Dự án nuôi tôm hùm trên cạn thuộc chương trình đổi mới công nghệ của quốc gia do Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì và do nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu NTTS III thực hiện đã hoàn thiện quy trình nuôi tôm hùm trên cạn với công nghệ tuần hoàn nước RAS.
Cơ sở vật chất
Hệ thống nuôi 1.000 kg tôm cần 300 m2 diện tích bể nuôi, chi phí đầu tư nhà xưởng và các thiết bị, công nghệ cho hệ thống nuôi lớn hơn so với nuôi lồng bè nhưng không gặp phải các rủi ro như cách nuôi truyền thống. Hệ thống bể nuôi được thiết kế gồm bể lắng chất thải, bể lọc sinh học, bể chuẩn hóa chất lượng nước, hệ thống thiết bị như trống lọc, skimmer, UV, máy ổn định nhiệt độ nước, hệ thống cảnh báo môi trường để giám sát nhiệt độ, pH, độ mặn, ôxy hòa tan…
Hệ thống
Để nuôi tôm hùm trên bể nuôi, nước phải luôn đạt yêu cầu tôm sinh trưởng và phát triển. Điều này là không dễ, ngay cả với tôm nuôi trong lồng bè, bởi chất thải từ tôm và chất hữu cơ trong thức ăn làm môi trường nước bị ô nhiễm liên tục làm tôm chết. Công nghệ lọc tuần hoàn tái sử dụng nước (RAS) đã được các nhà khoa học nghiên cứu, áp dụng. Hệ thống bể nuôi được thiết kế gồm bể lắng chất thải, bể lọc sinh học, bể chuẩn hóa chất lượng nước, hệ thống thiết bị như trống lọc, skimmer, UV, máy ổn định nhiệt độ nước… Nước nuôi tôm được lọc liên tục bằng máy bơm, từ bể nuôi sang bể lắng, bơm sang bể lọc rồi lại trở về bể nuôi trước khi được làm sạch và khử trùng bằng tia UV. Điểm đặc biệt của mô hình này chính là bể lọc sinh học.
Bể lọc sinh học chứa đầy các vật liệu lọc, đó là các giá thể cho vi sinh phát triển. Đồng thời, bể lọc bố trí các ống thổi khí đảm bảo nước được đối lưu. Hai loài vi sinh vật là Nitrosomonas và Nitrobacter sẽ được bổ sung để chúng bám vào các vật liệu lọc và xử lý nước. Trong nước nuôi tôm có nhiều protein trôi nổi, một loài vi sinh vật sẽ phân hủy protein thành NH3, sau đó, loài vi sinh vật thứ hai sẽ phân hủy NH3 thành NO2 và NO3. Mỗi bể lọc được thiết kế theo dạng ngăn liền kề, từ ba ngăn trở lên.
Trong bể được trang bị hệ thống cảnh báo môi trường để giám sát nhiệt độ, pH, độ mặn, ôxy hòa tan… Theo tính toán, với bể nuôi khoảng 2.100 kg tôm, cần lưu lượng nước 1.470 m3/ngày. Bể nuôi cũng được thiết kế hệ thống máy ổn định nhiệt với dàn truyền nhiệt để đảm bảo nhiệt độ nước luôn trong khoảng từ 27 – 28oC kể cả khi nhiệt độ ngoài trời 36 – 38oC. Điều này giúp tôm không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, hạn chế tình trạng tôm chết.
Dinh dưỡng
Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng quy trình sản xuất thức ăn dạng viên cho tôm hùm. Các viên này được làm từ bột cá và bột mì, chất tạo mùi thơm cùng một số chất kết dính để thức ăn không tan quá nhanh trong nước, giúp tôm sinh trưởng, phát triển tốt. Việc làm chủ quy trình sản xuất thức ăn khô cho tôm hùm giúp truy xuất nguồn gốc dễ dàng, đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu. Trong quá trình nuôi, thức ăn tươi sẽ được xen lẫn thức ăn khô để đảm bảo các điều kiện phát triển tốt nhất của tôm.
Quản lý
Do hệ thống lọc tuần hoàn làm việc liên tục, bể nuôi tôm tuần hoàn không cần thay nước. Nhưng để kích thích tôm lột xác, nhóm nghiên cứu thử nghiệm và thấy, cứ 15 ngày/lần thay 100% nước trong bể nuôi đối với tôm nhỏ dưới 100 g/con và thay 50% đối với tôm lớn trên 100 g/con giúp tăng hiệu quả sản xuất. Tôm cũng được tắm ôxy già 40 ppm trong 10 phút/tháng để phòng các bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng. Hàng tuần bổ sung vi sinh vật vào các ngăn lọc của bể lọc sinh học.
Kết quả
Phương pháp nuôi tôm trong bể trên bờ tốc độ tăng trưởng tốt. Sau thời gian nuôi 13 tháng, tôm hùm xanh đạt cỡ trên 300 g/con, tỷ lệ sống 78%. Tôm hùm bông sau thời gian nuôi 17 tháng, đạt cỡ 700 g/con tỷ lệ sống đạt 76,4%, năng suất 3,5 – 4 kg/m2 tương đương nuôi lồng bè và giảm giá thành từ 15 – 20 % so với nuôi truyền thống. Tôm nuôi trong bể có màu sắc sáng bóng, vỏ mỏng, thịt thơm ngon. Chất lượng tôm tương tự tôm nuôi lồng bè.
Hoàng Yến