Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu trong thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cùng các đơn vị tiếp tục tham mưu cho Bộ NN-PTNT 4 vấn đề này.
Trình độ chế biến còn thấp
Sáng 27/6, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Định hướng công tác chất lượng, chế biến gắn với phát triển thị trường nông lâm thủy sản”.
Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, giai đoạn 2021 – 2023, mặc dù trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 còn nhiều khó khăn, Bộ NN-PTNT đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện và tổ chức triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách về chất lượng, an toàn thực phẩm theo hướng cải cách hành chính, phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn và hài hòa với chuẩn mực quốc tế.
“Thời gian qua, kết quả giám sát an toàn thực phẩm đã dần được cải thiện, làm tốt và bài bản hơn, tuy nhiên kết quả cuối cùng trong 3 năm trở lại đây (2021 – 2023) cho thấy, tỷ lệ sản phẩm nông lâm thủy sản bị cảnh báo vi phạm các chỉ tiêu kỹ thuật dù đã có tiến bộ nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á”, ông Phong cho biết thêm.
Với lĩnh vực chế biến, ông Phong cho hay: “Số lượng cơ sở chế biến nông lâm thủy sản của nước ta hiện nay khá lớn nhưng trình độ chế biến chỉ mới ở mức trung bình và nhỏ. Hơn nữa, việc chế biến còn phụ thuộc vào mùa vụ nên phần lớn các nhà máy chưa hoạt động hết công suất, có thời điểm chưa tiêu thụ hết sản phẩm khi vào mùa vụ, nên vẫn còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá”.
Báo cáo của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho thấy, hiện cả nước có khoảng 13.000 cơ sở chế biến nông sản, gồm 614 cơ sở giết mổ tập trung, 5.229 cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản (đa ngành), 3.369 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật, gần 4.000 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn.
Do đặc tính mùa vụ cao, các ngành hàng chế biến phải đa dạng hóa sản phẩm theo mùa vụ và thường không hoạt động hết công suất thiết kế (lúa gạo 55 – 60%, cà phê 84%, rau quả 56%, chè 40%, điều 80%, mía đường 73%, hồ tiêu 56%…). Tỷ lệ chế biến, chế biến sâu còn hạn chế: Cà phê chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 15%, rau quả chế biến 10% (còn lại tiêu thụ tươi), điều và tiêu chế biến sâu 10 – 15%.
Bên cạnh đó, cả nước hiện cũng có hơn 4.500 cơ sở chế biến lâm sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, chế biến khoảng hơn 40 triệu m3 gỗ mỗi năm.
Đồng thời, cũng có hơn 850 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu; số cơ sở quy mô nhỏ phục vụ tiêu thụ nội địa khoảng 3.500. Tổng sản phẩm thủy sản chế biến đạt khoảng 3 triệu tấn (tương đương khoảng 6 triệu tấn nguyên liệu/năm). Sản phẩm chủ yếu là đông lạnh (80%), sản phẩm khô (7%), sản phẩm dạng mắm (5%), sản phẩm khác (8%)… Giá trị sản phẩm chế biến tăng bình quân về giá trị đạt 5,1%/năm.
Riêng giai đoạn 2017 – 2022, có 76 dự án lớn về chế biến nông sản với số vốn đầu tư trên 73.000 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng. Nhiều cơ sở đã hoàn thành bước vào sản xuất, cho thấy mức độ quan tâm đầu tư và xu hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản trong những năm gần đây.
Nâng cao chất lượng, thúc đẩy thị trường
Theo ông Phong, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến nâng cao chất lượng cho phát triển thị trường nông lâm thủy sản như: Tỷ trọng sản phẩm được kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi cung ứng theo chuẩn quốc tế chưa cao.
Theo thống kê, chỉ khoảng 10 – 15% sản lượng sản phẩm chủ lực, đặc sản duy trì kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi do sự liên kết ngang giữa các hộ sản xuất cũng như liên kết dọc với cơ sở thu mua, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh hiện nay còn rất lỏng lẻo, thiếu bền vững.
Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng phát triển khá nhanh nhưng đã bộc lộ rõ một số hạn chế. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực ngành hàng nhưng nhìn chung dao động 10 – 20%. Logistics trong chế biến và tiêu thụ nông sản vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng các ngành hàng và các thị trường khác nhau…
Đại diện MM Mega Market Việt Nam cho rằng, ngoài việc phát triển chất lượng chế biến, cần quan tâm thêm đến khâu bảo quản sau thu hoạch bởi sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đang mang tính thời vụ rất cao.
Bà Hoàng Thanh Hương, dại diện Công ty WinCommerce (đơn vị chủ quản chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+) đề xuất một số giải pháp như: Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp một cách căn cơ hơn, cụ thể, có các chính sách khuyến khích các nông hộ làm nông nghiệp, xây dựng chính sách phù hợp khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tăng năng suất.
Tiến hành quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Chú trọng trong việc quảng bá sản phẩm, tiếp cận nhanh các thông tin của người tiêu dùng và xây dựng các thương hiệu uy tín trên thị trường. Có các giải pháp liên kết trong tiêu thụ nông sản .
Tập trung tuyên truyền vận động các hộ nông dân nhận thức được sự liên kết, hợp tác với nhau về quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để sản xuất ra hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó nâng cao được trình độ khoa học công nghệ, thông tin ứng dụng trong sản xuất.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nói: “Sản xuất, chất lượng an toàn thực phẩm, chế biến và thị trường, bốn khâu này phải gắn vào nhau. Thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cùng các đơn vị tiếp tục tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bốn vấn đề này.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các chuỗi liên kết, sản xuất chế biến cung ứng sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm, cần quan tâm, chỉ đạo sát sao để việc xây dựng chuỗi không chỉ dừng lại ở số lượng mà còn là vấn đề chất lượng.
Ngoài ra, phải gắn ba vấn đề chế biến, an toàn thực phẩm và thương hiệu với nhau. Hiện nay hệ thống chế biến đã có ở các tỉnh, tuy nhiên cần phải làm thế nào để tuyên truyền cho các cơ sở chế biến hiểu thêm về an toàn thực phẩm và an toàn lao động trong khi chờ nghị định ra đời. Đồng thời, sớm trình Chính phủ xây dựng được Nghị định thương hiệu quốc gia…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Thị trường là thế này, ưu điểm là thế này, tuy nhiên khó khăn, thách thức là rất lớn. Chúng ta nói những điều này đã quá quen rồi. Bây giờ thị trường phải là thời cơ, thuận lợi, làm sao để phát triển thị trường mạnh hơn nữa trong tình hình mới hiện nay, đó là nhiệm vụ của chúng ta”.