Nghiên cứu sinh sản rươi nhân tạo được Trung tâm Tư vấn và Quy hoạch phát triển thủy sản thực hiện và bước đầu sinh sản nuôi vỗ thành công giống rươi 3 đốt. Thành công này giúp người dân chủ động giống rươi, tạo cơ hội phát triển hình thức nuôi rươi bán thâm canh, mở rộng diện tích nuôi rươi và canh tác lúa hữu cơ vào vùng nội đồng.
Bố trí thí nghiệm
Lựa chọn vị trí
Vị trí xây dựng có thể nằm ven biển, ven sông, đảm bảo vùng nước mặn (5 – 15‰) và nước ngọt. Nơi đặt tại các vùng đất cao có thể tránh lũ lụt ngập úng hoặc thủy triều lớn. Tại vị trí này, các yếu tố môi trường cần đảm bảo trong khoảng thích hợp cho đối tượng nuôi, tránh sự biến động lớn.
Nguồn nước mặn: Là yếu tố quan trọng quyết định cho toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất của quá trình sinh sản. Do đó, nguồn nước mặn cung cấp không bị ô nhiễm, có thể lấy trực tiếp từ biển, từ mạch ngầm, nước ót ruộng muối. Để lựa chọn được vị trí sản xuất cần phải qua điều tra, khảo sát, tốt nhất nguồn nước phải đảm bảo các chỉ tiêu sau: Độ mặn > 10‰; Nhiệt độ nước: 25 – 310C; pH: 7,5 – 8,5; Kim loại nặng < 0,01 mg/l, NH4+-N < 0,1 mg/l, NO2-N < 0,01 mg/l, H2S < 0,1mg/l.
Nguồn nước ngọt: Đảm bảo không bị ô nhiễm, có thể lấy trực tiếp từ sông, nước ngầm, nguồn nước sinh hoạt. Nguồn nước phải đảm bảo tiêu chí sau: Nhiệt độ nước: 25 – 310C, pH: 7,5 – 8,5; Kim loại nặng < 0,01 mg/l; NH4+ – N < 0,1 mg/l; NO2-N < 0,01 mg/l, H2S < 0,1mg/l.
Nhiệt độ | pH | Độ mặn (‰) | NH3 (mg/L) | DO (mg/L) |
25 – 30 | 7,5 – 8,5 | 0 – 5 | 0,01 ± 0,01 | 5 – 7 |
Bảng 1: Thông số môi trường nước vùng nuôi. Nguồn: Tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, QCVN 08-MT:2015/BTNMT
Yêu cầu khác: Để đảm bảo quá trình sản xuất thuận lợi cần phải chủ động nguồn cung cấp bố mẹ. Giống bố mẹ được khai thác từ tự nhiên vì thế cần gần nguồn cung cấp. Gần nguồn cung cấp năng lượng đảm bảo sản xuất được liên tục chạy máy phát điện và máy nén khí. Giao thông thuận tiện đi lại như tàu, xe ô tô nhằm mục đích vận chuyển bố mẹ và ấu trùng.
Tuyển chọn bố mẹ
Dựa vào hình thái bên ngoài, màu sắc, kích thước để tuyển chọn những cá thể tham gia sinh sản. Lựa chọn rươi bố mẹ có kích thước đồng đều từ 6 đến 8 cm. Rươi cái có màu xanh nhạt, rươi đực có màu trắng đục, cơ thể chúng có chiều dài khối lượng và số đốt trung bình là 4,33 cm, 0,46 g và 55 – 66 đốt.
Đợt tuyển chọn | Giai đoạn | ||||
♀ | ♂ | Tổng số tuyển chọn (con) | |||
I | II | I | II | ||
I (18/7-30/7/2020) | 510 | 430 | 170 | 120 | 1.230 |
II (17/8-30/8/2020) | 597 | 510 | 290 | 150 | 1.547 |
III (7/10 – 22/10/2020) | 657 | 510 | 230 | 160 | 1.557 |
IV (7/10 – 22/10/2020) | 754 | 510 | 230 | 184 | 1.678 |
V (2/11 – 17/11/2020) | 876 | 876 | 250 | 190 | 2.192 |
VI (01/12 – 16/12/2020) | 1100 | 876 | 370 | 190 | 2.536 |
VII (12/01 – 27/01/2021) | 1270 | 876 | 410 | 190 | 2.746 |
VIII (09/3-24/3/2021) | 1300 | 876 | 380 | 190 | 2.746 |
Bảng 2. Số lượng bố mẹ tuyển chọn qua 2 đợt. Nguồn: Kết quả nghiên cứu nhóm chuyên gia TTTV
Khi thành thục, cơ thể rươi đực có màu sắc sặc sỡ, thường là màu trắng đục pha chút phớt hồng, bên trong cơ thể chứa đầy tinh dịch, có màu trắng sữa. Rươi cái có màu đỏ đậm, màu xanh nhạt, bên trong chứa đầy trứng có màu xanh nhạt.
Rươi sẽ được tuyển chọn 2 giai đoạn, giai đoạn I khi rươi nổi và giai đoạn II sau ngày rươi nổi 7 ngày. Rươi sau khi nổi được nuôi dưỡng trong bể có đáy bùn dày từ 10 – 20 cm. Mật độ nuôi thả 700 con/m2. Hàng ngày cho ăn 2 lần vào sáng và tối. Lượng thức ăn khoảng 3 – 5% trọng lượng thân. Thức ăn sử dụng là thức ăn tổng hợp kết hợp bổ sung Vitamin C, E với tần suất 2 ngày/lần. Thay nước, vệ sinh bể nuôi, kiểm tra các thông số môi trường theo định kỳ. Hàng ngày kiểm tra hoạt động bắt mồi của rươi.
Rươi bố mẹ được tuyển chọn qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 ngay sau khi rươi được thu hoạch ngoài tự nhiên số lượng rươi bố mẹ được tuyển chọn giai đoạn 1 là 9.394 cá thể. Giai đoạn 2 khi rươi bố mẹ được nuôi trong bùn trong thời gian 7 ngày sau thu hoạch ngoài tự nhiên, số lượng bố mẹ được tuyển chọn giai đoạn 2 là 6.838 cá thể. Cá thể rươi bố mẹ lựa chọn đồng đều kích thước, khỏe mạnh. Trong điều kiện nuôi hay ngoài tự nhiên rươi thành thục bắt gặp được có tỷ lệ đực thấp hơn cái và trong sinh sản nhân tạo cũng tương tự, để đạt được tỷ lệ thụ tinh cao thì việc sử dụng lượng tinh trùng và trứng thích hợp sẽ tránh được rủi ro. Chính vì thế, số lượng rươi đực được tuyển chọn thấp hơn số lượng rươi cái, theo tỷ lệ đực cái là 1:3 tránh hiện tượng đa tinh trong thụ tinh nhân tạo và giảm lượng tinh trùng dư thừa sẽ làm nước trở lên đục và việc thụ tinh sẽ bị hạn chế, đồng thời dễ sinh nguyên sinh động vật trong quá trình ấp trứng.
Kết quả
Ảnh hưởng các độ mặn khác nhau đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng rươi
Bên cạnh những ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và sự phát triển về số đốt của rươi thì khi ương ấu trùng ở các mức độ mặn khác nhau đều ảnh hưởng rõ rệt tới tỷ lệ sống. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, ở các mức độ mặn khác nhau thì tỷ lệ sống của rươi cũng khác nhau (p < 0,05). Tỷ lệ sống ở độ mặn 10‰ và 15‰ đạt lần lượt 11,62% và 10,57% khác nhau không có ý nghĩa (p>0,05) nhưng cao hơn có ý nghĩa (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại. Qua các kết quả thu được cho thấy độ mặn thích hợp cho quá trình ương nuôi ấu trùng rươi dao động 10 – 15‰.
Ảnh hưởng của thức ăn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng rươi
Việc sử dụng thức ăn thích hợp sẽ giúp cho ấu trùng sống khỏe mạnh và phát triển tốt hơn. Trong thí nghiệm này sử dụng đồng thời tảo tươi kết hợp với thức ăn tổng hợp không những cho kết quả sự sinh trưởng về chiều dài mà còn mang lại tỷ lệ sống của rươi cao hơn các nghiệm thức còn lại.
Tỷ lệ sống của ấu trùng rươi dao động từ 9,64 đến 11,94%. Trong đó, sử dụng thức ăn ở nghiệm thức 3 (tảo tươi kết hợp với thức ăn tổng hợp) cho kết quả cao nhất. Thức ăn này phù hợp với giai đoạn đầu của rươi. Đến giai đoạn sau thì ấu trùng bám thành bể hay xuống đáy, lúc này việc bổ sung thêm thức ăn tổng hợp giúp ấu trùng chủ động bắt mồi hơn. Như vậy, sử dụng thức ăn tảo tươi kết hợp với thức ăn tổng hợp đạt sinh trưởng và tỷ lệ sống cao hơn so với việc cho ăn thức ăn đơn thuần tảo tươi và tổng hợp trong ương nuôi ấu trùng rươi.
Ảnh hưởng mật độ ương nuôi khác nhau đến sự sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng rươi
Kết quả cho thấy, ấu trùng rươi nuôi ở mật độ 300, 400 và 500 con/L sau 40 ngày thí nghiệm có tỷ lệ sống lần lượt đạt 11,62%; 11,75% và 11,68% cao hơn đáng kể so với rươi ương nuôi ở mật độ 600 con/L đạt 10,72% (p<0,05). Từ những kết quả về sinh trưởng về chiều dài, số đốt và tỷ lệ sống cho thấy ương nuôi ấu trùng ở mật độ 500 con/L đạt hiệu quả cao nhất.
Triển vọng
Với diện tích bãi triều ven sông lớn trải dài vùng ven sông cách cửa biển khoảng 20 km. Thái Bình có tiềm năng phát triển diện tích nuôi và thu hoạch rươi. Hiện nay, người dân tận dụng trồng lúa, cói kết hợp nuôi rươi lấy nguồn giống tự nhiên và thu cáy tự nhiên. Nhu cầu bổ sung giống rươi nhân tạo lớn khi nguồn giống tự nhiên ngày càng suy giảm. Cùng với đó, diện tích trồng lúa trong đê cũng có khả năng mở rộng để kết hợp nuôi rươi và trồng lúa hữu cơ với hàng nghìn ha, kéo theo nhu cầu giống rươi nhân tạo tăng.
Kết quả của đề tài “Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi rươi (Tylorrhynchus heterochaetus) thương phẩm tại Thái Bình” giúp hoàn thiện quy trình sản xuất giống rươi nhân tạo và từng bước chủ động được công nghệ sản xuất. Công nghệ tiếp tục được hoàn thiện và tiến hành sản xuất đại trà vào năm 2022 nhằm cung cấp con giống cho tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận trong tương lai.
Hiện, công nghệ sinh sản giống rươi nhân tạo được Trung tâm Quy hoạch và Phát triển thủy sản chủ động sản xuất. Khả năng cung ứng ra thị trường lượng con giống đạt khoảng 0,5 tỷ giống/năm và có khả năng mở rộng trong thời gian tới. Con giống đảm bảo chất lượng và có khả năng thích ứng môi trường cao.
Tuy nhiên, để mở rộng cơ hội sản xuất cho người dân, ngành chức năng cần phải rà soát lại quy hoạch phát triển thủy sản ven biển và điều chỉnh theo hướng phát triển vùng nông nghiệp hữu cơ kết hợp với NTTS (rươi và cáy). Từ đó hướng tới phát triển vùng nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn, tiến tới xây dựng vùng sản xuất gạo rươi hữu cơ và xây dựng thương hiệu gạo rươi Thái Bình.
Nguyễn Xuân Trịnh và Cộng sự
Trung tâm Tư vấn và Quy hoạch phát triển thủy sản