Tôm và cá hồi chiếm 42% tổng khối lượng và 50% tổng giá trị thủy sản nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, dù giá cá hồi đang bước vào giai đoạn giảm theo mùa, hoạt động bán lẻ của hai sản phẩm này vẫn khác xa nhau.
Chênh lệch giá
Khối lượng cá hồi tươi tại các kênh bán lẻ vẫn rất ổn định. Đây là xu hướng không thay đổi trong ba năm qua, ngay cả khi giá bán lẻ trung bình tăng 20% từ năm 2020. Hiện tại giá cá hồi tươi đang giảm theo mùa, nhưng các chuyên gia thị trường tại Mỹ vẫn chắc chắn giá mặt hàng này không bao giờ chạm đáy trong nhiều năm. Ở mức 6 USD/kg, chỉ số giá cá hồi nuôi theo Urner Barry vẫn cao hơn 50% so mức thấp nhất của 10 năm qua.
Ngành tôm lại ở diễn biến khác bất lợi hơn. Giá tôm hiện tại đã lao xuống dưới mức thấp nhất của 10 năm qua. Tại kênh bán lẻ, khối lượng tôm đông lạnh giảm 11% trong khi giá tăng 10% đến năm 2022. Điều này dẫn đến khối lượng bán lẻ giảm mạnh, bất chấp giá bán lẻ đã có một vài điều chỉnh giảm từ đầu năm nay.
Khi giá tôm và cá hồi tăng sẽ kéo theo những tác động khác nhau. Người tiêu dùng cá hồi vẫn tiếp tục mua và doanh số bán lẻ ổn định ngay cả khi giá tăng. Tôm đông lạnh, gồm tôm lột vỏ và tôm chín, thì ngược lại khi khối lượng tiêu thụ giảm dần khi giá tăng. Về mặt kinh tế, cầu tiêu thụ tôm co giãn hơn cầu cá hồi. Điều này có nghĩa, chỉ với một sự thay đổi nhất định về giá, người tiêu dùng có nhiều khả năng tiếp tục mua cá hồi thay vì chuyển sang sản phẩm khác hoặc đổi thói quen tiêu dùng. Trong khi, nếu giá tôm thay đổi, họ có nhiều khả năng thay đổi hành vi mua hàng của mình.
Vị thế cá hồi
Cùng là hai sản phẩm thủy sản có lượng tiêu thụ lớn nhất, cá hồi và tôm lại có những “số phận” khác nhau trên thị trường. Theo Urner Barry, có nhiều yếu tố dẫn đến sự khác nhau này và tất cả đều có xu hướng hỗ trợ giá cá hồi nhiều hơn giá tôm.
Đầu tiên phải kể đến sự khác biệt giữa người tiêu dùng cá hồi và tôm. Các chuyên gia thị trường của Seafoodnews đã lấy thu nhập hộ gia đình trung bình cho tất cả các tị trường bán lẻ theo địa lý ở Mỹ và chia thu nhập hộ gia đình Mỹ thành ba mức: cao, trung bình và thấp để áp dụng cho các khu vực thị trường bán lẻ địa phương. Điểm dữ liệu đầu tiên là tôm và cá hồi được mua chủ yếu ở các khu vực có mức thu nhập trung bình cao và trung bình. Đối với Mỹ, thu nhập hộ gia đình năm 2019 là 68.703 USD. Theo đó, mức trên 76.000 USD được xem là thu nhập cao, trung bình là từ 60.000 USD đến 76.000 USD và dưới 60.000 USD là thấp. Nhóm thu nhập dưới 60.000 USD đại diện hơn một nửa dân số Mỹ, chỉ chiếm 7% lượng tôm bán lẻ và 4% lượng cá hồi bán lẻ. Hầu hết có hộ gia đình có thu nhập trung bình và trung bình cao đều mua tôm và cá hồi. Nhưng khối lượng giữa hai sản phẩm khác nhau.
Đối với cá hồi, 59% tổng lượng mua từ nhóm thu nhập trung bình cao trong khi tỷ lệ này ở tôm là 49%. Điều này cho thấy, khách hàng tiêu dùng cá hồi là hững người giàu có hơn. Do lạm phát và suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến các hộ gia đình thu nhập trung bình nhiều hơn so với các hộ thu nhập cao, nên thói quen tiêu dùng thực phẩm chắc chắn sẽ thay đổi. Dữ liệu của Urner Barry cho thấy, nhu cầu tiêu thụ cá hồi ít nhạy cảm với giá hơn so với nhu cầu tôm, vì vậy khi giá tôm tăng và lạm phát leo tháng, người tiêu dùng từ bỏ mua tôm đông lạnh.
Yếu tố thứ hai khiến tỷ lệ giá cá hồi và tôm khác nhau là khả năng kiểm soát hàng tồn kho. Cá hồi là một ngành công nghiệp tập trụng cao độ, sản xuất sản phẩm tươi sống với thời gian 2 – 3 năm. Trong giai đoạn này, các công ty chủ động theo dõi nhu cầu và thời gian thu hoạch để đạt lợi nhuận tối đa. Bởi, rất ít công ty kiểm soát thị trường toàn cầu nên họ nắm bắt sâu sát nhu cầu của người mua và điều chỉnh giá sản xuất phù hợp.
Đôi khi ngành cá hồi cũng gặp phải những trở ngại như tảo độc nở hoa, dịch bệnh, thời tiết bất lợi. Nhưng các công ty cá hồi không thả nuôi nếu không biết trước họ sẽ bán số cá đó ở đâu trong hai năm tới. Ngoài ra, vì cá hồi là một sản phẩm tươi sống nên khó xảy ra tình trạng hàng tồn kho chất đống đến mức không bán được. Ngược lại, tôm tồn kho không được quản lý. Nhiều công ty lớn, nhỏ đều đổ xô sản xuất tôm ở các quốc gia khác nhau. Có những nhà sản xuất chiếm ưu thế ở Ecuador, Ấn Độ nhưng họ chỉ kiểm soát một phần rất hạn chế thị trường tôm toàn cầu. Thay vì thu gom dữ liệu đánh giá nhu cầu tôm trong tương lai, người nuôi tôm và các nhà chế biến chỉ tìm cách ứng phó với các điều kiện thị trường hiện tại. Nếu giá cao, họ vội vàng tăng sản lượng. Khi thị trường thay đổi, nông dân sẵn sàng dừng nuôi nếu không có lãi.
Tôm khó lội ngược dòng
Một yếu tố khác tác động đến ngành tôm là thương mại toàn cầu. Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới với hai nguồn cung là Ecuador và Ấn Độ. Năm 2019, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về nhập khẩu tôm. Năm 2020, lượng mua giảm nhẹ ở Trung Quốc do COVID-19 và đảo ngược vào năm 2021 khi lượng tôm vào Mỹ tăng đột biến. Năm 2022, nhâp khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh. Trong khi đến năm 2023, xuất khẩu tôm của Ấn Độ và Ecuador sang Mỹ đều lao dốc do giá giảm và nhu cầu suy yếu.
Tuy nhiên, xuất khẩu vào Trung Quốc dù có tăng đột biến vẫn chưa giúp cân bằng thị trường tôm toàn cầu. Lý do nằm ở sự gia tăng sản lượng tôm ở quy mô khổng lồ của Ecuador. Ecuador đang mở rộng sản xuất tôm theo hướng bền vững cùng giải pháp tăng mật độ. Tuy nhiên, sản lượng tôm của Ecuador trên mỗi ha sẽ tiếp tục tăng đều trong vài năm tới do Ecuador mở rộng nuôi tôm dựa trên việc sử dụng tốt hơn hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có. Do đó, nhu cầu của Trung Quốc có tăng cao, cũng khó hấp thụ được hết sản lượng tôm của Ecuador đang không ngừng “lớn mạnh”. Nguồn cung tôm toàn cầu trong những năm tới sẽ rất dồi dào, bất chấp giá thấp và nhu cầu suy yếu tại Mỹ.
Sau cùng, nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ vẫn suy yếu và triển vọng nguồn cung tiếp tục tăng đồng nghĩa xu hướng giá tôm thấp như hiện nay có thể tiếp tục kéo dài trước khi chu kỳ hàng hóa bị đảo ngược và nguồn cung giảm trở lại.
>> Giá thức ăn chiếm 50 – 60% chi phí nuôi tôm, đang bắt đầu giảm, mặc dù giá bột cá vẫn cao do thiếu hụt nguồn cung từ Peru. Tuy nhiên, giá khô đậu cũng đang giảm. Cùng đó, sử dụng giống tôm chất lượng cao giúp nông dân Ecuador thu lợi cao hơn và cạnh tranh tốt hơn dù chi phí thức ăn có thể cao hơn các quốc gia khác.
Đan Linh
(Theo Seafoodbusiness)