Ấn Độ: Thị trường tôm qua thời hoàng kim?

Tâm lý lo lắng bao trùm ngành tôm Ấn Độ do nhu cầu suy yếu, giá giảm trên toàn cầu do tôm dự trữ dư thừa. Các hãng xuất khẩu chưa thấy dấu hiệu tích cực nào trên thị trường trong những tháng tới.

Sản xuất đi xuống

Sản lượng thủy sản của Ấn Độ sụt giảm mạnh và không có triển vọng phục hồi trong thời gian tới. Toàn ngành không mấy lạc quan về triển vọng năm nay, mặc dù xuất khẩu đạt kỷ lục 8 tỷ USD vào năm tài khóa 2023. Theo ông Durai Murugan, Chủ trại nuôi tôm Sea Gem Aqua tại Tamil Nadu, tôm Ấn Độ không còn hấp dẫn người mua và nhà xuất khẩu toàn cầu. Ba năm qua, nhiều thị trường lựa chọn tôm Ecuador và các nước châu Á khác như Indonesia và Việt Nam, khiến nhiều nông dân Ấn Độ phải treo ao.

Jagdeesh Fofandi, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu tôm Ấn Độ cho biết: “Giá tôm đã giảm 15 – 20%. Tất cả các thị trường tôm của Ấn Độ đều chững lại do sức mua yếu, điển hình là Trung Quốc và Mỹ. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục gặp trở ngại liên quan đến vấn đề thanh toán”.

tom-1024×5083125005942741955379-1

Ngành tôm Ấn Độ còn tiếp tục gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với tôm Ecuador về giá bán. Ảnh: Intrafish

Sản lượng tôm Ấn Độ dự kiến giảm trong năm nay từ 900.000 tấn xuống 600.000 – 700.000 tấn. Hiện cung đang vượt cầu và có thể mất 6 đến 7 tháng để khắc phục tình trạng mất cân bằng khi sản lượng tôm từ các nhà sản xuất chính bắt đầu giảm, theo Ravi Kumar Yellanki, Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Ấn Độ. Ông này cũng hy vọng giá tôm sẽ cải thiện vào đầu năm 2024.

Giá tôm toàn cầu sụt giảm mạnh đã tác động đến tất cả các nhà sản xuất lớn. Theo nghiên cứu của Rabobank Hà Lan, sản lượng tôm của Ecuador dự kiến tăng 14% vào năm 2023. Năm ngoái, đất nước Nam Mỹ này đã sản xuất 1,35 triệu tấn tôm và đang giữ vị trí dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, Cơ quan Nuôi trồng thủy sản quốc gia Ecuador (NCA) đang lo ngại lợi nhuận toàn ngành sụt giảm do chi phí sản xuất tăng và giá tôm trên thị trường thế giới giảm mạnh.

Trong báo cáo trên, Rabobank Hà Lan chỉ ra Ấn Độ, nước sản xuất tôm lớn thứ hai thế giới, đạt sản lượng dưới 900.000 tấn vào năm 2022, giảm 4,7% do dịch bệnh, thời tiết chi phí thức ăn và giá xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, dù thị trường ảm đạm, sức mua suy yếu, nhưng tổng sản lượng tôm toàn cầu năm 2023 dự kiến vẫn tăng 7% lên 6 triệu tấn kéo theo cung vượt cầu, theo Rabobank.

Người nuôi tôm tại Ecuador đang phải vật lộn trang trải chi phí sản xuất trong bối cảnh giá tôm toàn cầu đi xuống, nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc – thị trường chủ lực bị sụt giảm. Tại Ấn Độ, tình hình toàn ngành tôm cũng không khả quan hơn. Ông Tara Ranjan Patnaik, Giám đốc công ty xuất khẩu thủy sản Falcon Marine chi biết, ở mức giá hiện tại, nông dân Ấn Độ khó sản xuất thêm tôm. Thị trường Mỹ đang dư thừa nguồn cung, trừ khi lượng tôm tồn kho được giải phóng hết, thì giá tôm mới có cơ hội được cải thiện. Do đó, các hãng nhâp khẩu tôm tại Mỹ chỉ mua một lượng tối thiểu.

Xuất khẩu đuối sức

Mặc dù, xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ đạt đỉnh cao vào năm ngoái, nhưng sự thuận lợi đó đã không duy trì đến năm nay. Chuyên gia về thị trường tôm toàn cầu, kiêm sáng lập công ty tư vấn Shrimp Insights, ông Willem van der Pijl nói rằng sản lượng tôm của Ấn Độ trong 3 tháng cuối năm 2022 là cú hích cho xuất khẩu trong quý cuối cùng của năm tài khóa 2023. Dù sản lượng tăng nhưng giá tôm bắt đầu giảm từ tháng 12 năm ngoái.

Xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ từng đạt con số kỷ lục 1.735.286 tấn, trị giá 8,09 tỷ USD trong năm tài khóa 2022 – 2023. Mặc dù, tổng khối lượng xuất khẩu thủy sản tăng 27% nhưng khối lượng xuất khẩu mặt hàng tôm lại giảm nhẹ so mức 711.099 tấn của cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu thủy sản tăng 4,3% nếu tính theo đồng USD. Nhưng đối với tôm đông lạnh, khi giá trị tăng nhẹ ở mức 43.135 RS crore tính theo đồng rupee, thì lại giảm 6% xuống 5,48 tỷ USD tính theo đồng USD. Do đó, tỷ trọng sản phẩm tôm trong cơ cấu ngành hàng thủy sản giảm từ 12% khối lượng và 7% giá trị so năm ngoái, xuống các mức tương ứng 41% và 68% trong năm 2022 – 2023.

Theo ông Willem van der Piji, xuất khẩu TTCT của Ấn Độ trong tháng 4/2023 giảm so cùng kỳ năm trước. Sau cùng, xuất khẩu tôm đi xuống là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sản lượng tôm Ấn Độ trong vụ nuôi đầu tiên cũng đã giảm. Điều này giải thích tại sao số lượng nhập khẩu tôm bố mẹ giảm mạnh. Xuất khẩu tôm sang châu Âu không còn khả quan. Dù lượng khách du lịch vào châu Âu tăng nhưng giá thực phẩm và giá thuê khách sạn tăng 15 – 20%, một phần do xung đột tại Ukraine. Giá khí đốt và nhiên liệu đã hạ nhiệt, nhưng có thể mất một thời gian nữa để nhu cầu tiêu thụ tôm tại châu Âu phục hồi, theo Kenny Thomas, Giám đốc công ty kinh doanh thủy, hải sản Jinny Marine Traders.

Một tia sáng duy nhất đối với ngành tôm Ấn Độ lúc này là xuất khẩu tôm sú bản địa đang tiến triển tích cực cùng với nhu cầu gia tăng, đặc biệt từ thị trường Nhật Bản. Xuất khẩu tôm sú năm tài khóa 2023 tăng 74% so cùng kỳ năm ngoái lên 31.213 tấn. Xuất khẩu tôm sú tiếp tục tăng trong năm nay, ngay cả khi các lô hàng TTCT vẫn chưa tìm được đầu ra. Đây cũng là lý do nhiều nông dân Ấn Độ chuyển sang nuôi tôm sú hơn những năm trước.

Nhìn chung, giá xuất khẩu tôm Ấn Độ hiện đang ngang bằng tôm Thái Lan, trong khi giá tôm Việt Nam và Indonesia cao hơn một chút. So với các thị trường khác, có thể thấy các nhà sản xuất tôm châu Á, không chỉ riêng Ấn Độ còn tiếp tục gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với tôm Ecuador về giá bán.

>> Ấn Độ, Ecuador và Indonesia đang giữ vị trí nguồn cung tôm hàng đầu tại Mỹ. Trong tháng 5/2023, Ấn Độ đã xuất khẩu 21.767 tấn tôm sang Mỹ, giảm so mức 24.787 triệu tấn cùng kỳ (Báo cáo NOOA, tháng 5/2023). 

Tuấn Minh

(Theo Seafoodbusiness)

Trung Quốc

Người nuôi tôm kêu gọi trợ giá

Nguồn cung tôm nuôi trong nước tăng do vào chính vụ cộng với lượng hàng nhập khẩu tràn ngập thị trường khiến giá tôm cổng trại tại miền Nam Trung Quốc giảm tới 50%. Người nuôi tôm đang kêu gọi chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giá tối thiểu cho mặt hàng tôm. Giá tôm nuôi trong nước đã chạm đáy, gây áp lực lợi nhuận cho nông dân khi họ phải đối mặt chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi. Trong tuần 26 (27/6 – 2/7), giá trung bình tôm thẻ tươi sống nguyên con mua tại trại nuôi ở tỉnh Quảng Đông chỉ 43,5 CNY/kg (6,01 USD) với cỡ 60, giảm37% so tuần 16 năm ngoái. Giá tôm cỡ 80 cũng giảm 39%, còn 36 CNY/kg. Ngày 3/7, giá tôm thẻ cổng trại ghi nhận tại vùng đồng bằng Châu Giang chỉ 38 CNY/kg cỡ 60; 32 CNY/kg cỡ 80 và 24 CNY/kg cỡ 120. Giá tôm nội địa Trung Quốc bắt đầu giảm vào cuối tháng 4/2023. Hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh trong tháng 5/2023 đạt 100.310 tấn, tăng 77% so cùng kỳ năm ngoái.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận