Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định phương pháp nuôi kết hợp lươn với rau ngổ hợp nhằm góp phần giảm ô nhiễm nitrogen trong môi trường và tăng năng suất trong mô hình nuôi lươn và rau.
Lươn đồng được xem là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế ở ĐBSCL. Diện tích và mật độ nuôi ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, ô nhiễm và thay nước hơn 300% hàng ngày đang là vấn đề của nghề nuôi lươn, do lươn được nuôi ở mật độ cao và thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, lươn thường bị bệnh, bỏ ăn và chậm lớn. Vì vậy, việc áp dụng các mô hình, công nghệ nuôi mới để cải thiện vấn đề trên cho nghề nuôi lươn là rất cần thiết, mặc dù hiện nay, nhiều kỹ thuật nuôi được áp dụng phổ biến trong NTTS như hệ thống tuần hoàn, nuôi kết hợp đa loài, kết hợp thủy sản và thủy canh (aquaponic). Aquaponic là hệ thống NTTS kết hợp trồng rau thủy canh trong hệ thống tuần hoàn mà không cần đất (Rakocy et al., 2006), đây được xem là mô hình nuôi thủy sản thân thiện, bền vững đã và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới (Buzby & Lin, 2014). Rau ngổ (Enhydra fluctuans Lour) là một loài thủy sinh, dễ trồng, có giá trị dinh dưỡng, kinh tế và dược học cao (Ali et al., 2013). Vì là loài dễ trồng nên có nhiều mô hình trồng rau ngổ như giâm ngọn trên đất hoặc bè nổi bên sông, rạch hay ao hồ, đây có thể được xem là đối tượng có tiềm năng rất lớn và phù hợp để phát triển mô hình aquaponic. Nghiên cứu dưới đây được nhóm tác giả của Trường Đại học Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long thực hiện nhằm đa dạng mô hình nuôi, giảm ô nhiễm môi trường và tăng năng suất trong mô hình nuôi lươn bền vững.
Thí nghiệm
Nguồn lươn giống thí nghiệm: Lươn giống được chọn từ trại thực nghiệm Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, chọn lươn có kích cỡ trung bình là 40,1 cm/con và 52 g/con, chỉ chọn lươn khỏe, không dị tật và có kích cỡ tương đối đồng đều cho nghiên cứu này.
Rau ngổ: Rau ngổ giống (cả gốc và thân) được thu từ các hộ trồng rau ngổ tại Cần Thơ. Sau khi đem về đến trại thực nghiệm tiến hành cắt loại bỏ thân trên cách gốc khoảng 5 cm để rau phát triển các mầm và chồi mới.
Aquaponic là mô hình thân thiện, bền vững đã và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới
Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức (NT) nuôi kết hợp lươn và rau ngổ khác nhau. Nghiệm thức 1 sử dụng nước từ bể nuôi lươn để trồng rau ngổ (NT1 – lươn, rau), ở thí nghiệm này được thực hiện bằng cách sử dụng 100% nước từ bể nuôi lươn (1 tuần/lần) chuyển sang bể trồng rau (dài × rộng, 75 × 65 cm, thể tích nước trong bể khoảng 100 L). Nghiệm thức 2 nuôi lươn kết hợp với rau ngổ trong cùng một bể (NT2 – lươn+rau) và NT3 là nuôi lươn kết hợp rau ngổ theo mô hình aquaponic (NT3 – Aqua.lươn, rau), 3 lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Đối với nghiệm thức 3, hệ thống aquaponic nuôi lươn và rau được thiết kế theo nghiên cứu của Nhan et al. (2019, 2020), trong đó nước từ bể nuôi lươn được bơm qua bể lọc cơ học để lắng vật chất lơ lửng sau đó chảy qua bể lọc sinh học (3 L giá thể lọc/bể, RT Bioelement, Đan Mạch) và chảy về bể trồng rau ngổ, nước từ bể rau tiếp tục chảy về bể nuôi lươn. Lưu lượng nước trong hệ thống tuần hoàn liên tục từ bể lươn vào bể rau được duy trì tốc độ 3 L/phút. Lươn ở tất cả các nghiệm thức được nuôi trong bể hình chữ nhật (85 x 75 cm), mực nước 30 cm, thể tích nước bể lươn 160 L. Mật độ lươn giống được bố trí ở tất cả các nghiệm thức là 1,5 kg/bể và rau ngổ giống được bố trí 1 kg/bể (cả gốc và thân rau giống). Thời gian thí nghiệm là 90 ngày.
Chăm sóc và quản lý: Hàng ngày theo dõi, quan sát ghi nhận biểu hiện và khả năng bắt mồi của lươn. Lươn được cho ăn theo nhu cầu (Nhan et al., 2020) bằng thức ăn viên nổi 40% đạm, kích cỡ 2 mm, 2 lần/ngày vào lúc 8h30 và 16h30. Khoảng 30 phút sau khi cho ăn, lượng thức ăn thừa được vớt ra kiểm tra để điều chỉnh lượng thức ăn cho ngày kế tiếp.
Kết quả
Chỉ tiêu và chất lượng nước: Nhìn chung, các yếu tố nhiệt độ, pH và ôxy hòa tan đều nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển bình thường của lươn. Ôxy và pH đóng vai trò rất quan trọng trong NTTS giúp duy trì ổn định và phát triển bình thường của động vật thủy sản (Boyd, 1998). Đặc biệt, trong hệ thống aquaponic hai yếu tố này được xem là yếu tố có ảnh hưởng đến sự phát triển và hiệu quả hoạt động của vi khuẩn có lợi trong hệ thống nhằm cung cấp dinh dưỡng cho hệ thống thủy canh. Hàm lượng ôxy hòa tan trong hệ thống aquaponic phải lớn hơn > 5,5 mg/L và pH từ 6 đến 7,5 (Rakocy et al., 2006).
Tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng của lươn: Tỷ lệ sống của lươn khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức (P>0,05), mặc dù kết quả tỷ lệ sống của lươn cao nhất là ở NT3 (92,65%). Kết quả xử lý thống kê cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng về trọng lượng của lươn sau 90 ngày không khác biệt có ý nghĩa thống kê (P>0,05), mặc dù có sự chênh lệch tương đối cao giữa các nghiệm thức dao động từ 9,59 – 15,37 (g) tăng trưởng khối lượng dao động từ 0,095 – 0,151 g/ngày. Trong đó, NT2 là nghiệm thức có tốc độ tăng trưởng trọng lượng tuyệt đối và tăng trưởng trọng lượng tương đối cao nhất lần lượt là 0,151 g/ngày và 0,254%/ngày. Sau 90 ngày thí nghiệm, tăng trưởng về chiều dài 0,78 – 1,42 cm và chiều dài tuyệt đối cao nhất ở NT2 là 0,014 cm/ngày. Tốc độ tăng trưởng chiều dài tuyệt đối của lươn giữa các nghiệm thức không có sự chênh lệch quá lớn dao động từ 0,008 – 0,014 cm/ngày.
Tăng trưởng và năng suất rau ngổ: Trung bình mỗi 28 – 35 ngày là có thể thu 1 đợt rau ngổ, kết quả cho thấy tăng trưởng và năng suất rau ngổ của NT3 là cao nhất với sinh khối trung bình 3,4 kg/m2 khác biệt có ý nghĩa thống kê (p <0,05) với NT1 và NT2. Tăng trưởng về chiều dài thân và trung bình khối lượng thân của rau ở NT3 là cao nhất và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p <0,05) so với 2 nghiệm thức còn lại.
Nguyễn Hằng