Hiện nay, cá bớp được nuôi khá phổ biến ở các tỉnh ven biển của nước ta, mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn là thách thức lớn đối với người nuôi. Bởi các bệnh trên cá bớp gần như chưa có thuốc đặc trị nên một khi bệnh bùng phát, thiệt hại là không hề nhỏ.
Bệnh mù mắt
Nguyên nhân: Vi khuẩn Streptococcus iniae là tác nhân gây ra bệnh mù mắt ở cá bớp; tuy nhiên, ký sinh trùng ký sinh ở cá đôi lúc cũng được tìm thấy ở những mẫu bệnh phẩm. Một số ký sinh trùng xuất hiện ở cá bệnh là trùng bánh xe, trùng loa kèn, trùng quả dưa, sán lá đơn chủ, sán lá song chủ và giun tròn.
Dấu hiệu: Cá chuyển màu sậm trước khi chuyển sang màu xám và sọc trắng chạy dọc thân cá mờ dần. Đây là dấu hiệu cơ bản để nhận biết cá bị mù mắt mà không cần quan sát mắt của cá. Các dấu hiệu mòn vây, xuất huyết ngoài da, gan hoặc sưng thận cũng được tìm thấy ở cá bệnh. Giải phẫu nội quan bên trong cơ thể thấy gan có màu nhợt nhạt, xuất huyết, thận sau sưng to, ngoài ra một số mẫu có dấu hiệu khác như tích dịch xoang bụng, lách sẫm màu hay sưng.
Phòng, trị bệnh: Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do vi khuẩn gây ra. Hiện tại, người dân chủ yếu sử dụng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, biện pháp này mang lại hiệu quả không cao do ngày càng xuất hiện nhiều chủng vi khuẩn kháng lại kháng sinh. Vì thế, cần thực hiện biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
Một số dấu hiệu bệnh lý bên ngoài cá bớp bị nhiễm S. iniae (A: thân sẫm màu, xuất huyết đuôi; B: mắt lồi và xuất huyết; C: mắt bị đục)
Bệnh lở loét
Nguyên nhân: Theo Liu và nnk., (2004) thì bệnh lở loét gây ra bởi các vi khuẩn thuộc giống Vibrio với các tác nhân chủ yếu là V. anguillarum, V. alginolyticus, V. vulnificus, V. parahaemolyticus và V. ordalii; ngoài tác nhân vi khuẩn Vibrio thì còn có các tác nhân gây bệnh thứ cấp như vi nấm và ký sinh trùng.
Đặc điểm: Bệnh có thể bắt gặp trên cá bớp ở tất cả các giai đoạn trong vòng đời. Bệnh lở loét trên cá bớp được xác định đầu tiên tại Đài Loan (2001). Bệnh gây ra thiệt hại lớn, khi bệnh xuất hiện nếu không phát hiện kịp thời thì tỷ lệ nhiễm có thể lên đến 90% trong một tuần và có thể gây chết đến 50% cá nuôi. Theo kết quả khảo sát, bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn thả giống mà nguyên nhân là do cá thu ngoài tự nhiên bị trầy xước và có thể đã mang mầm bệnh. Có rất nhiều yếu tố để vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào cơ thể cá như mật độ nuôi quá cao, chất lượng thức ăn kém, nguồn nước ô nhiễm, kém lưu thông hoặc do ký sinh trùng gây nên vết thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Dấu hiệu: Cá bớp mắc bệnh được ghi nhận với nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó đặc trưng là nhạt màu sắc cơ thể tối, lờ đờ, bỏ ăn, mất thăng bằng, vây mòn cụt và viêm loét ở da, xuất hiện các vùng hoại tử, da sạm màu, bụng sưng to, mắt lồi, cá bị hôn mê, cổ trướng. Gan, thận có thể có màu nhợt nhạt, lách xuất hiện các đốm trắng, tuy nhiên, cá bệnh có thể có hoặc không xuất hiện các triệu chứng, nên rất khó trong phát hiện bệnh.Vi khuẩn phân lập hầu hết ở vùng nội quan như gan, thận và tỳ tạng. Khi quan sát dưới kính hiển vi cho thấy vi khuẩn gram âm, hình que ngắn.
Điều trị
Khi phát hiện cá bệnh cần loại bỏ ngay, người nuôi có thể sử dụng kháng sinh theo liều sau để điều trị:
– Sử dụng Tetracycline với liều lượng 200 mg/kg thức ăn và Vitamin C 30 mg/kg thức ăn, sử dụng cho cá từ 5 – 7 ngày liên tục.
– Tắm nước ngọt cho cá bị bệnh trong thời gian 10 – 15 phút. Sau đó xử lý bằng các loại thuốc hoặc hóa chất như sau: Dùng Tetracycline với liều lượng 10 – 20 g/m3 nước, thời gian tắm cho cá từ 15 – 30 phút; Hoặc hòa tan dung dịch Formaline 50 – 100 ml vào thùng chứa 100 lít nước biển để tắm cho cá, theo dõi các phản ứng hoạt động của cá; tắm liên tục 4 – 5 ngày. Chú ý khi tắm cho cá phải kết hợp với sục khí mạnh.
Bệnh xuất huyết
Nguyên nhân: Theo Leaño và nnk., (2008) thì bệnh xuất huyết do nhóm vi khuẩn Streptococcus sp. gây ra.
Đặc điểm: Bệnh thường xảy ra khi nguồn giống thả nuôi chưa được kiểm tra chất lượng, hoặc nguồn nước kém chất lượng; Khi môi trường nuôi không thuận lợi, ở những tháng có nhiệt độ cao lên tới 35 – 400C và cũng có thể xảy ra bất cứ tháng nào trong năm; ngoài ra, cá được nuôi với mật độ cao cũng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh. Vi khuẩn theo đường tiêu hóa theo thức ăn, qua vết thương ngoài da vào cơ thể, thời gian ủ bệnh 2 – 3 ngày có khi 7 ngày tùy số lượng vi khuẩn xâm nhập, độc lực của vi khuẩn và sức đề kháng của cá. Bệnh tập trung chủ yếu vào các tháng giao mùa. Và ở giai đoạn đầu khi mới bắt đầu thả nuôi, thời gian này cũng là khoảng thời gian bệnh xuất huyết có thể bùng phát.
Dấu hiệu: Cá bị bệnh xuất huyết bơi lờ đờ, xuất huyết ở vây ngực, vây đuôi, ít ăn và có thể chết khi bệnh nặng. Bên trong nội tạng cá thì xoang bụng chướng có dịch đặc, túi mật sưng sẫm, lá lách sưng xuất huyết, gan tái, thận sưng viêm.
Trị bệnh: Người nuôi cần loại bỏ cá bệnh sau khi phát hiện để tránh lây lan. Có thể sử dụng kháng sinh hoặc các hóa dược theo khuyến cáo của chuyên gia (hoặc bác sĩ thú y). Để khử khuẩn vùng nuôi, có thể sử dụng Acid oxolinic để cho cá ăn hoặc tắm cá bằng Perfuran.
Biện pháp phòng bệnh tổng hợp
Lựa chọn nguồn cá bố mẹ sạch bệnh, con giống phải được chọn mua kỹ lưỡng, đồng cỡ, sạch bệnh, tại các cơ sở phân phối uy tín.
Quản lý tốt chất lượng nguồn nước và các yếu tố hóa lý trong ao/lồng nuôi. Đảm bảo hàm lượng ôxy từ 4 – 6 mg/lít, nhiệt độ 25 – 300C, pH từ 7,5 – 8,5, độ mặn từ 20 – 34‰, thời gian độ muối xuống thấp dưới 20‰ không kéo dài quá 10 ngày/tháng, độ trong của nước từ 0,5 – 4 m.
Giảm căng thẳng cho cá bằng cách tránh nuôi dày.
Định kỳ 2 – 3 lần/tuần bổ sung men tiêu hóa, Vitamin C để tăng cường miễn dịch, giúp cá hạn chế bệnh.
Định kỳ 2 tháng/lần tắm cho cá một lần bằng dung dịch thuốc tím (KMnO4) nồng độ 5 ppm trong thời gian từ 15 đến 20 phút.
Đối với nuôi lồng bè, cần định kỳ vệ sinh và thay lưới lồng 2 – 3 tháng/lần để đảm bảo thông thoáng cho lồng nuôi. Kiểm tra neo, lưới… và khi cần thì kịp thời bảo dưỡng hoặc thay thế để giảm thiểu rủi ro do hư hỏng lồng.
Khi phát hiện cá bệnh, cần nuôi cách ly, chữa trị phù hợp. Nếu cá chết phải vớt lên và xử lý tiệt trùng, không vứt ra vùng nuôi nhằm tránh lây lan bệnh.
Thái Thuận