Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay việc thực thi pháp luật thủy sản phục vụ chống khai thác IUU tại địa phương đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển
Ngày 24/7, Bộ NN-PTNT có văn bản gửi Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ về việc giải đáp khó khăn, vướng mắc về thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính.
Văn bản nêu rõ: Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu, trong đó EC đưa ra 4 nhóm khuyến nghị để Việt Nam chống khai thác IUU, gồm: Khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật. Từ 2017 đến nay, EC đã tổ chức 3 đợt thanh tra trực tiếp tại Việt Nam và có đánh giá tích cực về nỗ lực khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Việt Nam.
Thực hiện khuyến nghị thứ 4 (thực phi pháp luật), trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng kiểm ngư Trung ương tổ chức 59 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; giám sát hoạt động khai thác thủy sản trên biển của 6.289 tàu cá; buộc 58 tàu cá nước ngoài phải rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Lực lượng thực thi pháp luật trên biển thuộc Bộ Quốc phòng đã thường xuyên duy trì từ 40 tàu kết hợp sử dụng máy bay DHC-6 tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm; kiểm tra, kiểm soát hơn 94.000 lượt tàu cá hoạt động trên biển, đã xử phạt và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử phạt 467 vụ/607 phương tiện/754 đối tượng.
Lực lượng thực thi pháp luật ở Trung ương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khoảng 22 tỉ đồng. Lực lượng thực thi pháp luật tại địa phương (Chi cục Thủy sản, Chi cục Kiểm ngư…) đã thực hiện 369 chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển; kiểm tra, kiểm soát được gần 6.000 lượt tàu cá và phát hiện, tham mưu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản hơn 1.200 trường hợp vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; ban hành quyết định xử phạt hành chính hơn 27 tỉ đồng, việc này có tác động rất tốt đến việc chống khai thác IUU.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Tuy nhiên, hiện nay việc thực thi pháp luật thủy sản phục vụ chống khai thác IUU tại địa phương đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, như:
Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư địa phương chưa được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Hiện nay 13/28 tỉnh, thành phố ven biển đã được thành lập kiểm ngư theo Luật Thủy sản năm 2017, nhưng tổ chức bộ máy làm công tác kiểm ngư không đồng nhất (1/13 địa phương lập Chi cục Kiểm ngư; 12/13 địa phương lập tổ chức cấp phòng thuộc Chi cục Thủy sản hoặc thuộc Sở NN-PTNT).
Từ ngày 1/7/2023, Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực nhưng chưa có Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thay thế Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành nên các địa phương có cách hiểu khác nhau về chức năng thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thủy sản sau ngày 1/7/2023.
Do có cách hiểu khác nhau về chức năng thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thủy sản sau ngày 1/7/2023 (gồm cả các Chi cục Thủy sản có tổ chức cấp phòng thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư) nên các địa phương có cách hiểu khác nhau về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (hiện nay được quy định tại khoản 2, Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Các vướng mắc nêu trên dẫn đến việc lúng túng trong việc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành trên biển, xử lý vi phạm hành chính tại các tỉnh, thành phố ven biển (có địa phương ngừng không triển khai nhiệm vụ hoặc tổ chức thực hiện nhiệm vụ với các cách thức khác nhau). Việc này, nếu không kịp thời xử lý sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực thi pháp luật thủy sản trên biển và kết quả thanh tra lần thứ 4 của EC dự kiến vào tháng 10/2023.
Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền nghiên cứu, cho ý kiến một số nội dung. Cụ thể, Bộ NN-PTNT đề nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, cho ý kiến một số vấn đề như:
Từ ngày 1/7/2023, Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành nhưng chưa có Nghị định thay thế Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành thì Nghị định số 07/2012/NĐ-CP còn hiệu lực áp dụng hay không?
Trong trường hợp Nghị định số 07/2012/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành thì việc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành trên biển, xử lý vi phạm hành chính tại các tỉnh, thành phố ven biển theo phương án sau có phù hợp với quy định pháp luật hay không?
Phương án: Thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở NN-PTNT do Giám đốc Sở ra quyết định thành lập. Thành viên Đoàn thanh tra gồm công chức, viên chức của Chi cục Thủy sản, Thanh tra Sở. Trưởng đoàn thanh tra là chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc biên chế công chức của Chi cục Thủy sản hoặc Thanh tra Sở có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 10 Thông tư 06/2021/TT-TTCP. Đoàn thanh tra chuyên ngành được sử dụng phương tiện, trang thiết bị (tàu kiểm ngư, tàu thanh tra chuyên ngành…) của Chi cục Thủy sản hoặc Thanh tra Sở để thực hiện nhiệm vụ. Việc lập biên bản, ban hành các quyết định, chuyển hồ sơ… trong quá trình xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo thẩm quyền được pháp luật quy định.
Trường hợp cần mở rộng địa bàn, đối tượng thanh tra hoặc có vụ việc nghiêm trọng thì Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành, gồm Sở NN-PTNT (Chi cục Thủy sản, Thanh tra Sở), Sở Công an, Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Tư pháp… do lãnh đạo Sở NN-PTNT làm trưởng đoàn. Đoàn thanh tra được quyền sử dụng phương tiện, trang thiết bị (tàu kiểm ngư, tàu thanh tra chuyên ngành…) của Chi cục Thủy sản/Chi cục Kiểm ngư địa phương hoặc Thanh tra Sở để thực hiện nhiệm vụ. Việc lập biên bản, ban hành các quyết định, chuyển hồ sơ… trong quá trình xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo thẩm quyền được pháp luật quy định.
Đồng thời, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, cho ý kiến một số nội dung, gồm: Theo Luật Thanh tra 2022, từ ngày 1/7/2023 Chi cục Thủy sản không được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản có được áp dụng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hay không.
Nếu Chi cục Thủy sản không được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên, Chi cục trưởng không còn thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nhưng Chi cục Thủy sản có tổ chức cấp phòng thực hiện nhiệm vụ Kiểm ngư thì việc xử lý vi phạm hành với phương án sau có phù hợp với quy định pháp luật hay không.
Phương án: Lực lượng kiểm ngư thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên biển (không phải nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành), khi phát hiện vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính và tham mưu văn bản của Chi cục Thủy sản chuyển hồ sơ vụ việc tới cấp có thẩm quyền theo quy định.
Kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư địa phương khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ NN-PTNT trước ngày 31/7/2023 để có căn cứ định hướng địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ.