Theo các chuyên gia phân tích, ngành tôm đang trong giai đoạn chuyển mình dưới ứng dụng của tự động hóa cao cấp. Ở Mỹ Latinh, công nghệ trong ngành tôm đang “giành miếng ăn” của nhiều người lao động.
Kỷ nguyên của tự động hóa
Ông Gorjan Nikolik, chuyên gia phân tích thủy sản cấp cao của Rabobank cho rằng, sự tăng trưởng vượt bậc trong sản lượng của ngành tôm Ecuador là nhờ vào hệ thống cho ăn tự động và các công nghệ tiên tiến khác. Tự động hóa đã giúp Ecuador đạt được thành công vang dội trong sản xuất tôm.
Trong tương lai, ngành tôm toàn cầu hoàn toàn có khả năng đưa tự động hóa vào trong nuôi trồng và chế biến. Mặc dù hiện nay ở Morocco, ngành tôm vẫn đang phải dựa vào nhân công, hay như ở Hà Lan, nhiều công ty đã thử nghiệm và thất bại khi ứng dụng tự động hóa trong chế biến tôm khai thác, nhưng ông tin rằng chế biến tôm sử dụng công nghệ và máy móc sẽ phát triển rộng rãi và tồn tại vượt thời gian.
Một trại tôm ở Ecuador. Ảnh: Intrafish
Theo quan điểm của ông Nikolik, tự động hóa sẽ trở thành mối đe dọa về lâu dài đối với thị phần tôm của châu Á, bởi hiện tại khu vực này đã đi sau Mỹ Latin trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng và chế biến tôm. Tại châu Á, các cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành tôm với quy mô nhỏ thường thiếu vốn để đầu tư vào hệ thống tự động, trong khi Mỹ Latinh đang tiếp tục củng cố và mở rộng sân chơi với quy mô ngày một lớn nhằm tăng hiệu quả sản xuất cao hơn nữa.
“Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, thật không khó để hình dung viễn cảnh mà châu Á sẽ bị vượt mặt và soán ngôi bởi Mỹ Latin ở một số thị phần, giống như bây giờ Ecuador đang có khả năng “thay mặt” châu Á cung cấp cho toàn cầu 2,5 triệu tấn tôm.”, ông Nikolik bày tỏ lo ngại.
Ông Robins McIntosh, Giám đốc điều hành của Homegrown Shrimp (một công ty nuôi tôm trong nhà tại Mỹ) kiêm Phó Chủ tịch của Tập đoàn Charoen Pokphand Foods nhất trí với quan điểm cho rằng ngành tôm đang trong thời kỳ chuyển giao của tự động hóa. Ông cho biết cách đây 1 thập kỷ, người ta tin rằng một tổ chức chế biến tôm sẽ đạt đỉnh cao khi nắm giữ những nhân công có tay nghề giỏi với trình độ lột vỏ, phân loại và đóng gói xuất sắc. Do vậy các quốc gia sản xuất tôm ở châu Á đã tận dụng nguồn lao động giá rẻ như một lợi thế để vượt mặt Mỹ Latin. Nhưng sự bùng nổ của công nghệ tự động hóa đã đảo ngược tình thế. Ông nói: “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên tự động hóa. Bức tranh toàn cảnh tương lai sẽ là con người bị thay thế bởi máy móc.”
Châu Á sẽ bị “cướp” thị phần?
Theo ông McIntosh, các quốc gia như Ecuador đang đầu tư rất mạnh tay vào tự động hóa để nâng cao năng suất chế biến. Trong quá khứ, Ecuador đã tập trung vào xuất khẩu tôm nguyên con sang châu Á làm nguyên liệu chế biến sản phẩm giá trị gia tăng. Nhưng với tự động hóa, McIntosh tin rằng Ecuador hoàn toàn có thể tự mình làm ra những sản phẩm giá trị gia tăng với hiệu quả cực kỳ cao ngay trên chính mảnh đất quê hương, bất chấp giá nhân công đắt đỏ hơn châu Á.
Máy cho tôm ăn tự động của eFishery được sử dụng rộng rãi. Ảnh: NewAtlas
Động lực cho cuộc cách mạng tự động hóa là giảm chi phí. Khi công việc đòi hỏi càng ít sự tham gia của con người, chi phí sẽ càng được cắt giảm, kể cả khi việc chế biến tôm có phức tạp đến mấy. Ông McIntosh cho rằng trong tương lai, có thể với tự động hóa, việc chế biến tôm thậm chí không cần đến bàn tay con người. Ông nói: “Ecuador có một lượng vốn đầu tư dồi dào. Họ có thể mua được những loại máy móc tiên tiến nhất đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển.”
Theo ông Nokolik, nghiên cứu sản xuất vắc xin và biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể là một cú hích cho châu Á. Nhưng hiện tại, một ngành công nghiệp tôm đang có quá nhiều vấn đề như tỷ lệ chết cao và dịch bệnh thường trực, có thể khiến ngành tôm đậm chất truyền thống ở châu Á bị vùi dập bởi các hoạt động công nghiệp hóa của Mỹ Latin.
Ông nói: “Có rất nhiều trại tôm đã áp dụng những mô hình kinh doanh như e-fishery và có những mô hình đang phát triển từ nhiều ý tưởng rất thú vị khác nữa. Điều này khiến châu Á rất dễ bị mất thị phần trong 5 hoặc 10 năm tới.”
>> Ông McIntosh lấy ví dụ chứng minh kỷ nguyên tự động hóa đang bùng nổ trong ngành tôm bằng hệ thống phân loại tự động sử dụng tia laze, có thể phân loại tôm chính xác đến một phần mười gram. Ông cũng nhắc đến việc phát triển các loại máy móc có thể lột vỏ tôm và bỏ đầu tôm đến mức hoàn hảo. Những công nghệ này đang được thử nghiệm và sẽ được ứng dụng rộng rãi chỉ trong một vài năm tới.
An Vy
(Theo Undercurrent, Rabobank)