Những điểm nghẽn của chuỗi cung ứng ngành tôm

Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) là doanh nghiệp liên bang hoạt động phi lợi nhuận trong lĩnh vực hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ chính phủ Đức cùng các đối tác đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên 130 quốc gia.

chuoi-cung-ung-nganh-tom_1704253085
Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, mức độ gia hóa chưa đáp ứng được nguồn cung, chưa chủ động trong sản xuất.

Tại Việt Nam, GIZ hoạt động đã hơn 20 năm, thay mặt cho Chính phủ Đức thực hiện các dự án hợp tác kỹ thuật với Chính phủ Việt Nam mà cụ thể là đang được Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức ủy quyền tham gia vào ba lĩnh vực ưu tiên: Đào tạo nghề; Chính sách về môi trường và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; Năng lượng. Mới đây, ông Ngô Tiến Chương là cán bộ cao cấp của GIZ có bài phân tích những điểm nghẽn của chuỗi cung ứng ngành tôm nước ta. 

Chiến lược ngành thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 xác định: Bền vững, thân thiện, bảo vệ môi trường. Chuỗi cung ứng ngành tôm Việt Nam, theo ông Ngô Tiến Chương, đang hoạt động theo sơ đồ sau: 

Qua nghiên cứu, ông Ngô Tiến Chương cho biết đang có nhiều điểm nghẽn ở 5 khâu với các nguyên nhân chủ yếu. 

Khâu giống, thức ăn và hóa chất 

Những điểm nghẽn: Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, mức độ gia hóa chưa đáp ứng được nguồn cung, chưa chủ động trong sản xuất. Chất lượng con giống, thức ăn, hóa chất, thuốc thú y thủy sản…. còn có rất nhiều bất cập. Sử dụng thuốc, hóa chất không theo hướng dẫn, không theo quy định. Giá thành cao.

tom-the-chan-trang-2_170425270915957313770277701338Điểm nghẽn dễ thấy là tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam dưới 40%. Ảnh: vasep.com.vn

Nguyên nhân chủ yếu: Năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất giống đạt tiêu chuẩn chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Việc nghiên cứu & ứng dụng còn nhiều hạn chế. Kiểm soát dịch bệnh trên tôm giống chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn các lô giống không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch, kém chất lượng lưu thông trên thị trường; nhiều cơ sở sản xuất giống chưa đủ điều kiện vẫn đang hoạt động. Vẫn còn cơ sở bán thuốc thú y ngoài danh mục, kháng sinh cấm. Tình trạng hàng giả, kém chất lượng xảy ra gây nguy hại cho người tiêu dùng và thiệt hại đối với người nuôi. 

Khâu nuôi 

Điểm nghẽn dễ thấy là tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam dưới 40%; thấp hơn nhiều so với một số nước đối thủ như Thái Lan là 55% và Ecuador 80-90%. Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo. Thiếu vùng nuôi chuyên nghiệp tập trung. Nguy cơ về bệnh cao làm tăng chi phí sản xuất do tỷ lệ thất bại/vụ cao; tăng sử dụng chế phẩm cải tạo, xử lý môi trường nuôi. Môi trường đất, nước ở nhiều vùng nuôi có dấu hiệu bị suy thoái, ô nhiễm. 

Nguyên nhận là ở Thái Lan, Ecuador có lợi thế về nguồn nước sạch nên tỷ lệ thành công cao hơn, lại nuôi mật độ thấp hơn. Ở Việt Nam hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp, hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo, nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt. Trong lúc, chất lượng con giống, môi trường suy thoái, áp dụng an toàn sinh học chưa đầy đủ và mô hình nuôi không bền vững, xả thải trực tiếp. Bên cạnh còn phát sinh các vùng nuôi ngoài quy hoạch làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây mặn hóa, ô nhiễm môi trường. 

Khâu tổ chức sản xuất 

Điểm nghẽn lớn ở đặc điểm của nuôi tôm Việt Nam là nhỏ lẻ, hộ gia đình, hộ chỉ nuôi từ 1-3 ha. Mỗi nhà một cách nuôi, mật độ nuôi cao, trong khi trình độ tiếp thu ứng dụng công nghệ của người dân còn thấp. Mô hình hợp tác xã chưa hoàn chỉnh, nhiều hợp tác xã và tổ hợp tác được thành lập dựa trên nhu cầu khác, không chú trọng vào tổ chức sản xuất, yếu về liên kết ngang. Điều kiện tiếp cận vốn đầu tư sản xuất và trình độ lao động có nhiều hạn chế. 

Nguyên nhân do vùng nguyên liệu không ổn định, thường xảy ra tình trạng thừa/thiếu nguyên liệu và bị ép giá. Các hộ quy mô vừa và nhỏ khó tiếp cận các nguồn vốn để chuyển đổi hoặc ứng dụng công nghệ. Nuôi mật độ cao, trình độ kỹ thuật nuôi của người dân thấp dẫn đến nguy cơ dịch bệnh, nuôi thất bại. Năng lực tài chính và kỹ thuật của hợp tác xã và tổ hợp tác còn yếu gây khó khăn trong quá trình thương thảo, ký kết liên kết chuỗi. Người nuôi có xu hướng bị lệ thuộc vào đại lý/thương lái do nợ và sẽ trả sau vụ thu hoạch. Lao động ở ĐBSCL có tỷ lệ qua đào tạo chỉ 14,9% và tỷ trọng có trình độ đại học trở lên chỉ 6,8%, thấp nhất cả nước. 

Khâu thông tin dự báo 

Điểm nghẽn thấy rõ ở công tác thống kê dữ liệu phục vụ sản xuất còn yếu dẫn đến lập kế hoạch sản xuất gặp khó hoặc không chính xác. Thị trường xuất khẩu tôm chưa thực sự ổn định, nhưng thông tin về thị trường thiếu (đặc biệt là người nuôi) dẫn đến mất cân bằng cung-cầu.  

ao-tom-dep_17042529261153202807789114517Nuôi mật độ cao, trình độ kỹ thuật nuôi của người dân thấp dẫn đến nguy cơ dịch bệnh, nuôi thất bại. Ảnh: hoangdunggreen.com

Nguyên nhân là chưa đồng bộ hóa dữ liệu để cung cấp được kế hoạch sản xuất phù hợp dẫn đến người dân lúng túng, thiếu thông tin để quyết định vụ nuôi. Các thị trường nhập khẩu đặt ra các yêu cầu khắt khe đối với sản phẩm tôm và nhu cầu phụ thuộc cả về đối thủ cạnh tranh lẫn thị trường chủ lực. 

Khâu logistics 

Điểm nghẽn này đã được nói đến ở nhiều diễn đàn. Vùng ĐBSCL thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh; thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn. Cho nên chi phí logistics chiếm tỷ lệ cao trong giá sản phẩm.  

Nguyên nhân là phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Hạ tầng giao thông kết nối vùng nuôi còn hạn chế, gây khó khăn cho thu mua. Giao thông đường thủy là thế mạnh của vùng ĐBSCL thì giới hạn tĩnh không trọng tải sà lan chỉ ở mức từ 1.500-3.500 tấn. 

Đăng ngày 03/01/2024
Sáu Nghệ
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận