LÀO CAI Cách biển tới 500km, mô hình nuôi cua biển trong nhà đầu tiên ở miền núi Lào Cai được triển khai thành công. Điểm đặc biệt là nguồn nước nuôi cua được tự pha chế.
Anh Nguyễn Bá Cảnh ở phường Bắc Cường (TP Lào Cai) là người đầu tiên nuôi thành công cua biển trên giàn nuôi ở vùng núi Lào Cai, cách biển tới 500km.
Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh Cảnh tự đầu tư giàn nuôi cua biển trong nhà rộng khoảng 100m2. Khác với mô hình nuôi cua biển ở một số nơi (mỗi con cua được nuôi trong một hộp nhỏ), tại mô hình của anh Cảnh, cua biển được nuôi cùng lúc 8 – 9 con trong một khay.
Các khay được xếp chồng nhiều tầng nên không tốn không gian và dễ dàng tháo lắp, di chuyển, thuận lợi trong khâu chăm sóc, cho cua ăn hằng ngày. Việc nuôi cua biển trong nhà giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, có không gian thoáng mát, kiểm soát được môi trường, nhiệt độ.
“Mỗi giàn nuôi trong nhà chi phí đầu tư không nhiều, chưa tới 80 triệu đồng và có thể nuôi từ 100 – 200 con. Với những con cua lớn có thể buộc càng để tránh cua cắp nhau làm gãy càng, như thế mới có được sản phẩm loại 1”, anh Cảnh chia sẻ.
Theo anh Cảnh, mô hình nuôi cua biển trong ao theo truyền thống và gần đây là hình thức nuôi trong hộp đã có nhiều nơi, nhưng để nuôi cua biển ở vùng núi tại Lào Cai thì anh là người đầu tiên nuôi thành công. Mặt khác, mô hình nuôi cua biển này sử dụng nước biển tự pha, chi phí chỉ vài trăm nghìn đồng cho mỗi khối nước, trong khi nếu phải nhập nước biển thì phải chi trả từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/m3. Chính vì Lào Cai khá xa vùng biển, đi lại tốn nhiều thời gian nên hệ thống nuôi cua biển của anh Cảnh đã khắc phục được nhiều nhược điểm và hoàn chỉnh, có quy trình nuôi bài bản.
Toàn bộ hệ thống và giàn nuôi đều được tối ưu, cải tiến để dễ chăm sóc, vệ sinh, giảm không gian mà vẫn nuôi được số lượng lớn, đặc biệt khâu xử lý nước rất quan trọng đối với việc nuôi cua biển. Theo đó, hệ thống xử lý nước được thiết kế theo nguyên lý tuần hoàn, loại bỏ các tạp chất và bổ sung các khoáng chất cần thiết.
Khi đưa nước vào các khay nuôi cua, thức ăn thừa và chất cặn thải đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn. Sau đó, nước lại được tái sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí, không gây ô nhiễm môi trường.
Chất lượng nước cũng như các chỉ tiêu về nhiệt độ, độ mặn, khoáng chất và các thành phần khác được điều chỉnh tự động đảm bảo môi trường tốt nhất cho cua sinh trưởng, phát triển.
Cua biển nuôi tại Lào Cai là dòng cua cốm (cua lột vỏ), còn được gọi là cua hai da. Quá trình cua biển lột vỏ diễn ra trong vòng 1 – 2 ngày. Loại cua này hiếm trong tự nhiên bởi độ thơm ngon được xếp vào loại nhất trong tất cả các loại cua, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo anh Cảnh, khó khăn nhất là vấn đề vận chuyển cua giống bởi việc vận chuyển cua giống và thức ăn từ vùng biển lên Lào Cai phải mất 8 – 9 tiếng, bên cạnh đó cua cần nhiều thời gian để hồi phục, rủi ro bị chết trong quá trình vận chuyển. Cua giống đưa vào nuôi phải được tuyển chọn kỹ, chắc thịt để nuôi thành cua cốm , hình thành hai da. Con cua lúc này ăn sẽ sử dụng hết, không phải bỏ mai vì lúc này cua rất mềm.
“Để nuôi thành công loại cua này phải hiểu về con cua biển mới nuôi được bởi ngay cả ở cửa hàng hải sản, cua sau khi nhập về 4 – 5 ngày đã bị suy hao chất lượng và có thể chết dần, chết mòn. Để nuôi được cua cốm lột vỏ, luôn đòi hỏi chất lượng nguồn nước ổn định cua mới có thể lột vỏ. Mỗi lứa cua nuôi khoảng 25 – 30 ngày là có thể xuất bán, trung bình từ 3 đến 5 con/kg”, anh Cảnh cho biết.
Tại thị trường Lào Cai, hiện nay cua cốm bán với giá khoảng 700 – 800 nghìn đồng/kg. Mặt hàng này cũng được khách du lịch Trung Quốc khá ưa chuộng, đặc biệt là du khách từ Hà Khẩu (Trung Quốc) có thể đi bộ qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai để tới Lào Cai thưởng thức những món hải sản.