Trong 9 tháng đầu năm 2023, NTTS vẫn bị thiệt hại nhiều với một số bệnh cần chủ động đề phòng và việc phát huy hiệu quả hệ thống quan trắc có vai trò quan trọng.
Dịch bệnh chính trên tôm nước lợ
Số liệu của Cục Thú y, dịch bệnh trong 9 tháng gây thiệt hại nhiều nhất cho tôm nuôi nước lợ. Thứ nhất là bệnh đốm trắng, xảy ra tại 156 xã của 47 huyện, thị xã thuộc 19 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 1.617 ha (chiếm 1,38% diện tích nuôi tôm tại các xã có dịch). Trong đó, diện tích nuôi tôm sú bị bệnh 630 ha; TTCT bị bệnh 987 ha. Tôm bệnh có độ tuổi từ 20 – 90 ngày sau thả. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh 1.130 ha; quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa 487 ha. Tỉnh Trà Vinh có diện tích bị bệnh lớn nhất, chiếm 20,80% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh.
Các điểm quan trắc môi trường ở Cà Mau. Ảnh: ST
Thứ hai là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Trong 9 tháng đầu năm 2023, bệnh xảy ra tại 115 xã của 43 huyện, thị xã thuộc 19 tỉnh, thành phố với diện tích 1.090 ha (chiếm 2,5% diện tích nuôi tôm tại các xã có dịch). Gồm diện tích tôm sú bị bệnh 439 ha, TTCT bị bệnh 651 ha. Tôm bệnh có độ tuổi từ 20 – 97 ngày sau thả. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh 1.072 ha, quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa 18 ha.
So với cùng kỳ năm 2022, bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính có giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn là hai bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ. Thiệt hại xảy ra trên tôm nuôi chủ yếu do hội chứng phân trắng, đỏ thân, bệnh đường tiêu hóa kết hợp với EHP… xuất hiện ở nhiều hình thức nuôi tôm (cả ao bạt và ao đất). Vi bào tử trùng EHP xuất hiện tại vùng nuôi của các tỉnh trọng điểm nuôi tôm như Hải Phòng, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và có nguy cơ lây lan rộng. Một số bệnh thông thường khác trên tôm vẫn xảy ra (chủ yếu do vi khuẩn Vibrio sp), đặc biệt là bệnh đường ruột.
Hiện nay, biến đổi khí hậu, thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn, mưa lũ… làm môi trường thay đổi và tác động xấu đến sức khỏe thủy sản, tạo thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh (luôn luôn có sẵn trong môi trường, trên các loài thủy sản tự nhiên) phát triển và gây bệnh cho thủy sản nuôi. Cục Thú y khuyến cáo, cơ sở nuôi cần áp dụng các biện pháp chủ động kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là lựa chọn con giống, kiểm soát chất lượng nguồn nước ao nuôi, tăng cường chế độ dinh dưỡng và áp dụng quy trình quản lý ao nuôi phù hợp để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi.
Phát huy hiệu quả mạng lưới quan trắc môi trường
Qua nhiều năm đầu tư xây dựng, đến nay mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh phục vụ NTTS đã khá hoàn chỉnh. Số liệu của Cục Thủy sản, mạng lưới quan trắc môi trường phục vụ NTTS đã được thiết lập từ Trung ương đến địa phương; tổng số 969 điểm quan trắc tại 55/63 tỉnh, thành phố và 4 trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường, bệnh thủy sản. Đây là các điểm quan trắc môi trường nước cấp cho NTTS. Trong đó, vùng nuôi tôm nước lợ có 453 điểm, cá tra 137 điểm, nhuyễn thể 71 điểm, tôm hùm 59 điểm, cá rô phi và nuôi cá lồng bè 239 điểm… Tại 29 tỉnh có nuôi tôm và 11 tỉnh có nuôi cá tra đều được quan trắc môi trường.
Trung ương quản lý 62 điểm quan trắc, được Cục Thủy sản giao các Viện Nghiên cứu NTTS I, II, III và Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện. Còn lại do các địa phương quản lý. Kết quả quan trắc được chuyển tải đến cơ quan quản lý trung ương, địa phương và người nuôi qua hàng trăm bản tin.
Thời gian qua, Cục Thủy sản đã hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện cập nhập dữ liệu quan trắc môi trường trên phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia; Xây dựng Dự thảo “Sổ tay hướng dẫn tính toán chỉ số chất lượng nước (WQI) vùng nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ và mặn”. Tuy nhiên, đang có tình trạng dữ liệu quan trắc và dữ liệu chính thống từ các cơ quan nhà nước hoạt động khá độc lập, rời rạc, thiếu cập nhật phù hợp.
Đại diện các địa phương như tỉnh Đồng Tháp nuôi nhiều cá tra, tỉnh Sóc Trăng nuôi nhiều tôm nước lợ công nghệ cao đề xuất cần có giải pháp cập nhật kịp thời, thống nhất các thông số quan trắc và hệ thống cơ sở dữ liệu để phát huy hiệu quả sử dụng. Ứng dụng công nghệ vào lưu trữ thông tin quan trắc, phân tích, tích hợp với dữ liệu được thu thập từ các hệ thống khác và có cơ chế chia sẻ thông tin đến người dân, doanh nghiệp cũng như khả năng tiếp nhận dữ liệu từ người dân và doanh nghiệp làm cơ sở củng cố mạng lưới dữ liệu quốc gia. Từ đó, hỗ trợ tốt công tác cảnh báo rủi ro và có khả năng đưa ra được các giải pháp kịp thời từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương để hạn chế thiệt hại liên quan.
Lãnh đạo Cục Thủy sản thống nhất và nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả của mạng lưới quan trắc đã được đầu tư cần nỗ lực của các cơ quan liên quan từ trung ương tới địa phương. Thông số quan trắc có các chỉ tiêu thiết yếu, các địa phương cần cập nhật kịp thời, đầy đủ vào cơ sở dữ liệu http://csdlquantrac.tongcucthuysan.gov.vn, để phối hợp nâng cao giải pháp quản lý môi trường, giúp việc nuôi thủy sản hạn chế tối đa thiệt hại.
Sáu Nghệ