Phòng và trị bệnh cho cá chim trắng vây vàng

Cá chim trắng vây vàng nuôi lồng bè thường mắc một số bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng. Do đó, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa bệnh sẽ tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Bệnh đốm trắng nội tạng

Nguyên nhân: Bệnh do vi khuẩn Nocardia sp. gây ra.

Dấu hiệu bệnh lý: Cá bệnh thể hiện các dấu hiệu như có các nốt phồng rộp nhỏ ở da, khi vỡ tạo nên các vết loét nhỏ màu xám, có các khối u dọc cột sống làm cơ thể cá cong vẹo, dị dạng, bụng cá hơi phình và cứng. Các u hạt màu trắng xám được quan sát thấy ở trên và trong một số cơ quan của cá như: mang, gan, thận và lá lách. Mang cá bệnh tiết rất nhiều dịch nhầy, làm các tơ mang dính bết vào nhau, một vài thương tổn hoại tử cũng đã quan sát thấy trên mang của một số con cá bệnh. Các thương tổn này đã làm cơ thể cá bệnh biến dạng và gây chết chết rải rác; tỷ lệ chết tích lũy quan sát được có thể đạt từ 30 – 70% cá nuôi.

Biện pháp phòng trị: Thả cá mật độ vừa phải (nuôi lồng thả khoảng 3 – 5 con/m3). Định kỳ 3 tháng/lần di chuyển lồng bè đến chỗ mới, vệ sinh lồng hàng ngày và bổ sung thêm vitamin, men vi sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng và giúp cá tiêu hóa tốt. Khi phát hiện cá bị bệnh nên giảm 50% lượng thức ăn, thay khoảng 30 – 50% nước ao hàng ngày và san bớt cá (cá nuôi lồng). Dùng kháng sinh Clindamycin với lượng 4 – 5 g/kg cá, cho ăn liên tục trong 5 – 7 ngày.

ca-chim-vay-vang

Bênh do vi khuẩn Vibrio

Nguyên nhân: Bệnh do vi khuẩn Vibrio sp và Vibrio anguillarum gây ra.

Dấu hiệu bệnh lý: Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, chết rải rác, bụng trương to, thức ăn không tiêu. Cá hoạt động kém, bơi chậm chạp, màu sắc cá chuyển từ sáng nâu sang xám đen. Bệnh xuất hiện nhiều ở cá giống và giai đoạn nuôi cá thương phẩm mật độ cao, khi nước bị nhiễm bẩn.

Biện pháp phòng trị: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, không nuôi cá ở mật độ quá cao, thường xuyên treo túi vôi hoặc viên TCCA trong lồng, mỗi ngày rũ 4 – 5 lần để khử trùng môi trường nước và tiêu diệt mầm bệnh. Nước nuôi luôn phải sạch, không ô nhiễm. Thức ăn cho cá nên bổ sung thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng. Khi phát hiện cá bị bệnh cần thay nước liên tục trong 3 ngày, mỗi ngày thay 50% lượng nước và trộn thuốc kháng sinh Tetracycline vào thức ăn, liều lượng 3 – 5 g/kg thức ăn/ngày. Cho ăn 5 ngày liên tục, mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi sáng.

Bệnh do trùng quả dưa

Nguyên nhân: Tác nhân gây bệnh là trùng Ichthyopthirius multifiliis có hình dạng giống quả dưa, đường kính cơ thể 0,5 – 1 mm.

Dấu hiệu bệnh lý: Trùng ký sinh ở da, mang, đầu và vây cá, chúng hút chất dinh dưỡng cá, đồng thời kích thích cơ thể cá tạo ra đốm mủ trắng quanh vị trí bám. Trùng bám nhiều ở mang nên làm suy giảm chức năng hô hấp gây ngạt thở cá. Cá bị bệnh nặng sẽ bơi lội chậm chạp, lờ đờ. Khi yếu chúng chỉ ngoi đầu lên mặt nước để thở, đuôi bất động, chìm dần xuống đáy và chết.

Phòng trị: Thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Khi cá bị bệnh có thể bắt cá lên tắm  Formalin với nồng độ 50 ppm trong thời gian 10 phút.

Phòng bệnh tổng hợp

– Chọn cá giống khỏe mạnh, không bệnh tật, dị dạng bẩm sinh…, nên mua ở những cơ sở cung cấp uy tín. Nguồn cá giống cần tiến hành kiểm dịch. Trước khi thả cá, thường dùng phương pháp tắm cho cá nhằm loại bỏ mầm bệnh trên cơ thể. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Muối ăn NaCl 2 – 4% thời gian 5 – 10 phút hoặc Formalin 200 – 300 ppm thời gian 30 – 60 phút.

– Trước khi thả cá, lồng nuôi cần được vệ sinh sạch sẽ, phơi lồng 1 – 2 ngày. Trong suốt vụ nuôi, cần định kỳ vệ sinh lồng nuôi 1 tuần/lần để loại bỏ các vi sinh vật bám, giúp nước lưu thông tốt hơn. Sau khi cho cá ăn khoảng 30 phút, tiến hành vớt bỏ thức ăn thừa để tránh ô nhiễm môi trường.

– Thả nuôi với mật độ thích hợp, không nên nuôi quá dày sẽ dẫn đến cạnh tranh dinh dưỡng và dễ bùng phát dịch bệnh.

– Treo các túi vôi hoặc túi thuốc tại vị trí cho cá ăn để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường nước. Sau khi vôi hoặc thuốc tan hết, cần thay túi mới.

– Nguồn thức ăn chính được sử dụng trong nuôi cá biển là cá vụn, cá tạp. Đây chính là nguồn lây bệnh trực tiếp cho cá và làm ô nhiễm nguồn nước do thức ăn thừa gây ra. Vì vậy, người nuôi cần quản lý thức ăn thật tốt và không sử dụng thức ăn đã ươn, thối.

– Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, lưu thông dòng chảy, đảm bảo lượng ôxy hòa tan. Khi môi trường thay đổi, nước biển nhớt hoặc có váng, người nuôi cần có biện pháp vệ sinh, phòng ngừa bệnh ngay.

Trần Tiến

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận