Vi khuẩn Vibrio là tác nhân gây ra nhiều bệnh ở thủy sản. Người nuôi cần theo dõi sức khỏe của tôm thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh, tránh ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ.
Nguyên nhân
Giống Vibrio thuộc họ Vibrionaceae, bộ Vibrionales, lớp Gammaproteobacteria, ngành Proteobacteria. Đặc điểm chung các loài vi khuẩn thuộc giống Vibrio: Gram âm, hình que thẳng hoặc hơi uốn cong, kích thước 0,3 -0,5 x 1,4 – 2,6 μm. Chúng không hình thành bào tử và chuyển động nhờ một tiên mao hoặc nhiều tiên mao mảnh.
Những loài gây bệnh cho động vật thủy sản là: V. alginolyticus; V. anguillarum; V. ordalii; V. salmonicida, V. parahaemolyticus, V. harvey, V. vulnificus….
Đối với các Vibrio spp gây bệnh nhiễm khuẩn máu là chủ yếu. Đối với tôm Vibrio spp gây bệnh phát sáng, đỏ dọc thân, ăn mòn vỏ kitin. V. parahaemolyticus gây bệnh phát sáng ở ấu trùng tôm sú. V. alginolyticus gây bệnh đỏ dọc thân ấu trùng tôm sú. V. parahaemolyticus, V. harvey, V. vulnificus, V. anguillarum… gây bệnh đỏ thân ở tôm sú thịt, ăn mòn vỏ ở giáp xác, gây bệnh máu vón cục ở cua, gây bệnh ấu trùng nhuyễn thể.
Tôm bị hoại tử gan tụy cấp do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra
Đặc điểm dịch tễ
Vi khuẩn Vibrio spp thường gây bệnh ở thủy sản nước mặn và nước ngọt: cá, giáp xác, nhuyễn thể… Những vi khuẩn này thường là tác nhân cơ hội, khi thủy sản sốc do môi trường biến đổi xấu hoặc bị nhiễm các bệnh khác như virus, nấm, ký sinh trùng, các loài vi khuẩn Vibrio spp gây bệnh nặng làm thủy sản chết rải rác tới hàng loạt.
Mùa vụ xuất hiện bệnh tùy theo loài và địa điểm nuôi. Theo nghiên cứu của các tác giả nước ngoài và Việt Nam, Vibrio spp tìm thấy phổ biến ở trong nước biển và ven bờ, trong nước bể ương tảo, bể ương Artemia, trong bể ương ấu trùng.
Dấu hiệu bệnh lý
Ấu trùng tôm và tôm giống có hiện tượng phát sáng khi nhiễm V. parahaemolyticus và V. Harveyi.
Xuất hiện các điểm đỏ ở gốc râu, phần đầu ngực, thân, các phần phụ của ấu trùng giáp xác khi nhiễm V. alginolyticus.
Ấu trùng bào ngư khi nhiễm Vibrio spp chuyển từ màu hồng sang màu đỏ.
Tôm ở trạng thái không bình thường: Nổi lên mặt ao, dạt bờ, kéo đàn bơi lòng vòng.
Tôm, cua trạng thái hôn mê, lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn. Tôm có sự biến đổi màu đỏ hay màu xanh. Tôm cua vỏ bị mềm và xuất hiện các vết thương hoại tử, ăn mòn trên vỏ và các phần phụ.
Cua nhiễm Vibrio spp sau 24 – 48 giờ trong máu có hiện tượng vón cục (kết tủa) gồm các tế bào máu và vi khuẩn.
Bệnh ở cá nuôi lồng biển, đầm nước lợ, dấu hiệu bệnh lý giống bệnh nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn Aeromonas spp di động.
Phòng bệnh
Các trại sản xuất tôm cần thực hiện một số biện pháp sau:
– Lọc nước qua tầng lọc cát và xử lý tia cực tím;
– Xử lý tôm bố mẹ bằng Formalin 20 – 25 ppm thời gian 30 – 60 phút;
– Xử lý tảo bằng Oxytetracyline 30 – 50 ppm thời gian 1 – 2 phút;
– Xử lý Artemia bằng Chlorine 10 – 15 ppm trong 1 giờ ở nước ngọt, vớt ra rửa sạch rồi mới cho ấp;
– Có thể phun vào môi trường ương EDTA 2 – 5 ppm tác dụng kìm hãm phát triểncủa vi khuẩn;
– Thường xuyên xiphong đáy để giảm lượng vi khuẩn ở tầng đáy bể ương.
Chọn được đàn giống khỏe mạnh, không bị nhiễm các bệnh nguy hiểm; vận chuyển, thả đúng quy trình kỹ thuật; cải tiến phương pháp quản lý nuôi dưỡng như nuôi ở mật độ hợp lý.
Trong quá trình nuôi, tránh làm xây xát cá; cho ăn với kích cỡ, số lượng, chất lượng thức ăn phù hợp với đặc điểm, điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển thủy sản nuôi.
Thường xuyên bổ sung vitamin tổng hợp, Vitamin C và men tiêu hóa (có thành phần Lactobacillus sp., Bacillus subtilis) vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng thủy sản nuôi đối với vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt, vào các tháng trước mùa xuất hiện bệnh vi khuẩn xảy ra (mùa hè và lúc giao mùa).
Trị bệnh
Khi thật sự cần thiết và biết rõ nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn Vibrio, thì có thể sử dụng một số loại kháng sinh đã được Bộ NN&PTNT cho phép lưu hành, sử dụng trong NTTS (Thông tư số 10/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016). Loại kháng sinh, liều lượng, thời gian và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cần lưu ý rằng, không sử dụng kháng sinh với liều thấp để phòng bệnh trên thủy sản nuôi vì điều đó sẽ gây hiện tượng kháng kháng sinh ở vi khuẩn gây bệnh.
Nguyễn Hằng
Tổng hợp