Kết quả sản xuất tôm nước lợ và cá tra trong 8 tháng năm 2023

Ngày 9/9/2023 tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh mới” cho biết kết quả sản xuất tôm nước lợ, cá tra trong 8 tháng đầu năm 2023 và bàn giải pháp phát triển những tháng cuối năm với tín hiệu mới đã xuất hiện.

hoi-nghi_5_1694509923-28
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (ngồi) và Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chủ trì hội nghị. Ảnh: Sáu Nghệ

Kết quả với những khó khăn

Số liệu của Cục Thủy sản, diện tích thả nuôi trong 8 tháng đầu năm 2023: Tôm nước lợ 715.000 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022; Cá tra 3.86.000 ha, tăng 0,1%. Sản lượng thu hoạch: Tôm nước lợ 657.7000 tấn, tăng 3,9% so cùng kỳ năm 2022, đạt 63,9% kế hoạch; Cá tra 1.079.1000 tấn, tăng 0,2%, đạt 66,6% kế hoạch.

ca-tra_16945082292648975684676306690Diện tích, sản lượng cá tra trong 8 tháng đầu năm 2023 và năm 2022. Ảnh: Hóa chất nhà nông

dien-tich-tom_169452724814178491206043603742Diện tích nuôi tôm nước lợ 8 tháng năm 2022 – 2023. Ảnh: Hóa chất nhà nông

san-luong_169452718610997143908455884333Sản lượng tôm trong 8 tháng đầu năm 2023 và năm 2022. Ảnh: Hóa chất nhà nông

Kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng: Tôm 2,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ; Cá tra 1,2 tỷ USD, giảm 35%. Cả ngành thủy sản xuất khẩu 5,8 tỷ USD, giảm 25%. 

xuat-khau-tom-2_169452735716005823182402445475Xuất khẩu tôm trong 8 tháng đầu năm 2023 giảm 28% so cùng kỳ 2022. Ảnh: Hóa chất nhà nông

xuat-khau-ca-tra_169450931713357307523084416985Xuất khẩu cá tra trong 8 tháng đầu 2023 giảm 35% so cùng kỳ 2022. Ảnh: Hóa chất nhà nông

Cả tôm và cá tra đảm bảo sản xuất nhưng giá bán giảm sâu, chi phí đầu vào cao nên nhiều cơ sở không có lãi và lỗ.

Về giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước khác. Cụ thể tôm chân trắng loại 50 con/kg của Việt Nam nuôi tối thiểu 90.000 đồng; so với Ấn Độ đắt hơn 20.000-22.000 đồng, với Ecuador đắt hơn 30.000-33.000 đồng. Ở đây chưa so sánh về chất lượng.

Nguyên nhân chính là do chi phí thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện lưới).

tom-giong-2_16945102248046751589484278676Chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ gây nhiều khó khăn cho bà con. Ảnh: Hóa chất nhà nông

Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao và không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, lệ thuộc vào đại lý ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của người nuôi tôm (So sánh trên cùng diện tích ao nuôi, cùng kích cỡ tôm thu hoạch và cùng sử dụng thức ăn, thuốc như nhau thì chi phí đầu vào của người nông dân cao hơn khi qua đại lý khoảng 29.500 đồng/kg và 1 vụ nuôi với sản lượng 1.000 kg thì người nông dân mất phần lợi nhuận là 29.500.000 đồng). Giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao. 

Về giá thành sản xuất cá tra hiện khoảng 26.500-27.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ 26.200-26.500 đồng/kg. Kết quả thấy rõ là người nuôi bị lỗ.

Những điểm mạnh và yếu

Cục Thủy sản đánh giá, điểm mạnh nổi bật là năng lực về khoa học công nghệ, nhân lực và điều kiện tự nhiên đã đặt nền tảng để tiếp tục phát triển nuôi tôm nước lợ và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững, đa dạng sản phẩm. Người nuôi làm chủ công nghệ, có kinh nghiệm đã sản xuất giống, nuôi thương phẩm với nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt rất linh hoạt trong ứng dụng công nghệ phù hợp quy mô sản xuất.

Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản có công nghệ và thiết bị tiên tiến, nhân lực có trình độ, kỹ thuật cao. Hệ thống pháp luật nước ta đã đầy đủ, hài hòa với quốc tế. Lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo sát sao, phát triển đúng hướng bền vững, tăng giá trị sản phẩm, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó cũng còn những điểm yếu thấy rõ. Về giống, tôm đang phụ thuộc nhập khẩu và khai thác tự nhiên. Giống cá tra có tỷ lệ sống chưa được như kỳ vọng.

Hạ tầng vùng nuôi hạn chế, quy mô nhỏ chiếm đa số; nguồn nước cấp, nước thoát chưa đồng bộ, gây khó khăn cho sản xuất và nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh. Giá thành sản xuất cao, giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Liên kết sản xuất trong nuôi trồng còn lỏng lẻo.

Tín hiệu mới và giải pháp cuối năm

Thảo luận tại hội nghị cho hay, trong bối cảnh khó khăn kéo dài suốt 8 tháng qua, hiện đã xuất hiện một số tín hiệu mới là cơ hội cho phát triển. Thị trường có dấu hiệu hồi phục; tăng doanh số xuất khẩu tôm vào thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc. Nhu cầu tiêu thụ theo truyền thống sẽ tăng dịp lễ Noel, Tết đương lịch. Các hiệp định FTA Việt Nam đã ký phát huy lợi thế về thuế. Gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng của Chính phủ sẽ tiếp thêm nội lực cho doanh nghiệp.

Sau tin Nhật xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân, người tiêu dùng Nhật thận trọng với thủy sản nội địa, còn Trung Quốc đã cấm nhập thủy sản từ Nhật. Cơ cấu xuất nhập khẩu thủy sản trên thị trường thế giới có sự thay đổi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam.

Giá tôm đã bắt đầu tăng từ 7.000-25.000 đồng/kg tuỳ cỡ.

Về cá tra, kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) trong đợt thanh tra vừa rồi là rất tích cực, không có sai lỗi lớn. Điều này khẳng định uy tín và chất lượng cá tra Việt Nam, sẽ là động lực cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Những tín hiệu tích cực mở ra hy vọng cho kế hoạch năm 2023. Kế hoạch cả năm thả nuôi tôm 750.000 ha (tôm sú 610.000 ha, tôm thẻ 120.000 ha và tôm khác); Cá tra 5.700 ha. Sản lượng 1.030.000 tấn tôm các loại (Tôm sú 280.000 tấn, thẻ 750.000 tấn); cá tra 1.620.000 tấn.

ao-tom-10_16945103468560505345646579051Để nuôi trồng tốt cần kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại, duy trì ổn định đối tượng chủ lực. Ảnh: Hóa chất nhà nông

Theo đó, yêu cầu quý IV/2023 duy trì diện tích hiện có, thả bổ sung diện tích đã thu hoạch, đặc biệt là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (mới thả 70.000/120.000 ha). Sản lượng tôm nước lợ 372.500 tấn (Tôm sú 120.500 tấn, thẻ 252.000 tấn); Cá tra 540.900 tấn.

Giái pháp chính đặt ra là nuôi trồng phải đảm bảo nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Để nuôi trồng tốt cần kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại, duy trì ổn định đối tượng chủ lực; cụ thể với tôm sú là tôm-lúa, tôm-rừng, sinh thái, đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế; tôm thẻ chân trắng thả bổ sung diện tích đủ điều kiện, nuôi qua đông, nuôi kiểm soát điều kiện; Cá tra quản lý điều kiện nuôi, an toàn thực phẩm, chất lượng theo chuỗi.

Đặc biệt là hạ giá thành. Vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị nhấn mạnh, cần tập trung giải quyết các công việc cụ thể để đạt kết quả rõ ràng. “Bộ đang giao cho một cơ quan nghiên cứu đến cuối tháng này phải hoàn thành báo cáo về cơ cấu giá thành các sản phẩm chủ lực, theo đó có thể giảm khâu nào và giải pháp để giảm. Khi có giải pháp cụ thể sẽ triển khai đồng bộ các cấp, các ngành liên quan tập trung thực hiện cho đạt kết quả chứ không nói chung chung nữa”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Đăng ngày 12/09/2023
Sáu Nghệ
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận