Không chỉ là tăng thu nhập cho nông hộ mà nuôi ghép tôm sú và cá chẽm còn là hình thức nuôi giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới nghề nuôi thủy sản vùng triều ổn định và bền vững.
Cải tạo ao nuôi
Chuẩn bị ao tương tự như các hệ thống nuôi ghép truyền thống khác:
– Tháo cạn nước ao nuôi, vét bùn đáy ao và tu sửa bờ, các cống cấp, thoát nước.
– Bón vôi với liều lượng 7 – 10 kg/100 m2 và cải tạo kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giảm bớt các chất khí độc tồn tại trong đất và trung hòa pH.
– Phơi đáy ao khoảng 7 – 10 ngày trong thời tiết nắng nóng là tốt nhất.
– Lấy nước vào ao qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp với mức nước lên 1,2 – 1,4 m.
– Gây màu nước bằng phân NPK với liều lượng 2 g/m3. Sau 3 ngày thấy màu nước có màu xanh lá chuối non thì tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi đảm bảo thích hợp như: Độ mặn 10 – 30‰; nhiệt độ 26 – 320C; hàm lượng ôxy hòa tan (DO) trên 4 mg/l; pH 7,5 – 8,5 thì tiến hành thả giống.
Kiểm tra ao đã có thức ăn tự nhiên trước khi thả giống: khi thức ăn tự nhiên dưới dạng Phronima sp. (giống tôm này rất nhỏ, dài không quá 2,5 cm và trong suốt) và sinh vật phù du xuất hiện. Có thể thấy rõ sự hiện diện của Phronima bằng cách quan sát đáy ao gần bờ. Nếu người nuôi kiểm tra một số ít đất từ đáy ao, Phronima sẽ trông giống như ấu trùng của muỗi; trong khi, có thể nhìn thấy sự hiện diện của sinh vật phù du từ màu xanh nâu của nước.
Lưu ý: Nếu có điều kiện có nhiều ao nuôi, nên chuẩn bị một ao làm ao chứa lắng để cấp nước vào ao nuôi trong suốt quá trình nuôi nhằm ngăn ngừa dịch bệnh từ bên ngoài.
Chọn và thả giống
Chọn con giống:
– Đối với cá chẽm: Nên chọn giống khỏe mạnh đều kích cỡ, không bị xây xát, hoạt động nhanh, nhìn bên ngoài màu sắc tươi sáng, không bị dị hình, dị tật. Cá chẽm được thả với kích thước lớn 5 – 10 cm. Cá con tự nhiên thường có kích thước 2 – 4 cm, vì vậy phải được nuôi trong ao ương cho đến khi chúng đạt kích thước mong muốn.
– Đối với tôm sú giống: Có màu nâu xám tự nhiên, hoạt động nhanh nhẹn, cỡ tôm đồng đều các bộ phận phụ đầy đủ không bị dị tật dị hình. Chọn tôm giống đã qua kiểm dịch không nhiễm bệnh đốm trắng, tỷ lệ MBV thấp <10%. Để tránh tôm làm mồi cho cá chẽm, phải thả tôm sú cỡ lớn khoảng 5 – 8 cm. Người nuôi nên mua con giống cỡ PL12 từ trại giống sau đó nuôi trong ao ương 15 ngày hoặc cỡ lớn hơn trực tiếp từ người nuôi.
Quá trình thả giống đóng vai trò rất quan trọng trong nuôi ghép tôm sú và cá chẽm, quyết định sự thành công cuối cùng của việc nuôi. Quá trình thả giống này thành ba giai đoạn. Lần thứ hai thả giống cách lần đầu tiên 30 ngày sau đó và giai đoạn cuối cùng được thực hiện 60 ngày sau khi thả giống ban đầu. Trong khi đó, việc thả cá chẽm giống được thực hiện sau khoảng 90 ngày kể từ ngày thả giống đầu tiên.
Phương pháp thả giống: Nên thả giống vào lúc sáng sớm khoảng 6 – 9 giờ sáng hay chiều mát 16 – 17 giờ, không nên thả giống khi trời mưa hoặc gió mùa Đông Bắc. Trước khi thả đối với tôm, cá chẽm nên ngâm các bao giống trong ao 10 – 15 phút để cân bằng nhiệt độ, sau đó mở túi cho nước vào từ từ rồi thả giống ra ao nuôi, thả giống đầu hướng gió để tạo điều kiện cho tôm cá phân bố đều khắp ao.
Chăm sóc
Thức ăn: Loại thức ăn tùy thuộc vào khả năng đầu tư, có thể là thức ăn công nghiệp, chế biến, thức ăn tươi hoặc kết hợp các loại đó với nhau.
– Đối với cá chẽm: Sử dụng thức ăn viên nổi công nghiệp dành cho cá (thức ăn có độ đạm 22 – 30%).
– Tôm sú: Sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho tôm.
Trong khi đó, mô hình nuôi ghép này tại Indonesia đang mang lại hiệu quả và thân thiện môi trường thì cá chẽm chỉ được cho ăn cá tạp hoặc cá rô phi con. Còn tôm sú hoàn toàn dựa vào thức ăn tự nhiên dưới dạng Phronima sp, thực vật thủy sinh và các vi sinh vật khác (người nuôi có thể áp dụng sao cho phù hợp tại địa phương).
Cách cho ăn: Thức ăn được rải đều trong ao, ngày có thể cho ăn 2 lần sáng 7 – 8 giờ và chiều 5 – 6 giờ, có thể cho ăn bổ sung vào ban đêm đối với tôm. Thức ăn của tôm được cho ăn vào buổi chiều tối nhiều hơn cho ăn vào buổi sáng; đối với cá thì cho ăn vào buổi sáng nhiều hơn buổi chiều.
Chú ý khi cho ăn:
– Thức ăn phải đảm bảo chất lượng và số lượng
– Kiểm tra sức ăn của tôm bằng sàng ăn (vó) lượng thức ăn cho vào sàng ăn bằng 1 – 2% tổng thức ăn tôm/bữa ăn, sau thời gian cho ăn 1,5 – 2 tiếng nếu thấy lượng thức ăn đưa vào được tôm ăn hết nhanh thì bữa sau tăng thêm, nếu thấy lượng thức ăn còn dư thừa thì giảm lượng thức ăn vào bữa tiếp theo. Giống với tôm sú, cá chẽm cũng cần được kiểm tra sức ăn của cá bằng quan sát trên mặt ao.
Quản lý ao nuôi
Định kỳ hàng tuần tiến hành đo các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, DO, độ mặn… để đảm bảo các thông số này nằm trong ngưỡng thích hợp cho các đối tượng nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Định kỳ 7 – 10 ngày phải cấp hoặc thay nước cho ao nuôi, mức nước trong ao nuôi phải đạt > 1,2 m để ổn định nhiệt độ. Đối với ao nuôi ghép mật độ thấp chỉ cần thêm nước để bù vào lượng nước đã bị bốc hơi và rò rỉ ra bên ngoài. Định kỳ hàng tuần bón vôi với liều lượng 3 – 4 kg/100 m2 để ổn định môi trường nước nuôi. Thường xuyên kiểm tra hoạt động của tôm, cá nuôi trong ao để có biện pháp xử lý kịp thời, mặt khác cũng để kiểm tra tốc độ sinh trưởng nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Trong quá trình nuôi để tăng sức đề kháng cho các đối tượng nuôi, cần trộn thêm Vitamin C vào thức ăn với liều lượng 2 – 5 g/kg thức ăn.
Thu hoạch
Đối với hình thức nuôi xen ghép nên áp dụng hình thức thu tỉa bớt sản phẩm rồi mới tiến hành thu toàn bộ. Sau thời điểm nuôi 3 – 4 tháng tiến hành thu tỉa đối với tôm đạt kích cỡ thương phẩm.
Thu hoạch một phần: Vụ thu hoạch đầu tiên được thực hiện sau 60 ngày kể từ ngày thả giống đầu tiên và sau đó được tiến hành hai lần một tháng khi thủy triều lên. Quá trình thu hoạch được thực hiện bằng bẫy lưới có mắt lưới 5 cm. Điều này cho phép những con tôm nhỏ hơn, được thả sau đó, vẫn ở trong ao. Trong khi đó, bất kỳ con cá chẽm nào bắt được phải được thả và thu hoạch vào cuối thời kỳ canh tác.
Hoàng Ngân