Bệnh phát sáng ở tôm là một hiện tượng đặc biệt chỉ được phát hiện vào ban đêm. Bệnh hầu như xuất hiện quanh năm trên cả tôm sú và TTCT, xảy ra trong tất cả giai đoạn trong vòng đời của tôm. Thời điểm xảy ra bệnh thường là mùa hè khi nhiệt độ và độ mặn tăng cao.
Nguyên nhân
Trong ao có sự hiện diện của tảo roi: Tảo roi và một số loại tảo giáp làm giảm ôxy hòa tan trong nước, tiết ra chất độc gây bệnh cho tôm, làm tôm giảm ăn và chậm tăng trưởng. Ngoài ra, còn làm một số loại tảo có lợi cho tôm không phát triển được. Khi tảo roi phát triển mạnh sẽ gây ra hiện tượng phát sáng ở mặt ao nuôi.
Tồn đọng hợp chất phốt pho hữu cơ tích tụ trong bùn đáy ao: Việc tích tụ phốt pho hữu cơ lâu ngày do thức ăn thừa tích tụ dưới đáy ao gây ra hiện tượng ao tôm bị phát sáng về đêm. Việc này còn kích thích các loại tảo độc và vi khuẩn có hại phát triển mạnh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm.
Thường xuyên kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu ao nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Ảnh: ST
Do vi khuẩn Vibrio harveyi gây ra: Thường gặp ở các ao nuôi có độ mặn cao (> 15%), và nhiệt độ nước tăng, hàm lượng chất hữu cơ cao, ôxy hòa tan thấp. Các vi khuẩn này tiết ra enzyme Luciferase có khả năng phát quang gây ra sự phát sáng ở tôm. Chúng còn gây bệnh trên gan tụy của tôm làm tôm bị suy yếu và chết. Thường xảy ra vào mùa hạn khô, do nắng nóng kéo dài làm giảm mực nước ao và tăng độ mặn, cùng với cặn bẩn trong ao tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh bùng phát.
Dấu hiệu
Tôm yếu dần, bơi tấp mé bờ, phản ứng chậm chạp. Thân và mang tôm có màu sẫm, bẩn, thịt đục màu. Tôm giảm ăn, khi chết không có thức ăn và phân trong ruột. Đầu thân tôm phát sáng màu trắng hoặc xanh lục (có thể nhìn rõ vào ban đêm);
Quan sát bằng kính hiển vi sẽ thấy vi khuẩn phát sáng và di chuyển trong cơ và máu của tôm;
Tôm chậm lớn, phát triển không đồng đều, có thể đóng rong ở mang và vỏ. Tôm chết rải rác dưới đáy ao tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Trong 45 ngày đầu thả nuôi nếu bị nhiễm 100% có thể chết hàng loạt;
Giai đoạn ấu trùng bị nhiễm bệnh có màu trắng đục, nếu bị nặng hơn thì sẽ lắng dưới đáy bể ương và chết hàng loạt.
Phòng bệnh
Đối với trại tôm giống, cần diệt khuẩn dụng cụ sản xuất, nước… bằng dung dịch Chlorine, thuốc tím…
Chọn tôm giống có nguồn gốc chất lượng uy tín, đảm bảo không nhiễm bệnh và vi khuẩn, nên thả nuôi với mật độ thích hợp.
Vệ sinh sạch ao nuôi, nạo vét sạch bùn dưới đáy ao, bón vôi bột, phơi ao. Loại bỏ các loài cá tạp, hạn chế ốc, cua, cáy, còng. Sử dụng men vi sinh để cải tạo đáy ao và xử lý nước hàng ngày trước khi thả nuôi.
Vào mùa hè, duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2 – 1,5 m và độ trong khoảng 30 – 40 cm để hạn chế khả năng tăng nhiệt. Nuôi tôm ở độ mặn vừa phải, không nên quá cao. Hạ độ mặn để hạn chế vi khuẩn phát sáng phát triển.
Thường xuyên kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu ao nuôi: pH, kiềm, O2 và các chỉ tiêu khí độc: NO2, H2S, NH3… để có biện pháp xử lý kịp thời nhất.
Bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa, khoáng vi lượng vào khẩu phần ăn hàng ngày của tôm nuôi để tạo sức đề kháng, giảm stress cho tôm.
Sau khi tôm được 21 ngày tuổi, định kỳ 3 ngày/lần kiểm tra vi khuẩn Vibrio trong nước, người nuôi có thể mang mẫu đến kiểm tra tại các phòng lab gần nhất.
Xử lý
Nếu nguyên nhân là do tảo roi, người nuôi cần vớt tảo, tháo bớt nước trong ao và cấp nước mới vào sau đó tiến hành xử lý tảo triệt để bằng các chế phẩm chuyên cắt tảo.
Nếu nguyên nhân là do phốt pho, cần cắt giảm ngay lượng thức ăn dư thừa.Trường hợp do vi khuẩn V. harveyi thì cần dùng thuốc kháng sinh đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian. Việc sử dụng kháng sinh chỉ có kết quả khi phát hiện bệnh sớm. Đồng thời bổ sung thêm vi sinh có lợi, Vitamin C, B, A và men tiêu hóa vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Sau đó diệt khuẩn nước trong ao và khử trùng các loại dụng cụ và thiết bị chuyên dùng.
Thái Thuận