Nuôi trồng thủy sản đặt mục tiêu đạt 5,37 triệu tấn năm 2023; 7 triệu tấn đến năm 2030. Để đạt được điều này, tất yếu phải áp dụng khoa học công nghệ.
Ứng dụng phải từng bước
Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), tổng sản lượng thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 5,93 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt hơn 2,63 triệu tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ (khai thác biển đạt hơn 2,5 triệu tấn, khai thác nội địa 123,5 nghìn tấn).
Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt gần 3,3 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; trong đó, cá tra đạt 1079,1 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 718,4 nghìn tấn, tăng 4,1% (tôm sú đạt 176,2 nghìn tấn, tăng 1,3%; tôm thẻ chân trắng 498,1 nghìn tấn, tăng 5,1%).
Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt 9,05 triệu tấn, trong đó riêng nuôi trồng thủy sản sẽ đạt 5,37 triệu tấn.
Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản sẽ đạt 7 triệu tấn. Theo đó, chiến lược cũng nêu rõ quan điểm phải tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng đồng bộ; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số…
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết: Hiện nay các tỉnh ven biển, không phải chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả quốc gia, đều phải chia sẻ tài nguyên, đó là không gian mặt đất và mặt nước. Việc chia sẻ tài nguyên này giúp phát triển các ngành đô thị, dịch vụ, công nghiệp, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến ngành thủy sản vì đó là không gian sản xuất quan trọng nhất của ngành. Việc tổ chức lại để sản xuất một cách hợp lý đòi hỏi từ công tác quy hoạch và ứng dụng khoa học công nghệ .
Theo ông Thắng: “Hiện nay chúng ta có nhiều cấp độ sản xuất, từ doanh nghiệp lớn đến liên kết hợp tác xã, trang trại nuôi lớn và nông hộ. Tuy nhiên sản xuất nông hộ vẫn là chủ đạo, cho nên việc ứng dụng công nghệ cũng phải từng bước, không nhất thiết tất cả công nghệ các hộ dân đều phải ứng dụng hết.
“Hệ thống quản lý cơ quan quản lý Nhà nước sẽ lựa chọn trên cơ sở đánh giá những tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành và đưa ra những khuyến cáo dựa trên cơ sở quy hoạch định hướng của từng vùng quy hoạch nuôi, từng đối tượng nuôi. Hiện nay, trong vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ, chúng tôi cũng quan tâm nhiều đó là vấn đề chính sách, cơ chế để chúng ta có thể ứng dụng tốt nhất”, ông Thắng nói thêm.
Giải pháp từ doanh nghiệp
Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long – doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất và kinh doanh thức ăn thủy sản, con giống thủy sản, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản và các giải pháp trong nuôi trồng thủy sản thông qua các mô hình của công ty, cho biết: “Hiện nay, hầu hết các ngành nghề nói chung, lĩnh vực thủy sản nói riêng đều nằm chung trong xu hướng phải áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Ông Hải nói: “Sản xuất thức ăn thủy sản là một trong những lĩnh vực trọng tâm của Công ty Thăng Long, do đó việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực này là tất yếu. Chúng tôi đã đầu tư những hệ thống máy móc tiên tiến nhất trong quy trình sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ sản xuất những sản phẩm thức ăn hỗn hợp mà còn sản xuất những thức ăn chức năng, như: Thức ăn hỗ trợ về tiêu hóa, thức ăn hỗ trợ bảo vệ gan của tôm nhằm nâng cao sức khỏe, tỷ lệ sống của vật nuôi, từ đó nâng cao hiệu quả cho người nuôi”.
“Với lĩnh vực sản xuất tôm giống, hiện nay Thăng Long đang xây dựng mô hình ‘Con giống thích ứng’ nhằm đáp ứng đa dạng các mô hình nuôi, đặc biệt là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Mô hình này đòi hỏi con giống phải có tốc độ tăng trưởng tốt, theo đó chúng tôi phải xác định nguồn tôm bố mẹ cũng như công nghệ để làm sao sản xuất ra được con giống có sức đề kháng tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh, khi nuôi đạt kích cỡ lớn để nâng cao giá trị đầu ra cho khách hàng”, ông Hải nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn nhựa Super Trường Phát (STP Group) chia sẻ: “Việt Nam là đất nước có ¾ là biển, với tài nguyên và diện tích biển lớn như vậy thì chúng ta có dư địa rất lớn để có thể khai thác và triển khai nghề nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi biển nói riêng”.
“Hiện STP Group đã có 3 giải pháp chính cho ngành nuôi trồng thủy sản. Thứ nhất là lồng nuôi phù hợp cho ngoài khơi, có thể chịu được bão gió cấp 12, trên đó định vị được tọa độ, trong những trường hợp đặc biệt vẫn tìm được sản lượng, data trên biển bằng mã QR code và iCheck trên lồng. Thứ hai là sản phẩm thay thế cho phao xốp mà trước đây bà con dùng, hay thay thế những thùng phuy bằng các hệ nổi bằng những ngôi nhà, bằng những phao HDPE bền vững với biển và bảo vệ môi trường. Thứ ba, tất cả sản phẩm đều có nét đẹp là gắn với môi trường, bảo vệ môi trường, độ bền đến 50 năm, đặc biệt còn tích hợp được với khoa học công nghệ, chẳng hạn như công nghệ đánh chìm lồng, cho ăn tự động… Người dân có thể để lồng ở đó nhưng hoàn toàn tự động nuôi cá chứ không phải ra bờ hay ra ngoài khơi để chăm sóc”, bà Bình nói.
“Đến nay nuôi trồng thủy sản đã phát triển sang một bước mới, đó là áp dụng khoa học công nghệ vào để nuôi chứ không phải khai thác xa bờ như ngày xưa nữa, điều này đang phù hợp với xu hướng thế giới”, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn nhựa Super Trường Phát (STP Group) nói.