị chuyên sản xuất hạ tầng nuôi biển, chủ yếu là lồng nuôi vật liệu HDPE cho hay, suất đầu tư cho nuôi biển công nghiệp cao gấp 5 – 10 lần so với nuôi theo phương thức truyền thống. Do đó, công ty sẵn sàng song hành cùng ngư dân trong nuôi biển công nghiệp bằng cách các địa phương xây dựng chuỗi nuôi biển công nghiệp, công ty có thể là đơn vị chủ đầu tư hoặc là chủ chuỗi. Chủ chuỗi sẽ cung cấp hạ tầng nuôi biển cho bà con như vật liệu nuôi và con giống, sau khi thu hoạch sẽ trừ dần vào công nợ. Đây cũng là cách giải quyết vấn đề đầu vào cho nuôi biển công nghiệp.
Lo nhất đầu ra
Nuôi biển theo hướng công nghiệp năng suất cho rất cao, bình quân 1ha sẽ cho thu hoạch 100 tấn cá. Khi công cuộc chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang công nghiệp phát triển mạnh thì sản lượng nuôi trồng hải sản trên biển sẽ tăng rất cao, người nuôi lại vấp phải nỗi lo về đầu ra.
Ông Hoàng Ngọc Bình, Giám đốc Vận hành Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam lo lắng: “Nuôi biển công nghiệp sản phẩm nhiều rồi biết bán cho ai. Ngư dân không thể tay nải tay xách ra nước ngoài kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, hoặc tham gia các hội chợ thủy sản để quảng bá sản phẩm. Về vấn đề tiêu thụ sản phẩm nuôi biển phải cần đến ngành công thương vào cuộc hướng dẫn cho người nuôi đường đi nước bước. Ngành nông nghiệp và các địa phương cũng phải vào cuộc quy hoạch vùng này nuôi bao nhiêu lồng, kiểu lồng gì, nuôi bao nhiêu con và đưa ra hướng tiêu thụ để tránh nuôi đạt sản lượng lớn phải giải cứu là rất nguy hiểm”.
Ông Trần Công Khôi gợi ý, hiện Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/202 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 để thúc đẩy thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển, ngành thủy sản cần vận dụng quyết định này để mở rộng thị trường tiêu thụ. Lồng ghép hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nuôi biển tươi sống hoặc thông qua chế biến vào chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản chung của cả nước. Tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nuôi biển Việt Nam ra thị trường khu vực và thế giới.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ ưu tiên phát triển công nghệ và đội tàu vận chuyển sản phẩm nuôi biển sống, có giá trị cao đến thị trường nội địa và các thị trường Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, xây dựng hệ thống nhà máy chế biến sản phẩm hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu”, ông Trần Công Khôi cho hay.
Vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là cách để mở rộng đầu ra cho sản phẩm nuôi biển. PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nguyên Giám đốc Viện Hải Dương học Nha Trang, thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học và Công nghệ Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nêu ví dụ: Trước đây, các doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm bột carrageenan từ rong sụn ở Việt Nam sử dụng rong nuôi trong nước làm nguyên liệu, tuy nhiên, bây giờ hầu hết các doanh nghiệp đều nhập rong nguyên liệu từ nước ngoài.
“Vì sao, vì hàm lượng agar trong rong biển của Việt Nam so với cách đây 10 – 20 năm đã giảm mạnh, từ 60-70% giảm xuống còn 20%. Nguyên nhân được giải thích do giống rong thoái hóa. Nuôi biển bây giờ cũng vậy, phải đảm bảo chất lượng sản phẩm để có đầu ra vững chắc”, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn chia sẻ.
“Trong phát triển nuôi biển công nghiệp, các địa phương cần chọn mô hình phù hợp, có thể chọn nuôi cá, trồng rong, nuôi bào ngư cùng với rong kết hợp du lịch. Như ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) bà con trồng rong đang rất phấn khởi nhân rộng mô hình. Chúng tôi rất mong muốn đồng hành cùng các địa phương trong tiến trình phát triển nuôi biển công nghiệp. Hiện đề án chuyển đổi nghề đã được trình Thủ tướng, tuy nhiên, chuyển sang nghề gì để bà con có đời sống tốt hơn, môi trường được bảo vệ hơn thì phải tính toán sao cho hợp lý”, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản chia sẻ.