Phú Yên đang nỗ lực khắc phục các khuyến nghị của EC, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo chống khai thác IUU.
Khắc phục tồn tại, hạn chế
Trước những tồn tại, hạn chế mà Đoàn công tác Bộ NN-PTNT chỉ ra trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Phú Yên vào tháng 4 vừa qua, ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, địa phương đang nỗ lực khắc phục.
Theo đó, về công tác tuyên truyền, Chi cục đã tăng cường liên tục trên nhiều kênh thông tin, trong đó có ký hợp đồng với Đài Duyên hải Phú Yên phát các bản tin trên hệ thống đài vào thời điểm thích hợp, để bà con ngư dân nắm bắt khi tham gia khai thác trên biển. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra các thủ tục giấy tờ hay xuống cơ sở, Chi cục đều tuyên truyền cho bà con ngư dân.
Đối với quản lý đội tàu, Chi cục đang ráo riết triển khai khi thành lập các đoàn làm việc từng xã, phường để hướng dẫn các chủ tàu cá hoàn tất thủ tục đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.
Theo ông Đào Quang Minh, toàn tỉnh có 1.925 tàu cá có tên trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia, trong đó 655 tàu có chiều dài từ 15m trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi. Hiện các tàu khai thác vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt hơn 98%. Đối với 9 tàu cá chưa lắp đặt, hiện các địa phương quản lý chặt chẽ, không cho xuất bến đánh bắt thủy sản theo quy định.
“Hiện nay chúng tôi giám sát chặt chẽ các tàu cá khai thác thủy sản trên biển. Bây giờ các tàu cứ mất kết nối hơn 10 ngày trở lên, chúng tôi sẽ củng cố hồ sơ đầy đủ và sẽ xử phạt theo đúng quy định”, ông Minh nhấn mạnh.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã xử phạt 6 trường hợp tàu mất kết nối ngắn trên biển, với tổng số tiền gần 120 triệu đồng, đồng thời các thuyền trưởng còn bị tước giấy phép chứng chỉ hành nghề 4 tháng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Yên còn xử phạt 1 trường hợp 400 triệu đồng về hành vi “không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên”. thuyền trưởng tàu này còn bị tước giấy phép chứng chỉ hành nghề 9 tháng.
Ngoài ra, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên đã thực hiện 5 lệnh điều động tàu thanh tra về IUU và Thanh tra Sở NN- PTNT tổ chức 1 cuộc thanh tra chuyên ngành thủy sản đã xử phạt 4 trường hợp vi phạm hơn 22 triệu đồng. Lực lượng Biên phòng tỉnh đã tổ chức tuần tra 76 chuyến trên biển đã xử phạt gần 130 triệu đồng. Nhờ quyết liệt trong công tác quản lý tàu cá nên từ năm 2019 đến nay, tỉnh Phú Yên không có tàu cá khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài.
Còn về truy xuất nguồn gốc thủy sản, Chi cục đã chỉ đạo phòng khai thác rà soát toàn bộ hồ sơ, nhập liệu các chứng từ đầu vào trên cơ sở phần mềm đơn vị quản lý, để truy xuất được nhanh hơn, đảm bảo độ chính xác cao, đáp ứng kịp thời của cơ quan kiểm tra.
Ngư dân góp phần gỡ “thẻ vàng” EC
Ghi nhận tại cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) vào những ngày đầu tháng 7 này, chúng tôi chứng kiến nhiều tàu cá đang làm thủ tục xuất bến. Trong đó có tàu PY-92549-TS chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương do ngư dân Đỗ Như Đức ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) làm thuyền trưởng.
Gặp chúng tôi, ngư dân Đỗ Như Đức cho biết, để chấp hành các quy định về pháp luật, cũng như khuyến nghị của EC, các chủ tàu, thuyền trưởng đều khai báo cơ quan chức năng đầy đủ trước khi xuất bến. Còn khi cập bến tàu cá cũng báo trước 1 giờ cho Ban quản lý cảng cá. Sau khi tàu cập cảng đều nộp nhật ký khai thác thác đầy đủ cho cảng cá.
“Việc làm này đã được tàu tôi cũng như các tàu thực hiện đi vào nề nếp từ nhiều năm nay. Đặc biệt trong quá trình đánh bắt, tàu tôi kiên quyết không vi phạm vùng biển nước ngoài”, ngư dân Đức bày tỏ và cho biết thêm, hiện ngư dân đánh bắt xa bờ ở tỉnh Phú Yên rất ý thức trong việc gỡ “thẻ vàng” của EC nên nhiều năm nay không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Bởi việc các tàu xâm phạm vùng biển nước ngoài phải trả giá rất đắt, không chỉ phạt hành chính nặng nề, bị tước giấy phép hành nghề mà còn ảnh hưởng đến việc gỡ “thẻ vàng” của thủy sản Việt Nam cũng như ảnh hưởng đến tất cả ngư dân trên cả nước mưu sinh khi bị “thẻ đỏ”.
Ông Hà Viên, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Phú Yên cho biết, qua theo dõi các tàu khai thác vùng khơi trên địa bàn hiện chấp hành rất tốt trong việc xuất bến đều phải khai báo Ban quản lý cảng trước, sau đó báo Văn phòng đại diện để tổ chức kiểm tra theo Thông tư 01 của Bộ NN-PTNT. Khi cập bến các tàu cũng nộp nhật ký khai thác đầy đủ giúp việc truy xuất nguồn gốc thủy sản rõ ràng.
Không lơ là với IUU
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, khắc phục các tồn tại, hạn chế, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, UBND tỉnh mới đây đã có văn bản chỉ đạo, phân công thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành; tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về công tác chỉ đạo chống khai thác IUU.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương ven biển quyết liệt, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch số 67 ngày 17/3/2023 của UBND tỉnh về “hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4”; Chỉ thị số 05 ngày 26/4/2023 của UBND tỉnh.
Cùng với đó, các địa phương có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Biên phòng thành lập các tổ, đội quản lý, giám sát đội tàu cập bến, xuất bến, sản lượng thủy sản bốc dỡ tại các bến bãi, điểm lên cá truyền thống, hàng tháng báo cáo Sở NN-PTNT tổng hợp.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện chống khai thác IUU. Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu các địa phương chủ động phối hợp với Sở NN-PTNT, các đơn vị liên quan xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể để hướng dẫn, hỗ trợ các chủ tàu cá sớm hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Về công tác chuẩn bị làm việc đoàn EC lần thứ 4, theo ông Hà Viên, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong đó đã phân công cho cán bộ theo dõi, giám sát tàu cá ra vào cảng, cũng như theo dõi hồ sơ sổ sách đầy đủ và giám sát bốc dỡ thủy sản qua cảng 100%, nhất là thu nhận nhật ký đối chiếu dự liệu giám sát hành trình nhằm đảm bảo các tàu khai thác đúng vùng biển Việt Nam, đúng theo giấy phép khai thác. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phân công cán bộ làm công tác vệ sinh, quản lý tất cả các dự liệu để kịp thời cung cấp các thông tin các cơ quan có liên quan, cũng như khi đoàn EC yêu cầu.