QUẢNG TRỊ Những cánh đồng lúa thiếu nước vụ hè thu chuyển sang trồng ngô sinh khối và cỏ voi để làm thức ăn ủ chua nuôi bò BBB cho hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hỗ trợ 2 hộ dân tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong và xã Gio Châu, huyện Gio Linh triển khai mô hình nuôi bò BBB thâm canh với quy mô 10 con/hộ. Trọng lượng bò giống ban đầu từ 180 – 200 kg/con.
Hộ chăn nuôi được hỗ trợ 50% chi phí mua thức ăn tinh bột. Diện tích trồng lúa thiếu nước vụ hè thu, hoa màu kém hiệu quả được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị tư vấn, tập huấn chuyển đổi sang trồng cỏ, ngô sinh khối.
Nguồn thức ăn này sẽ được ủ lên men cho bò ăn. Rơm khô và các phụ phẩm nông nghiêp sẵn có tại địa phương được dự trữ làm thức ăn trong những ngày mưa rét. Các kỹ thuật này được hộ thực hiện mô hình triển khai với quy trình chặt chẽ giúp bò phát triển nhanh, ít dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trần Hữu Vũ, thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, người được hỗ trợ thực hiện mô hình cho hay, bò BBB là giống bò ham ăn, chống chịu khá với dịch bệnh. Đặc biệt, bò BBB tăng trọng rất nhanh, vai, mông nở, tỷ lệ xẻ thịt cao nên được thương lái rất ưa chuộng. Sau khi tiếp nhận triển khai mô hình, thông qua thương lái tại Hà Tĩnh, ông Vũ đã đi chọn những con giống ưng ý nhất đem về nuôi.
Với việc được cho ăn đều đặn, đủ dinh dưỡng bao gồm thức ăn tinh bột, thức ăn ủ lên men và rơm rạ, tiêm phòng vacxin đầy đủ, bò tăng trọng trung bình 30kg/con/tháng. Trọng lượng bò sau 10 tháng nuôi bình quân đạt 520kg/con.
Với giá bán 83.000 đồng/kg hơi, ước tính doanh thu mô hình gia đình ông Vũ đang thực hiện đạt trên 430 triệu đồng, lãi ròng 100 triệu đồng.
Dù không tiếp tục được hỗ trợ nhưng hiện nay, ông Vũ đã chủ động mở rộng chuồng trại, mua thêm bò giống về nuôi để phát triển kinh tế.
“Mô hình này gần như không bỏ đi thứ gì. Phân bò sẽ được ủ hoa mục để bón cho ngô sinh khối, cỏ voi. Mô hình thực sự hiệu quả, bò tăng trọng nhanh và các phụ phẩm nông nghiệp không bị bỏ phí. Vấn đề là người chăn nuôi phải đảm bảo chuồng trại luôn luôn thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và tiêm phòng vacxin định kỳ”, ông Vũ chia sẻ.
Ông Vũ cho biết thêm, Triệu Trạch cũng như nhiều xã ven biển, bãi ngang của tỉnh Quảng Trị có nhiều diện tích khó điều tiết nước tưới cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa trong vụ hè thu. Vì vậy, việc chuyển một số diện tích này sang trồng cỏ và ngô sinh khối để nuôi bò vỗ béo thực sự đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người nông dân.
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho hay, Quảng Trị định hướng con bò là một trong ba con nuôi chủ lực của tỉnh. Kể từ năm 2020 – 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt (sử dụng tinh bò chuyên thịt nhập ngoại và ưu tiên giống bò BBB).
Ngành nông nghiệp Quảng Trị đã hỗ trợ người dân phối giống thành công cho gần 15.600 con bò nái lai Zebu 50 – 75% máu ngoại. Mỗi năm, đàn bò nái lai Zebu cho ra đời hơn 4.000 con bê lai BBB. Những con lai này phát triển nhanh, trọng lượng lớn, ưu thế lai nổi trội, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại các địa phương trong tỉnh, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với bò lai Zebu.
Mô hình nuôi bò BBB thâm canh tại xã Triệu Trạch và Gio Châu đều cho kết quả tương đương nhau sau gần 10 tháng nuôi. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương, hướng tới việc nâng cao thu nhập cho người nông dân.
“Trong điều kiện môi trường chăn thả gia súc ngày càng thu hẹp, mô hình chăn nuôi bò BBB theo hướng thâm canh thực sự hiệu quả và thiết thực. Người dân sẽ từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp”, ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị chia sẻ.