Xuất khẩu tôm tại thị trường Hàn Quốc

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tại số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong tháng 10/2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 102,51 nghìn tấn, trị giá 451,4 triệu USD, giảm 18,8% về lượng và giảm 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 1,09 triệu tấn, trị giá 4,873 tỷ USD, giảm 17,6% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Giảm hầu hết tại các thị trường chính

Tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát cao khiến nhu cầu nhập khẩu tôm các loại của Hàn Quốc năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Hàn Quốc giảm nhập khẩu tôm từ hầu hết các thị trường, trừ nhập khẩu từ Ấn Độ tăng mạnh. 

che-bien-tom115528157330307479578

Tôm thẻ chân trắng được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng. Ảnh: Duy Quang

Trung Quốc, Nga và Việt Nam là 3 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Hàn Quốc trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023. Tháng 10/2023, trong 3 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Hàn Quốc, Việt Nam là thị trường duy nhất có lượng và trị giá tăng. Theo đó, tháng 10/2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt 15,26 nghìn tấn, trị giá 77,07 triệu USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 6,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt 121,7 nghìn tấn, trị giá 652,99 triệu USD, giảm 7,7% về lượng và giảm 13,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần thủy sản của Việt Nam tính theo trị giá trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc 10 tháng đầu năm 2023 giảm xuống còn 13,4% từ mức 14,1% của 10 tháng đầu năm 2022.

Đáng chú ý, Hàn Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu tôm các loại từ Ấn Độ, nhập khẩu từ thị trường này trong 10 tháng đầu năm 2023 tăng tới 41,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng nhập khẩu tôm từ Ấn Độ trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 2,2% trong 10 tháng năm 2022 lên 4,0% trong 10 tháng năm 2023. 

Về chủng loại tôm nhập khẩu, trong 10 tháng năm 2023, Hàn Quốc giảm nhập khẩu hầu hết các chủng loại tôm, trừ nhập khẩu tôm khô/muối/hun khói/ngâm nước muối (HS 030695) tăng nhẹ và nhập khẩu tôm nước ấm chế biến đóng gói kín khí (160529) tăng mạnh. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu 2 chủng loại tôm này ở mức thấp.

Dự báo, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc những tháng cuối năm 2023 và tháng 1/2024 sẽ dần phục hồi khi nhu cầu tiêu dùng cho các kỳ nghỉ lễ đón năm mới tăng lên.

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Nhu cầu tiêu thụ tôm tại Hàn Quốc ngày càng tăng do các món làm từ tôm ngày càng đa dạng và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chế độ ăn lành mạnh và giàu protein. Việc áp dụng chế độ ăn kiêng của phương Tây ngày càng tăng đã dẫn đến việc kết hợp nhiều món khác nhau vào bữa ăn hàng ngày của người dân Hàn Quốc. Các món ăn từ tôm có thể sẽ tiếp tục thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng Hàn Quốc trong những năm tới.

Hàn Quốc là đất nước thu hút hàng triệu khách du lịch hàng năm. Điều này đã đưa nhiều món ăn quốc tế, trong đó có tôm, vào thực đơn của các nhà hàng và quán ăn đường phố nổi tiếng. Do giá tương đối cao, tôm thường được lựa chọn làm món ăn mừng hoặc trong những dịp đặc biệt.

Tôm thẻ chân trắng nuôi được ưa chuộng ở Hàn Quốc với tỷ trọng chiếm khoảng 9% tiêu thụ tôm. Nhu cầu về tôm thẻ chân trắng chiếm tỷ trọng cao do giá cả phải chăng hơn tôm đánh bắt tự nhiên. Nguồn cung tôm thẻ chân trắng nuôi có thể được cung cấp quanh năm, điều này rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu ở một quốc gia yêu thích hải sản. Tôm thẻ chân trắng cũng thường có sẵn ở nhiều dạng sản phẩm khác nhau, bao gồm các sản phẩm tươi, đông lạnh và chế biến giá trị gia tăng… giúp người tiêu dùng thuận tiện lựa chọn.

Anh Vũ

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận