“Hơn 1,6 tấn cá chuồn, nhưng thương lái chỉ trả tiền 1 tấn. Đó là tình cảnh mà ngư dân chúng tôi phải chịu trong nhiều tháng nay. Bởi nếu ai phản ứng lại với kiểu tính tiền lạ đời này, thì thương lái không thu mua nữa. Thương lái không mua thì cá không biết bán cho ai!”, ngư dân T.D, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) phản ánh.
Không chỉ ngư dân T.D, mà nhiều ngư dân làm nghề lưới chuồn ở xã Nghĩa An bức xúc cho biết, từ sau tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, tình hình đánh bắt và giá cá chuồn khởi sắc so với các năm nhưng lại bị ép giá. Có chuyến, dù tàu của ngư dân đánh bắt được 16 – 17 tấn hải sản và được thương lái thu gom hết ngay tại cảng, nhưng thương lái chỉ trả tiền cho ngư dân 10 tấn hải sản.
Các thương lái thu mua cá chuồn loại nhỏ tại cảng Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi).
“Mặc dù việc mua bán hải sản của ngư dân diễn ra tại các cảng, nhưng Ban Quản lý các cảng cá chỉ có chức năng vận hành công trình cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản, xác nhận tàu xuất/nhập bến. Còn việc mua bán và giá cả hải sản là giao dịch dân sự giữa ngư dân và các thương lái, Ban Quản lý các cảng cá không thể can thiệp”.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi NGUYỄN VĂN MƯỜI
“Ngày trước, khoảng 1,3 tấn cá nhưng nậu chỉ tính là 1 tấn cá. Đối với 300 kg cá chênh lệch, nậu không tính tiền, vì cho rằng đó là cân nặng trừ hao vào độ nặng của thùng nhựa đựng cá, rồi đá lạnh dùng ướp cá. Quy định bất thành văn này được các nậu thu mua cá chuồn áp dụng mười mấy năm qua. Nhưng từ Tết đến nay, các nậu đồng loạt tăng mức trừ hao từ 300kg lên 600 – 700 kg. Thành thử, dù cân 1,6 – 1,7 tấn cá chuồn, nhưng các nậu chỉ trả tiền cho 1 tấn cá”, ông V.V.Đ, một ngư dân ở xã Nghĩa An nói.
Vừa trở về sau chuyến biển kéo dài gần 30 ngày, ngư dân L.B, ở xã Nghĩa An đánh bắt được gần 12,5 tấn cá chuồn. Song, khi cập cảng Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi) để bán hải sản, ngư dân L.B chỉ được thương lái trả tiền cho 7,8 tấn cá. Theo ngư dân L.B, để “né” việc bị ép cân, ép giá theo hình thức này, ngư dân L.B cùng nhiều ngư dân khác tại địa phương từng cho tàu cập các cảng ở Khánh Hòa, Đà Nẵng để bán hải sản. “Thời gian đầu, khi cập cảng tại Khánh Hòa, chúng tôi rất mừng khi thương lái cân 1 tấn cá chuồn là trả tiền đúng 1 tấn. Nhưng không hiểu vì lý do gì, được một thời gian, các thương lái tại đây lại áp dụng cách thu mua ép cân, ép giá y hệt các thương lái tại Quảng Ngãi. Trong khi đó, loại cá chuồn mà chúng tôi đánh bắt là cá chuồn nhỏ, số thương lái thu mua loại cá này ở các tỉnh khác không nhiều, nên chúng tôi đành quay về quê để bán”, ngư dân L.B chia sẻ.
Ngư dân xã Nghĩa An cũng phản ánh thêm rằng, trước đây, tình trạng ép cân, ép giá này chỉ được các nậu thu mua hải sản áp dụng với các chủ tàu vay mượn tiền của họ để có kinh phí đóng tàu, vươn khơi. Còn thời gian gần đây, dù các ngư dân khác không lệ thuộc vào các nậu, nhưng khi bán hải sản, ngư dân cũng bị ép giá. Hình thức ép cân, ép giá vô lý này khiến ngư dân phải chịu thiệt.
Lưới dùng để đánh bắt cá chuồn được ngư dân đầu tư với kinh phí lớn, dao động từ 900 nghìn đồng – 1 triệu đồng/ tấm lưới.
Trong khi đó, tình hình đánh bắt, kinh phí cho mỗi chuyến biển của ngư dân ngày một tăng. Theo nhiều chủ tàu làm nghề lưới chuồn ở xã Nghĩa An, ngoài việc đầu tư từ 300 – 400 triệu đồng để mua lưới cụ và hơn 100 triệu đồng tiền nhiên liệu, tiền thức ăn, nước uống, đá lạnh bảo quản hải sản… cho mỗi chuyến biển, các chủ tàu còn phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để trả lương cho thuyền viên (hơn 300 nghìn đồng/người/ngày)…
Trước thực trạng trên, ngư dân ở xã Nghĩa An kiến nghị các ngành chức năng sớm vào cuộc kiểm tra và có giải pháp chấn chỉnh, để ngư dân vững tin vươn khơi, bám biển.
Bài, ảnh: Ý Thu
Nguồn: Báo Quảng Ngãi