Dự kiến, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 211.500 tấn, trong đó: sản lượng khai thác đạt 138.000 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 73.500 tấn; giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 6.830 tỷ đồng.
Sản xuất ổn định
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 19.200 ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 4.100 ha (tôm sú 3.400 ha, tôm thẻ chân trắng 700 ha), sản lượng ước khoảng 13.500 tấn/năm; diện tích nuôi ngao 1.000 ha, sản lượng khoảng 18.000 tấn/năm; diện tích nuôi nước ngọt 14.100 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có khoảng 70.000 m3 thể tích nuôi lồng bè với 3.654 lồng nuôi cá biển và 2.086 lồng nuôi cá nước ngọt, sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm.
Thanh Hóa kiểm soát tàu thuyền ra vào tỉnh, chống khai thác IUU. Ảnh: Đình Minh
Tính riêng tháng 10/2023, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 18.401 tấn, giảm 1,3% so tháng trước, tăng 3,2% so tháng cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 12.642 tấn, tăng 4,1% so tháng trước và tăng 2,8% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng 5.760 tấn, giảm 11,3% so tháng trước và tăng 4,1% so tháng cùng kỳ.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tỉnh Thanh Hóa ước đạt 178.747 tấn, tăng 3,8% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 116.728 tấn, tăng 4,1%; sản lượng nuôi trồng 62.021 tấn, tăng 3,1%.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 8 cảng cá đang hoạt động, trong đó: có 1 cảng cá Đảo Hòn Mê phục vụ mục đích quốc phòng – an ninh; 3 cảng cá loại II, gồm: cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), cảng cá Lạch Hới (thành phố Sầm Sơn), cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) với tổng chiều dài các cầu cảng là 1.023 m, phục vụ cùng lúc được hơn 70 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên vào cảng, tổng lượng hàng hóa qua các cảng khoảng 120.000 tấn/năm; có 4 cảng cá loại III (do UBND cấp huyện quản lý), gồm: cảng cá Hoằng Trường, cảng cá Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa), cảng cá Quảng Nham (huyện Quảng Xương), cảng cá Hải Châu (thị xã Nghi Sơn) với tổng chiều dài các cầu cảng là 605m, phục vụ cùng lúc cho hơn 30 tàu cá chiều dài dưới 12 m vào cảng, lượng hàng hóa qua các cảng khoảng 15.000 tấn/năm. Có 4 khu neo đậu tránh trú bão, gồm: khu neo đậu Lạch Trường (huyện Hậu Lộc; khu neo đậu Lạch Hới (TP.Sầm Sơn); khu neo đậu Lạch Bạng (TX.Nghi Sơn); khu neo đậu tránh trú bão Sông Lý (huyện Quảng Xương) có thể đáp ứng neo đậu cho khoảng 2.100 tàu cá. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 32 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, 45 cơ sở cung cấp nhiên liệu, 81 cơ sở thu mua thủy sản, 184 kho cấp đông trữ lạnh thủy sản và 116 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển.
Đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 5.877 tàu cá đang hoạt động khai thác hải sản, trong đó: có 4.038 tàu cá chiều dài dưới 12 m hoạt động ven bờ, 700 tàu dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động vùng lộng, 1.109 tàu dài trên 15m hoạt động vùng khơi. Trữ lượng khai thác hải sản vùng biển của tỉnh ước khoảng 165.000 tấn/năm, trong đó: vùng biển xa bờ khoảng 100.000 tấn, vùng biển ven bờ và vùng lộng khoảng 65.000 tấn; hiện có khoảng 24.500 lao động đang làm công việc khai thác thủy sản trên biển.
Phát triển thị trường tiêu thụ
Trên địa bàn tỉnh có 22 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh thủy sản với tổng công suất khoảng 170 nghìn tấn nguyên liệu/năm (gồm: 18 doanh nghiệp chế biến nước mắm và dạng mắm; 03 doanh nghiệp chế biến chả cá surimi; 1 doanh nghiệp chế biến ngao hấp, ngao đông lạnh); bên cạnh đó còn có khoảng hơn 460 hộ gia đình tham gia chế biến thủy sản. Tỷ lệ sản phẩm được đưa vào chế biến chiếm khoảng 43,7% tổng sản lượng, còn lại là tiêu thụ dạng thô. Sản lượng một số sản phẩm chế biến thủy sản hàng năm gồm: nước mắm 13,354 triệu lít; bột cá 22,2 nghìn tấn; chả cá surimi 65 nghìn tấn; ngao hấp, ngao đông lạnh 10.500 tấn; thủy sản đông lạnh 22.440 tấn… Đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 48 sản phẩm lĩnh vực chế biến thủy sản được chứng nhận OCOP từ 3 – 5 sao, trong đó có 1 sản phẩm Mắm tôm Lê Gia được chứng nhận OCOP 5 sao.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh chủ yếu qua các kênh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trên địa hiện có 6 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản chính ngạch (gồm: Công ty CP XNK Thủy sản Thanh Hóa, Công ty CP TM Vận tải và chế biến hải sản Long Hải, Công ty CP bột cá Thanh Hoa, Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa, Công ty CP Công nghiệp thủy sản Nam Thanh, Công ty TNHH Thực phẩm và thương mại dịch vụ Lê Gia). Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu gồm: chả cá surimi, ngao đông lạnh, ngao sấy khô, hải sản đông lạnh, bột cá, nước mắm, mắm tôm, mắm tép… Hàng thủy sản chế biến của tỉnh đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường như: thị trường châu Á (chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan); thị trường châu Âu (chủ yếu là Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hoa Kỳ, Úc). Năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 134 triệu USD (trong đó chính ngạch khoảng 90,2 triệu USD, tiểu ngạch 43,8 triệu USD); năm 2023, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 118,2 triệu USD (chính ngạch khoảng 74,5 triệu USD, tiểu ngạch khoảng 43,7 triệu USD).
Để hoàn thành kế hoạch năm
Với lợi thế về vùng biển và hệ thống sông suối; những năm qua, ngành thủy sản của tỉnh đã có những bước phát triển tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn, đó là: quy mô sản xuất thủy sản còn nhỏ, lẻ, phân tán; số lượng tàu cá khai thác vùng khơi còn ít, năng lực khai thác thủy sản còn hạn chế; chưa hình thành được các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn, chưa có nhiều chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; trình độ công nghệ trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản còn hạn chế. Các cơ sở hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy sản thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trình độ nhận thức của một bộ phận ngư dân còn hạn chế, vi phạm các quy định trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU vẫn còn diễn ra…
Để đạt và vượt kế hoạch năm, ngành nông nghiệp, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã chỉ đạo các các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra nắm bắt tình hình khai thác thủy sản, chỉ đạo, kiểm tra công tác sản xuất giống, nuôi thương phẩm. Đồng thời chủ động phân tích, dự báo nhu cầu của thị trường để có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi trồng, bảo đảm cung ứng dịp cuối năm. Đồng thời nâng cao công tác theo dõi, dự báo thời tiết, dịch bệnh để có phương án ứng phó phù hợp bảo vệ nguồn thủy sản trong mùa mưa bão.
Vũ Mưa