Quy trình nuôi cá bống bớp trong ao đất

Cá bống bớp là loài cá quý cổ truyền của nước ta, cá có chất lượng thịt thơm ngon. Những năm qua, cá bống bớp đã được nuôi ngày càng rộng rãi bằng các hình thức nuôi trong ao.

Ao nuôi

Diện tích thích hợp nhất 2.000 – 6.000 m2, ao sâu 1 – 1,2 m. Dọc ao đào rãnh rộng 2 m để thuận lợi cho việc thu hoạch. Xung quanh bờ ao cần chôn phên nứa hay lưới nilon chìm dưới nước ao 60 – 70 cm, cũng có thể đào rãnh quanh bờ rộng 25 cm sâu khoảng 60 – 80 cm dưới mặt nước. Mỗi ao nên có 2 cống để tiện cấp và thoát nước khi cần thiết. Trong ao nên thả rong bún, rong đuôi chó, rong câu nhằm tạo môi trường mát cho cá vào mùa hè, yên tĩnh và hấp thụ các loại chất độc trong ao nuôi.

Ao nuôi được lấp hết các lổ hổng ở chân và bờ, làm sạch cỏ dại. Tiến hành tát cạn, vét bớt bùn, tu sửa lại bờ, cống ao, phát quang bờ ao. Dùng bạt lót xung quanh bờ, tránh tình trạng cá đào hang xuyên bờ đi mất.

Tiến hành cày bừa trang phẳng đáy ao, rắc vôi với liều lượng tùy thuộc vào pH đất. Đối với điều kiện ao nuôi ở vùng thường xuyên có pH cao nên bón 5 – 7 kg vôi/100 m2, phơi đáy 3 – 5 ngày để vôi ôxy hóa các chất thải ở đáy sau đó tháo nước và ngâm 2 – 3 ngày và bơm ra. Với ao có pH thấp hoặc ao mới đào cần bón lượng vôi từ 10 – 15 kg/100 m2 sau đó lấy nước vào ngâm 2 – 3 ngày và bơm nước chua phèn ra khỏi ao, làm như vậy liên tục 1 – 2 lần đến khi môi trường ổn định kiểm tra pH trên 6,5. Với ao có pH đáy trung tính không phải thau nước rửa nước vôi bón mà lấy nước mới vào ao.

Thực hiện các biện pháp để gây màu nước. Bởi vai trò của màu nước giúp ngăn cản sự phát triển của tảo đáy, mặt khác cá bống bớp không thích ánh sáng, ưa sống chui rúc, nếu không có màu nước cá sẽ bị ức chế bởi ánh sáng nên cá tìm cách đào hang trú ẩn. Khi thấy ao có màu xanh nhạt hoặc màu vàng nâu, độ trong đạt 40 – 45 cm thì tiến hành thả giống. Môi trường nước trong ao nuôi khi thả cá là: pH = 7 – 8; Độ mặn: 10 – 15‰; Độ sâu: 0,8 – 1 m nước.

Hong-Van-1024×768168993234928912373827306284718562-1

Nuôi cá bống bớp trong ao đất tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Hồng Vân/TTKNNĐ

Con giống

Mùa vụ thả giống: từ tháng 4 đến tháng 8.

Chọn cá có kích cỡ đồng đều, không bị mất nhớt, không bị bệnh tật, không dị hình, bơi lội nhanh nhẹn, phản xạ tốt.

Cá giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chọn cá khỏe mạnh, không bị dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý. Cá đồng đều, cân đối, không bị xây xát, không mất nhớt, bơi lội nhanh nhẹn, phản xạ tốt và bơi chìm trong nước theo đàn.

Tùy thuộc điều kiện cụ thể của ao và trình độ kỹ thuật để thả nuôi với mật độ phù hợp, có thể thả 4 – 8 con/m, kích cỡ cá giống 4 – 6 cm.

Thả lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Khi vận chuyển cá về nên ngâm bao cá trong ao khoảng 15 – 20 phút để trung hòa nhiệt độ cũng như làm quen với môi trường, sau đó mở bao cho nước ao tràn vào một ít và để cá từ từ bơi ra ngoài ao, phải làm nhẹ nhàng tránh làm đục nước nơi thả cá.

Thức ăn

Nguồn thức ăn cho cá không bị hư hỏng, ươn thối, được rửa qua nước sạch trước khi cho ăn để giảm được nguồn vi khuẩn có hại trong thức ăn. Giai đoạn mới thả cá giống thì cho cá ăn thức ăn tươi xay nhỏ, sau đó tùy vào kích cỡ của cá để băm thức ăn cho phù hợp. Ngoài ra, có thể sử dụng thức ăn tự chế, thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm trên 20%.

Khi cá nhỏ, thức ăn để vào khay treo ở một vài điểm cố định, cho từ từ từng ít một để cá ăn hết, nếu thiếu thì bổ sung, thừa thì giảm đi.

Cho ăn đúng liều lượng và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Cho cá ăn ngày 2 lần, khi nhiệt độ xuống dưới 200C hoặc trên 370C thì giảm lượng thức ăn trong ao. Khi lấy nước vào ao nếu nhiệt độ nước ổn định 28 – 300C sẽ cho cá ăn tăng 15% và thường xuyên thay nước mới.

Định kỳ bổ sung Vitamin C, vitamin tổng hợp, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng, chống sốc cho cá nuôi đặc biệt vào những thời điểm giao mùa hay trước những đợt nắng nóng.

Thường xuyên kiểm tra, vớt bỏ thức ăn thừa trong ao nuôi và khử trùng dụng cụ, địa điểm cho ăn.

Quản lý

Trong suốt quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi môi trường ao nuôi, đảm bảo các yếu tố nằm trong ngưỡng thích hợp. Cụ thể:

– Độ sâu: Luôn luôn đảm bảo mực nước ao nuôi trên 1 m, đặc biệt trong mùa nắng nóng mực nước càng sâu môi trường sống càng ổn định. Mực nước lý tưởng nhất là 1,5 m.

– Màu nước: Luôn duy trì màu nước có màu xanh lá cây pha nâu, nâu vàng hoặc xanh lá chuối non.

– Độ trong: Độ trong nước ao nuôi nên duy trì từ 40 – 60 cm trong vòng 2 tháng đầu. Đến tháng thứ 3 trở đi duy trì độ trong từ 35 – 45 cm.

– Độ mặn: Trong ao nuôi, sau các cơn mưa lớn kéo dài, độ mặn có sự phân tầng, do vậy cần thiết phải thay nước tầng mặt và lấy nước tầng đáy để ổn định độ mặn, tránh gây sốc cho thủy sản nuôi. Sử dụng nguồn nước ngọt tại chỗ để giảm độ mặn trong ao nuôi cá vào mùa khô, mùa có độ mặn cao.

– pH: Duy trì pH nước trong khoảng 7,5 – 8,5. Nếu pH thấp hơn hoặc cao hơn, thay nước và bón vôi sống (CaCO3), vôi Dolomite (CaMg(CO3)2) với tỷ lệ 150 – 300 kg/ha. Ngay sau khi trời mưa to, cần bón vôi xuống ao, rắc vôi dọc theo bờ ao.

– Độ kiềm: Cần duy trì độ kiềm 80 – 120 mg/l.

Thường xuyên kiểm tra bờ, cống để có biện pháp xử lý tránh tình trạng cá bị thất thoát. Định kỳ thay nước, cấp nước để môi trường nước trong sạch và kích thích cá tăng trưởng.

Định kỳ 30 ngày/lần kiểm tra tốc độ tăng trưởng (đo chiều dài, cân trọng lượng) của cá để xác định lượng thức ăn phù hợp.

Thu hoạch

Sau thời gian 6 – 9 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch.

Trước khi thu hoạch 1 – 2 ngày cho cá giảm ăn để tránh gây sốc cho cá trong khi thu hoạch, vận chuyển và lưu giữ cá.

Có thể thu hoạch cá thịt bằng cách đánh tỉa những con lớn hoặc thu hoạch một lần khi cá đạt kích cỡ đồng đều.

Nguyễn An

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận