Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh thay thế gần 7 triệu phao xốp bằng phao nhựa HDPE. Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai áp dụng KHCN trong nuôi biển, đảm bảo thân thiện môi trường.
Xóa phao xốp trong nuôi biển
Phao xốp có độ nổi mặt nước tốt nhưng độ bền sử dụng trung bình chỉ 2 – 3 năm. Về lâu dài, việc sử dụng phao xốp sẽ tác động lớn đến vấn đề rác thải và môi trường biển. Bởi đây là loại vật liệu không thân thiện với môi trường, có tuổi thọ ngắn. Chỉ sau vài năm sử dụng, phao xốp sẽ phân hủy, vỡ thành những mảnh nhỏ trôi dạt trên mặt biển. Khi bị sóng đánh trôi dạt vào bờ thì trở thành rác vô cơ, khó phân hủy, gây mất mỹ quan. Còn khi trôi nổi trên biển sẽ trở thành cạm bẫy thức ăn, giết chết các loại sinh vật biển nếu ăn phải.
Đáng chú ý, mỗi khi mưa bão, người nuôi có nguy cơ bị thiệt hại rất nặng nề nếu nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu phao xốp hay lồng, bè gỗ. Ngoài ra, phao xốp bị phá hỏng, trôi dạt trên biển rất khó thu gom, gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng hệ sinh thái.
Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Đây chính là giải pháp của Quảng Ninh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên biển. Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản.
Có thể nói, chủ trương chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE của tỉnh Quảng Ninh được xem là hướng đi đúng đắn, nhằm bảo vệ môi trường biển, giúp nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển bền vững. Thời gian qua, công tác xóa phao xốp được đông đảo người dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ.
Đơn cử như tại huyện Vân Đồn, vựa thủy sản lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, với sự tham gia của nhiều thành viên là cán bộ của các phòng, ban chuyên môn và tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn, đến trực tiếp hiện trường, cùng với chính quyền các xã, thị trấn kiểm tra, giám sát người dân cắt bỏ phao xốp. Trong đó, tập trung ở những địa bàn còn tồn đọng số lượng phao xốp lớn, như Đông Xá, Hạ Long, Bản Sen, Vạn Yên. UBND huyện cũng thành lập Tổ công tác thu gom phao xốp sau tháo dỡ trôi nổi trên biển.
Các xã, thị trấn cũng thành lập tổ công tác xử lý phao xốp, bao gồm lực lượng dân quân, tự vệ, công an viên, đoàn viên, hội viên, thực hiện kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ người dân có nhu cầu cắt bỏ phao xốp. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, đôn đốc; dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện.
Nhiều lực lượng duy trì chế độ làm việc, sinh hoạt trên biển để rà soát, gấp rút hỗ trợ người dân một cách nhanh nhất. Theo đó, có những ngày đã cắt bỏ đến trên 60.000 phao xốp. Đến nay, cơ bản không còn phao xốp trong nuôi biển ở Vân Đồn.
Tính đến tháng 9/2023, tỉnh Quảng Ninh đã xử lý, chuyển đổi gần 7 triệu phao xốp (đạt 99,3%), trong đó, các địa phương đã hoàn thành chuyển đổi 100% gồm Tiên Yên và Đầm Hà, các địa phương có tỷ lệ chuyển đổi cao trên 95% gồm Vân Đồn (99,2%), Cẩm Phả (99.7%), các địa phương có tỷ lệ chuyển đổi trung bình và thấp: Hải Hà (78,1%), Móng Cái (26,5%), Quảng Yên (10,2%), Hạ Long (46,3%). Được biết, các địa phương có tỉ lệ chuyển đổi thấp đều có số lượng phao xốp ít, thời gian tới sẽ thay thế số phao xốp còn lại.
Riêng đối với Vườn quốc gia Bái Tử Long không có quy hoạch nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 25/144 hộ với diện tích 95,3ha sử dụng gần 172.000 quả phao xốp. Theo báo cáo của BQL Vườn quốc gia Bái Tử Long mới cắt bỏ được 51,2%. Đối với TP Hạ Long, diện tích nuôi trồng thủy sản được quy hoạch là 137ha tại 5 khu vực trên vịnh Hạ Long. Hiện đang có 43 hộ nuôi cá với diện tích 2ha, có 4 công ty nuôi ngọc trai, nuôi cá với diện tích 72,4ha cơ bản đang sử dụng phi nhựa để nuôi trồng. Riêng diện tích NTTS ngoài quy hoạch tại khu vực Nam Tuần Châu và khu vực giáp ranh giữa Tuần Châu và Hùng Thắng (44 cơ sở) chưa được giải quyết dứt điểm.
Ứng dụng khoa học đảm bảo thân thiện môi trường
Phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE không những có độ nổi tốt như phao xốp, mà còn có kết cấu bền vững, thích ứng được với biến đổi khí hậu, tuổi thọ 30 – 50 năm, có thể chống chịu được với sóng to, gió lớn.
Bên cạnh đó, vật liệu nhựa HDPE rất bền, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét bởi môi trường nước biển. Đặc biệt, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển, bằng nhựa HDPE còn thân thiện với môi trường, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường nước, con giống sinh trưởng khỏe mạnh. Bên cạnh đó, khi tích hợp với các ứng dụng khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ người nuôi một cách tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, cho biết: “Đến nay, Tập đoàn STP đã có 3 giải pháp chính cho ngành nuôi trồng thủy sản. Thứ nhất là trên biển chúng tôi đã có lồng những lồng dùng cho ngoài khơi, có thể chịu được bão gió cấp 12, trên đó định vị được tọa độ, trong những trường hợp đặc biệt vẫn tìm được sản lượng, data trên biển bằng mã QR code và iCheck trên lồng. Thứ hai chúng tôi đã có sản phẩm thay thế cho sản phẩm phao xốp mà trước đây bà con dùng, hay thay thế những thùng phi bằng những hệ nổi bằng những ngôi nhà, bằng những phao HDPE bền vững với biển và bảo vệ môi trường, thay thế cho sản phẩm phao cũ ngày xưa”.
“Thứ 3 tất cả sản phẩm của chúng tôi có một nét đẹp là gắn với môi trường, bảo vệ môi trường, độ bền đến 50 năm, đặc biệt còn tích hợp được với khoa học công nghệ, chẳng hạn những công nghệ như là đánh chìm lồng, cho ăn tự động… Người dân có thể để lồng ở đó nhưng hoàn toàn tự động nuôi cá chứ không phải ra bờ hay ra ngoài khơi để chăm sóc”, bà Nguyễn Thị Hải Bình nhấn mạnh.
Để ngành thủy sản phát triển một cách bền vững, việc tổ chức sản xuất theo hướng đi mới, hiện đại hơn, khoa học hơn, là điều mà Quảng Ninh đang hướng tới. Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh , chia sẻ: “Hiện nay chúng ta đã nhìn thấy Quảng Ninh đang rất quyết liệt trong việc bảo vệ môi trường biển, bắt đầu từ khâu tổ chức sản xuất trên biển bằng tiêu chuẩn phao nổi và chúng ta cũng đã nhìn thấy những mô hình thực tiễn”.
“Hiện nay, ngành nông nghiệp chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà cung ứng vật tư, vật liệu và kể cả những nhà cung ứng các giải pháp phần mềm quản trị sản xuất để hướng tới lựa chọn những trang trại, những farm nuôi. Về khâu quản lý nhà nước thì chúng tôi cho rằng sẽ giải quyết được từng bước về mặt chính sách, về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật ngành chắc chắn sẽ giải quyết được những vấn đề vướng mắc hiện nay”, ông Ngô Tất Thắng cho biết.
Trong định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Quảng Ninh tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi công nghệ cao, công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sản lượng, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nuôi trồng thuỷ sản của miền Bắc.
Năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Ninh đạt trên 32.000ha; tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 87.000 tấn. Trong đó, tổng diện tích nuôi biển đạt khoảng 22.000ha với trên 14.500 ô lồng (chiếm 68,8% diện tích nuôi); tổng sản lượng nuôi biển đạt hơn 54.000 tấn (chiếm 62,2% sản lượng nuôi). Trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 32.100ha; tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 52.500 tấn.