Ai đang làm trái chỉ đạo tại dự án Cửa Hội – Xuân Phổ?

Chủ đầu tư và tư vấn thiết kế tính sai khối lượng nhưng thay vì thẩm định, điều chỉnh bổ sung dự toán theo thực tế, chủ đầu tư lại từ chối thực hiện…

Phát hiện bất cập nhưng không điều chỉnh

Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Hội – Xuân Phổ (viết tắt là dự án Cửa Hội – Xuân Phổ), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (giai đoạn I) được Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định 2325 ngày 6/10/2011 và phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định 1482 ngày 22/6/2012, với tổng mức đầu tư hơn 108 tỷ đồng.

Dự án Cửa Hội – Xuân Phổ đã hoàn thành đưa vào vận hành. Ảnh: Thanh Nga.

Dự án được triển khai thi công vào cuối tháng 12/2013, tiến độ yêu cầu hoàn thành trước 31/12/2015, sau đó được gia hạn thời gian thực hiện dự án đến 30/9/2021.

Trong quá trình thi công nạo hút lòng âu và luồng vào âu, chiều dài ống xả thải thực tế là 1.350m (dài hơn theo thiết kế 350m). Nguyên nhân chiều dài thi công lớn hơn thiết kế do đường ống thực tế phải đi vòng để tránh khu nhà làm việc của BQL cảng cá Xuân Hội và đầm nuôi trồng thủy sản của các hộ dân.

Phát hiện bất cập này, ngày 5/4/2015, đại diện chủ đầu tư là Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, BQL Dự án xây dựng cơ bản ngành NN-PTNT (nay là BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT Hà Tĩnh); đơn vị tư vấn giám sát liên danh Công ty cổ phần UDICO Thăng Long – Công ty cổ phần Thành Đô; đơn vị thi công là liên danh Tổng Công ty xây dựng NN-PTNT – Công ty TNHH MTV (Vinacco), Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại Hoàng Đạt, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Tài Miền Trung, đã lập biên bản xác định chiều dài ống xả thải nạo vét để làm cơ sở điều chỉnh bổ sung.

Theo biên bản này, chiều dài đường ống xả thải đất thải nạo vét theo thực tế đo đạc tại hiện trường là 1.350m, trong khi chiều dài thiết kế bản vẽ thi công là 1.000m.

Thiết kế bản thi công mời thầu chiều dài đường ống xả thải là 1.000m. Ảnh: Thanh Nga.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, đại diện liên danh nhà thầu nói: “Thời điểm đó do yêu cầu đảm bảo tiến độ thi công gói thầu nên chủ đầu tư và các bên liên quan đã thống nhất đề nghị nhà thầu tiếp tục thi công theo chiều dài thực tế. Việc lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung dự toán sẽ thực hiện sau.

Chúng tôi tin tưởng vào chủ đầu tư, đã nỗ lực thi công dự án đảm bảo chất lượng, hiện nay đưa dự án đi vào vận hành hiệu quả, được Bộ NN-PTNT và tỉnh đánh giá cao. Tuy nhiên, quyền lợi của nhà thầu về việc thi công khối lượng chiều dài ống xả tăng thêm 350m lại không được tính, rất vô lý và trái với chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Hà Tĩnh”.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tồn đọng trên là do sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế.

Cụ thể, Tổ công tác Quyết định 2855 ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh phân tích, trong quá trình thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công – tổng dự toán công trình, đơn vị tư vấn thẩm tra (Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Hải Đăng – PV) đã phát hiện, nghi ngờ chiều dài đường ống xả thải tính trung bình 1.000m và đã kiến nghị “hạng mục nạo vét luồng và vũng neo đậu cần xác định rõ vị trí đổ đất, khả năng chứa đất của bãi đổ đất nạo vét… để xác định cụ thể cự ly vận chuyển đất nạo vét và lựa chọn thiết bị thi công nạo vét cho phù hợp”. Tuy nhiên cự ly (chiều dài ống xả) vẫn không có sự điều chỉnh, thực tế thi công đã có thay đổi từ 1.000m lên 1.350m.

“Đơn vị tư vấn thiết kế phải chịu trách nhiệm việc làm của mình dẫn đến làm tăng chiều dài đường ống xả thải từ 1.000 lên 1.350m”, văn bản 06/BC-TCT, ngày 14/9/2021 của Tổ công tác nêu.

Thực tế thi công tại hiện trường là 1.350m. Đây là biên bản làm căn cứ lập dự toán điều chỉnh bổ sung. Ảnh: Thanh Nga.

Nếu chủ đầu tư có trách nhiệm thì đã yêu cầu điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công ngay sau khi đơn vị tư vấn thẩm tra phát hiện nghi ngờ. Tuy nhiên “chủ đầu tư trong quá trình thẩm định chưa xem xét đề xuất kiến nghị của đơn vị tư vấn thẩm tra về chiều dài cự ly vận chuyển… Việc sử dụng giá trị kích thước trung bình trong phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công là chưa phù hợp”.

Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm

Chủ đầu tư phớt lờ cảnh báo của đơn vị tư vấn thẩm tra đã gián tiếp gây thiệt hại cho nhà thầu, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Tổ công tác của UBND tỉnh cho rằng, phát sinh chi phí công trình do phải tăng chiều dài đường ống xả thải lên 1.350m nếu chủ đầu tư làm hết trách nhiệm của mình, phối hợp với các bên liên quan thì đã xử lý được.

Việc thiếu quyết liệt, chưa có phương án giải quyết dứt điểm, để tình trạng vướng mắc, tồn đọng kéo dài, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đối với các nội dung này trước người quyết định đầu tư (Bộ NN-PTNT), UBND tỉnh và quy định của pháp luật.

ai-dang-lam-trai-chi-dao-cua-bo-nnptnt-bai-1-quyt-lam-cam-chiu-120904_371

Chủ đầu tư đã đưa ra những lý do bất hợp lý để từ chối thẩm định, điều chỉnh bổ sung phần chênh lệch tăng thêm chiều dài đường ống xả thải 350m. Ảnh: Thanh Nga.

Văn bản 06 của Tổ công tác UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu rõ: “Để giải quyết dứt điểm tồn đọng này, đề nghị chủ đầu tư làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện dự án theo từng thời điểm, báo cáo UBND tỉnh và người quyết định đầu tư.

Đề xuất người quyết định đầu tư điều chỉnh dự án, điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư (hoặc có thể đề xuất cho sử dụng kinh phí cắt giảm trong kết quả kiểm toán, kết luận thanh tra…), gia hạn thời gian hợp đồng để thực hiện các bước tiếp theo và làm sơ sở thanh toán nội dung công việc phát sinh chưa có trong hồ sơ mời thầu, dự thầu (về thay đổi chiều dài ổng xả thải từ 1.000m lên 1.350m – PV), đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà thầu”.

Sai sót từ đầu của đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư trong việc thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công rất rõ ràng. Việc lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh chiều dài ống xả thải theo thực tế là đương nhiên. Vậy ai đã phớt lờ chỉ đạo của Bộ NN-PTNT , các cơ quan chức năng liên quan làm trái quy định pháp luật?

Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Hội – Xuân Phổ được chia làm 2 giai đoạn. Mục tiêu giai đoạn 1, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão nhằm đáp ứng cho 500 tàu cá có công suất tối đa 600 CV vào tránh trú bão; giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và phương tiện hoạt động nghề cá của ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản trong khu vực khi có gió, bão; kết hợp phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương.

Giai đoạn 2, hoàn chỉnh và đầu tư mới một số hạng mục neo đậu tránh trú bão đã đầu tư giai đoạn 1, đảm bảo cho 500 tàu cá có công suất đến 600 CV neo đậu an toàn trong trường hợp bão đến cấp 12, đáp ứng yêu cầu của toàn khu neo đậu là 1.200 tàu.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận