Nuôi tôm công nghệ Semi biofloc không lo nắng nóng, giảm chi phí

Trong khi các vùng nuôi tôm ao đất phải ’treo ao’ vì nắng nóng và chi phí tăng cao thì nuôi tôm công nghệ Semi biofloc vẫn diễn ra bình thường với giá thành thấp.

ao-nuoi-6_1688462607
Khu nuôi tôm của anh Chính vẫn hoạt động bất chấp thời tiết nắng nóng. Ảnh: Kim Sơ

Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nắng nóng gay gắt, khoảng thời gian giữa trưa nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C, rất bất lợi cho nuôi tôm thẻ chân trắng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này tại những vùng nuôi tôm trong ao đất ở các xã như Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Phú… (thị xã Ninh Hòa) thu hoạch xong phải tạm dừng thả giống. Tuy nhiên khi chúng tôi đến khu nuôi tôm lót bạt của gia đình anh Lê Minh Chính ở xã Ninh Phú lại khác hẳn, các ao vẫn thả giống bình thường, máy quạt nước sục khí tạo oxy hoạt động liên tục.

Anh Chính cho biết, việc bà con tạm dừng thả nuôi tôm tại thời điểm này có 2 nguyên nhân, ngoài yếu tố thời tiết nắng nóng bất lợi thì chi phí đầu tư như thức ăn, giống, tiền điện tăng cao, trong khi giá tôm thương phẩm ở mức thấp nên nuôi khó có lãi.

Vậy tại sao bản thân anh Chính vẫn thả nuôi tôm trong thời điểm này? Anh cho biết, đó là nhờ anh nuôi tôm theo công nghệ Semi biofloc kết hợp 3 giai đoạn giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh ô nhiễm môi trường và hạ được giá thành trong nuôi tôm.

Theo anh Chính, công nghệ Semi biofloc hiện không còn mới. Tuy nhiên công nghệ này trong nuôi tôm mang lại nhiều lợi ích giúp làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo. Còn biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh. Vì vậy, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Hiện nuôi tôm kiểu truyền thống rủi ro cao bởi dịch bệnh, trong đó dịch bệnh đang bùng phát nặng nhất là bệnh EHP (vi bào tử trùng), với cách nuôi của bà con khó kiểm soát được. Khi mình chuyển sang nuôi tôm theo công nghệ kết hợp 3 giai đoạn, đã giúp kiểm soát hết mầm bệnh từ khi thả con giống cho đến thu hoạch”, anh Chính chia sẻ.

Cũng theo anh Chính, nuôi tôm 3 giai đoạn giúp giảm chi phí thức ăn và tiền điện cũng như kiểm soát được mầm bệnh từ lúc thả con giống, nếu có rủi ro xảy ra có thể hủy bỏ sớm để tránh thiệt hại nặng.

Mô hình nuôi tôm của anh Chính được thực hiện các bước như sau: Giai đoạn 1, tôm được ương trong bể hơn 100m2, mật độ 25 – 50 vạn con giống, thời gian ương khoảng 30 ngày. Khi đó, tôm sẽ đạt kích cỡ từ 1.000 – 1.200 con/kg và sẽ chuyển giai đoạn 2.

ao-tom-6_1688462498Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn của anh Chính ở xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ảnh: Kim Sơ

Ở giai đoạn 2, toàn bộ tôm ương được chuyển xuống ao nuôi ngoài trời, áp dụng nuôi theo công nghệ Semi biofloc. Thời gian nuôi giai đoạn 2 khoảng 25 ngày, khi đó tôm đạt kích cỡ 200 – 250 con/kg, mật độ 500 con/m2 rồi chuyển sang giai đoạn 3.

Ở giai đoạn 3, mật độ nuôi được giảm xuống một nửa, tức mật độ thả từ 250 – 300 con/m2. Sau đó nuôi đến khi kết thúc khoảng 90 ngày, tôm sẽ đạt kích cỡ trung bình 50 con/kg.

Anh Chính tính toán, với cách nuôi trên, giai đoạn 1 người nuôi sẽ giảm chi phí về thức ăn khoảng 1/3 so với cách nuôi truyền thống và tiền điện chỉ tiêu hao khoảng 500 ngàn đồng do dùng máy sục khí công suất nhỏ trong bể ương.

Ở giai đoạn 2, cũng sẽ giúp người nuôi giảm chi phí thức ăn và tiền điện khoảng 1/2 so với cách nuôi truyền thống. Người nuôi chỉ tốn đầu tư tiền điện và thức ăn ở giai đoạn 3 theo nhu cầu của đàn tôm đang thả.

“Nếu nuôi như vậy thì hệ số thức ăn (FCR) đạt khoảng 0,8 – 0,9, tối đa là 1.0. Nhờ đó, người nuôi sẽ giảm giá thành được khoảng 20 ngàn đồng cho 1kg tôm nuôi so với cách nuôi truyền thống”, anh Chính chia sẻ.

nuoi-tom_1688462528Nhờ nuôi tôm công nghệ Semi biofloc kết hợp 3 giai đoạn, anh Chính đã tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Ảnh: Kim Sơ

Được biết, hiện giá thành sản xuất 1kg tôm nuôi đạt kích cỡ 100 con/kg ở khu vực miền Trung khoảng 85 ngàn đồng. Nếu nuôi không rủi ro, bà con may ra thu hoạch có lãi chút ít. Trong khi mô hình nuôi tôm của anh Chính giúp giải bài toán về tiết kiệm chi phí thức ăn và tiền điện, vốn là 2 yếu tố chính khiến giá thành sản xuất tôm nuôi tăng cao.

Theo đó, với mật độ nuôi 300 con/m2, anh Chính thả nuôi 60 ngày tôm sẽ đạt kích cỡ 100 con/m2, chi phí đầu tư khoảng 50 ngàn đồng/kg. Với giá bán 80 ngàn đồng/kg (loại 100 con/kg), sau khi trừ phí anh đạt lợi nhuận 30 ngàn đồng/kg tôm.

Nông Nghiệp Việt Nam
Đăng ngày 04/07/2023
Kim Sơ
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận