Nhớt bạt là hiện tượng phổ biến, thường xuyên xảy ra ở các ao nuôi lót bạt hiện nay. Nhớt bạt làm vi khuẩn, nấm và rong tảo phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm.
Nguyên nhân
Nhớt bạt là lớp màng nhầy trên bạt ao nuôi tôm do đạm trong thức ăn hòa tan, xác tảo tàn, chất hữu cơ, nhớt tôm lột, các loại dinh dưỡng, thuốc… có trong nước gây nên. Sau một thời gian nuôi, bạt ao rất dễ bị đóng rong nhớt, nhất là thời điểm gần cuối vụ khi mùn bã hữu cơ và thức ăn thừa tích tụ quá nhiều. Bên cạnh đó, với những ao nuôi có nước quá trong, khi ánh sáng xuyên thấu xuống đáy, phèn và kim loại nặng lắng tụ cũng tạo điều kiện cho rong nhớt bám trên bạt xuất hiện ngày càng dày đặc hơn.
Ảnh hưởng
Tình trạng nhớt bạt tiếp diễn trong thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả xấu với ao nuôi tôm. Rong nhớt, tảo xuất hiện làm thay môi trường; pH và độ kiềm không ổn định, nhiều vi khuẩn và tạp chất bất lợi sinh ra trong nguồn nước nuôi cản trở hoạt động di chuyển, bắt mồi của tôm; hàm lượng ôxy hòa tan trong nước bị giảm từ đó làm biến động các yếu tố thủy, lý, hóa của ao nuôi, tôm dễ mắc nhiều bệnh như vàng mang, đen mang, đốm thân, phân trắng… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giai đoạn sinh trưởng và phát triển về sau của tôm giống.
Người nuôi xử lý nhớt bạt ao nuôi tôm. Ảnh: Nam Anh
Đặc biệt, rong nhớt bám trên bạt chính là nơi cư trú của nhiều mầm bệnh nguy hiểm, chúng có thể là ký sinh trùng, vi khuẩn hoặc cả virus. Nếu rong nhớt quá dày thì chúng còn cạnh tranh dinh dưỡng với sự phát triển của những nhóm tảo có lợi cho tôm.
Ngoài ra, tôm nếu ăn nhầm phải thức ăn có lẫn rong nhớt thì đường ruột cũng sẽ không khỏe mạnh, dễ tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công làm xuất hiện phân trắng.
Kiểm soát
Cần có hệ thống lắng, lọc để loại bỏ chất thải trong nước cấp trước khi nuôi tôm. Hệ thống ao lắng góp phần loại bỏ những thành phần không mong muốn như mầm bệnh, chất hữu cơ lơ lửng, sinh vật phù du, sinh vật trung gian mang mầm bệnh… giúp xử lý nguồn nước cấp trước khi bổ sung vào ao nuôi tôm. Trước vụ nuôi cũng cần vệ sinh, chà rửa nền bạt thật kỹ.
Thiết kế hệ thống xiphong ở đáy ao giúp gom tụ chất thải tại trung tâm ao, dễ dàng loại bỏ chất thải định kỳ trong quá trình nuôi tôm.
Để hạn chế tác hại của rong nhớt, phải luôn giữ mực nước ao và độ trong ổn định, sao cho ánh sáng không xuyên được xuống đáy. Trước khi thả nuôi nên gây màu nước ao, đồng thời cũng tạo thêm nguồn thức ăn tự nhiên và bổ sung các acid amin cần thiết cho tôm phát triển.
Lượng chất thải trong ao cũng phụ thuộc vào thành phần thức ăn và phương pháp cho ăn. Do đó để cần lựa chọn thức ăn của nhà sản xuất uy tín, phù hợp với loài nuôi và kích cỡ nuôi. Cho ăn theo 4 định: định chất, định lượng, định địa điểm, định thời gian để tránh cho ăn dư.
Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm lót bạt thường xử lý nhớt bạt theo cách thủ công là sử dụng lao động chà bạt, biện pháp này có thể xử lý nhớt bạt một cách tạm thời nhưng tình trạng tái nhớt bạt xảy ra liên tục; ngoài ra việc lội xuống ao chà bạt cũng không đảm bảo vệ sinh ao nuôi, có thể xảy ra thủng bạt nếu không cẩn thận… Sử dụng men vi sinh trong xử lý nhớt bạt đem lại hiệu quả cao hơn, thời gian xử lý nhanh và bền vững với môi trường. Sử dụng men vi sinh thường xuyên góp phần ổn định chất lượng nước ao và hình thành hệ vi sinh vật có lợi trong ao.
Nguyễn An