Chứng nhận ASC không dễ đạt được, nếu các hộ nuôi ngao không tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu đã đặt ra thì nguy cơ bị thu hồi giấy chứng nhận là rất cao.
Cơ hội lớn để ngao Ninh Bình “xuất ngoại”
Hiện nay, huyện Kim Sơn (Ninh Bình ) có trên 1.200 ha nuôi ngao thương phẩm, tập trung tại khu vực ngoài đê Bình Minh III đến khu vực Cồn Nổi với sản lượng gần 30.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có hơn 300 cơ sở sản xuất ngao giống, cung cấp ra thị trường khoảng 95 tỷ con ngao giống/năm.
Nghề nuôi ngao tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, trong những năm đầu phát triển, sản phẩm ngao của huyện Kim Sơn chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên giá bán không có sự ổn định, lên xuống thất thường, nhất là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trước thực tế đó, được hỗ trợ của Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và phát triển nông thôn (RECERD), từ năm 2020, Sở NN-PTNT Ninh Bình đã phối hợp với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa (HASUVIMEX) và các hộ nuôi ngao huyện Kim Sơn triển khai Dự án “Liên kết chuỗi ngao theo ASC tỉnh Ninh Bình”.
Theo đó, Sở NN-PTNT Ninh Bình thường xuyên phối hợp với UBND huyện Kim Sơn hướng dẫn quy trình nuôi, công tác quản lý vùng nuôi, quan trắc cảnh báo môi trường để đưa ra cảnh báo cho người nuôi tránh được những rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất… Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với việc phát triển sản xuất ngao thương phẩm.
Năm 2022, vùng nuôi ngao nguyên liệu huyện Kim Sơn (vùng nuôi liên kết HASUVIMEX) đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu (Control Union) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC), diện tích được chứng nhận là 839 ha.
ASC là tiêu chuẩn quốc tế về nuôi trồng thủy sản bền vững được thiết lập bởi Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm. Chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động.
Ông Trần Kiên Cường, Phó Giám đốc HTX ngao Kim Sơn chia sẻ, để vùng nuôi ngao thương phẩm của huyện Kim Sơn được cấp chứng nhận ASC và duy trì được chứng nhận này là một việc không hề dễ dàng. Bởi lẽ, quá trình kiểm tra, đánh giá, giám sát của ASC rất chặt chẽ. Trong đó, yêu cầu vùng nuôi ngao (trại nuôi) phải đảm bảo 3 nguyên tắc cơ bản: hoạt động hợp pháp và quản lý kinh doanh hiệu quả; hoạt động một cách có trách nhiệm với môi trường; hoạt động một cách có trách nhiệm với xã hội. Trong mỗi nguyên tắc lại bao gồm rất nhiều các tiêu chí khác nhau.
“Khi tiến hành đánh giá, chuyên gia của các tổ chức quốc tế đã trực tiếp đến vùng nuôi ngao để kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các chỉ số (môi trường nuôi, ngao giống, mật độ nuôi, thời gian thu hoạch, lao động thu hoạch…). Sau đó, họ mời từng hộ nuôi ngao lên gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn, nội dung nào chưa rõ sẽ được truy xét đến cùng. Khi đã có đủ cơ sở, nhóm chuyên gia mới thống nhất với các cơ quan chức năng và UBND huyện Kim Sơn tiến hành cắm mốc, đánh dấu vị trí, gắn định vị vùng nuôi ngao ASC trên bản đồ”, ông Cường cho hay.
Cũng theo ông Cường, khi vùng nuôi ngao đã được đánh dấu vị trí, định vị trên bản đồ thì chủ bãi nuôi ngao trong trường hợp buộc phải thay đổi vị trí chòi canh hay cột mốc bị xê dịch do tác động của ngoại cảnh thì họ vẫn có thể xác định chính xác vị trí vùng nuôi đã được cấp chứng nhận.
Đặc biệt, chứng nhận có thời hạn trong vòng 3 năm (hiệu lực đến 13/9/2025) nên hàng năm các chuyên gia nước ngoài sẽ không báo trước, bất chợt đến kiểm tra trực tiếp tại vùng nuôi ngao để có những đánh giá khách quan nhất. Do đó, nếu các hộ nuôi không tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu đã đặt ra thì nguy cơ bị thu hồi giấy chứng nhận là rất cao.
“Sản phẩm ngao đạt chứng nhận ASC được người tiêu dùng tại nhiều thị trường trên thế giới, nhất là thị trường châu Âu rất ưa chuộng. Do đó, khi có chứng nhận này là một cơ hội tốt để có thể xuất khẩu ngao Kim Sơn đi nhiều quốc gia trên thế giới. Từ đó, vừa khẳng định được thương hiệu ngao Kim Sơn vừa giúp các hộ nuôi mở rộng được thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm, gia tăng lợi nhuận”, ông Cường đánh giá.
Chị Lê Thị Thoa, thương lái chuyên thu mua ngao Kim Sơn đưa vào tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam chia sẻ, chị đã thu mua ngao ở rất nhiều địa phương phía Bắc nhưng nhìn chung ngao Kim Sơn và đặc biệt là ngao trong vùng được cấp chứng nhận ASC luôn được thị trường đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã. Nhờ đó mà việc tiêu thụ trở nên thuận lợi, giá bán luôn giữ ở mức cao.
“Ngao nuôi trong vùng có chứng nhận ASC vỏ sáng, độ đồng đều cao về đầu con, mập mạp, sạch cát nên nguồn cung tới đâu là cánh thương lái và người tiêu dùng tranh nhau mua hết tới đấy. Chẳng thế mà trung bình mỗi tháng tôi thu mua khoảng 500 tấn ngao vẫn không đủ nguồn cung cho các đầu mối”, chị Thoa cho hay.
Giữ vững chứng nhận, mở rộng vùng nuôi
Ông Trần Kiên Cường, Phó Giám đốc HTX ngao Kim Sơn thông tin thêm, từ khi được cấp chứng nhận ASC, tất cả các hộ nuôi ngao đã thống nhất thực hiện việc sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ theo một quy trình thống nhất. Nhờ đó, từ tháng 11/2022 đến nay, HTX đã xuất bán cho Công ty XNK thủy sản Thanh Hóa hơn 3.000 tấn ngao thương phẩm, với giá bán công ty cam kết thu mua ngao trong vùng ASC luôn cao hơn 500 đồng/kg so với ngao bên ngoài vùng nuôi.
“Tiến hành vệ sinh khu vực nuôi thế nào? Sử dụng con giống ở đâu? Từng hộ xuống giống vào thời điểm nào? Mật độ nuôi ra sao? Khi thu hoạch phải căn cứ vào sự lên xuống của con nước thế nào để ngao sạch cát, sáng màu… đều được các hộ cùng nhau thống nhất và cam kết thực hiện. Bên cạnh đó, những diện tích nuôi ngao ở vùng phụ cận cũng đang được các hộ đẩy mạnh phát triển theo tiêu chuẩn ASC, hướng tới mở rộng vùng nguyên liệu, đảm bảo đủ nguồn cung cho xuất khẩu”, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Vũ Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Bình cho biết, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản trên biển nói chung, nuôi ngao thương phẩm nói riêng theo hướng hàng hóa, đồng bộ, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường; thúc đẩy kinh tế biển phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, Sở NN-PTNT Ninh Bình đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 7/10/2022 về thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi ngao đạt 1.500 ha, sản lượng đạt 35.000 tấn; sản xuất ngao giống 100 tỷ con.
Để làm được điều này, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Kim Sơn và các đơn vị liên quan quy hoạch vùng ương ngao giống tập trung; khuyến khích các cơ sở ương nuôi nâng cấp trang thiết bị, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra con giống đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, lưu thông ngao giống và các vật tư phục vụ nuôi ngao; thực hiện tốt chương trình quan trắc cảnh báo môi trường để kịp thời thông báo cho người nuôi.
Về tổ chức quản lý sản xuất, hình thành các hợp tác xã, ban (tổ) quản lý vùng nuôi…; tăng cường vai trò quản lý cộng đồng để hỗ trợ nhau trong công tác kỹ thuật, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, duy trì chương trình giám sát chặt chẽ để đảm bảo trong thời gian tới vùng nuôi ngao của tỉnh giữ vững được chứng nhận ASC. Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích nuôi ngao đạt tiêu chuẩn ASC, đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu…