Thực trạng khai thác thủy sản quá mức làm cho nguồn lợi thủy sản hồ chứa bị giảm nghiêm trọng, đó là lý do tổ nghề cá cộng đồng tại Bình Phước ra đời.
Sứ mệnh bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản
Lòng hồ thủy lợi Long Hưng nằm trên địa bàn huyện Phú Riềng cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân nơi đây. Không những thế, nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, đây được xem là hồ chứa giàu nguồn thủy sản nhất của tỉnh Bình Phước . Để có được điều đó phải kể đến công đầu của tổ nghề cá cộng đồng Long Hưng.
Khi hoàng hôn chuẩn bị buông xuống, tiếng máy xuồng huyên náo cả khu vực. Cuộc sống mưu sinh của những con người chuyên làm nghề đánh bắt, nuôi, thả cá trên lòng hồ Long Hưng lại bắt đầu.
Trong những người mưu sinh bằng nghề này có anh Nguyễn Văn Quân, Tổ trưởng tổ nghề cá Long Hưng. Anh Quân cho biết, nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa lớn, tạo điều kiện cho bà con đánh bắt và khai thác có hiệu quả, năm 2003, tổ nghề cá cộng đồng Long Hưng được thành lập với 12 thành viên, hiện đã tăng lên 22 thành viên.
“Các thành viên trong tổ có nhiệm vụ vừa bảo vệ thủy sản vừa khai thác theo quy định. Hằng ngày, các thành viên chia nhau đi tuần tra trên khắp lòng hồ, nhằm tuyên tuyền và ngăn chặn những trường hợp vãng lai đánh bắt mang tính hủy diệt như dùng kíp mìn, xung điện, lưới mắt nhỏ, vây đăng chặn…”, anh Quân chia sẻ.
Để thực thi tốt nhiệm vụ, đảm bảo sinh kế, tổ nghề cá còn được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh cung cấp áo phao, đối ứng mua xuồng máy (trị giá 28 triệu đồng) để tuần tra, bảo vệ. Hằng năm, trung tâm đều thả (khoảng 200kg) cá truyền thống xuống hồ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, các thành viên trong tổ cũng mua thêm cá giống về thả để bổ sung cho dồi dào.
Chính vì đoàn kết, đồng thuận và hoạt động tuân thủ quy định nên đến nay nguồn lợi thủy sản vẫn khai thác ổn định.
Anh Bùi Văn Đồng (thôn 7, xã Long Hưng), là một trong thành viên lâu năm phấn khởi cho biết, mùa này nước lên, bà con bắt đầu đánh bắt được nhiều. Nhà được ít mỗi ngày cũng trên dưới 10kg, nhiều có khi cả tạ. “Nhờ có cá đánh bắt trong hồ đem bán mà có tiền đóng tiền học cho 3 đứa con, hiện các con cũng đã lên đại học, nếu không bảo vệ để nguồn lợi thủy sản bị suy kiệt thì chúng nó đã không ăn học đến giờ”, anh Đồng chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hưng Phạm Văn Cộng đánh giá, tổ nghề cá cộng đồng xã Long Hưng là tổ được thành lập sớm nhất. Trải qua 21 năm thành lập và hoạt động, tổ ngày một vươn lên thành điểm sáng, góp phần nâng cao đời sống thành viên, đóng góp phần nào trong việc bảo vệ an ninh khu vực lòng hồ và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Lan tỏa mô hình tổ cộng đồng
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, năm 2002 khi chưa có những văn bản quy định hoặc hướng dẫn về mô hình quản lý cộng đồng, nhận thấy thực trạng khai thác thuỷ sản ngày càng tăng, với nhiều hình thức khai thác tự do khác nhau đã làm cho nguồn lợi thuỷ sản hồ chứa trên địa bàn bị suy giảm nghiêm trọng.
Để bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản hồ chứa trên địa bàn tỉnh, duy trì cân bằng môi trường sinh thái đồng thời tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho bộ phận ngư dân sinh sống bằng nghề khai thác nguồn lợi thuỷ sản, Sở đã thử nghiệm thành lập một số mô hình quản lý cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Từ những cơ sở ban đầu, tổ tập hợp những người có chung quyền lợi và nguồn thu từ đánh bắt thủy sản tại các lòng hồ, tập hợp kết nối và xây dựng được mối đồng thuận cùng hỗ trợ, bảo vệ nhau, cùng khai thác và quản lý khai thác để bảo vệ được nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ nguồn thu thập chung cho cộng đồng. Từ những tổ ban đầu, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 tổ nghề cá cộng đồng quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản với khoảng 1.000 lao động có các hoạt động về nuôi và khai thác thủy sản trên các hồ chứa.
Theo ông Trần Văn Phương – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, hoạt động của các tổ cộng đồng bước đầu đã đạt được một số hiệu quả đáng khích lệ, nhất là tại các hồ chứa nhỏ.
Riêng tại hồ chứa lớn do diện tích rộng nên chưa có lực lượng kiểm soát nguồn lợi hiệu quả, chưa phát triển đồng đều các mô hình tại các địa phương, người dân chưa tiếp cận được các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ý thức pháp luật về thủy sản chưa cao. Do đó, trong thời gian tới, để phát triển thủy sản, tăng thu nhập cho người dân, cần chú trọng phát triển các mô hình này.
Theo Chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 UBND tỉnh Bình Phước vừa phê duyệt, để hỗ trợ các tổ nghề cá hoạt động hiệu lực, hiệu quả, UBND tỉnh Bình Phước giao ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý nghề cá cho ban chủ nhiệm và các thành viên trong tổ nghề cá. Đồng thời, tham mưu hỗ trợ một phần kinh phí để tổ nghề cá mua các ngư cự hợp pháp, phát triển thủy sản, tăng thu nhập cho người dân…