Một ngày ở cái nôi về nuôi thủy sản của Thủ đô

‘Ở xã tôi, một số người vừa rồi ‘ù’ to, còn tôi thì ‘ù’ nhỏ thôi’, ông Lê Xuân Hữu – Giám đốc HTX Thủy sản Trầm Lộng cười vang nói với tôi như vậy.

Từ vùng đất "chiêm khê, mùa thối" thành vùng thủy sản lớn

Rồi ông Lê Xuân Hữu, Giám đốc HTX Thủy sản Trầm Lộng (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) thủng thẳng giải thích: “ù” to là hộ bán cá lãi được hàng trăm triệu đồng, còn “ù” nhỏ là hộ bán cá lãi được vài chục triệu đồng.

Dạo này giá cá lên trên 50.000 đồng/kg, giá thức ăn hạ xuống chút đỉnh nên lãi khá, các chủ ao đều rất phấn khởi. Chẳng bù cho dạo năm kia, giá cá hạ chỉ còn 40.000 đồng/kg khiến chẳng ai có thể cười được.

Nếu nuôi đúng kỹ thuật, với năng suất trung bình mỗi ha 25 tấn cá/năm, mỗi tấn bán 50 triệu đồng, tổng thu cũng được 1,25 tỉ đồng, trong đó lãi 15 – 20%, tương đương khoảng trên dưới 200 triệu đồng.

Những hộ có diện tích ao nuôi rộng như nhà ông Lê Xuân Hữu (3ha), Vũ Bá Học (3ha), Nguyễn Mạnh Tưởng (2ha), Đinh Quang Lĩnh (2ha)… thực sự đã kiếm được một khoản lợi nhuận lớn.

dsc_4969-101727_179

Ông Lê Xuân Hữu, Giám đốc HTX Thủy sản Trầm Lộng bên giấy chứng nhận VietGAP. Ảnh: Vân Đình.

Huyện Ứng Hòa có hơn 10.000ha đất nông nghiệp với nhiều vùng rất trũng, đặc biệt là ở khu Cháy.

Để có được sự thành công về nuôi trồng thủy sản của huyện như ngày hôm nay, trước tiên phải nói tới công của những nông dân tiên phong, năng động chuyển đổi sang mô hình lúa – cá. Sau đó lại thêm chính quyền có những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ.

Toàn huyện hiện có 4.070ha nuôi trồng thủy sản, tập trung chính ở những xã như Trầm Lộng, Minh Đức, Trung Tú, Phương Tú, Hòa Lâm… Và cái nôi thủy sản của Thủ đô chính là xã Trầm Lộng với xấp xỉ 450ha mặt nước đang được nuôi nhiều loại cá.

Ít ai ngờ chỉ hơn 10 năm về trước, những dãy ao nối tiếp nhau ngày đêm trắng xóa những guồng quạt oxy đó chỉ là các cánh đồng lúa luôn trong cảnh bấp bênh “chiêm khê, mùa thối” bởi thế đất rất trũng, thoát nước rất khó. Trong khi đó, hợp tác xã chẳng thể hiện được vai trò về chỉ đạo sản xuất, không tổ chức được các dịch vụ cho bà con và dần dần lâm vào tình thế buộc phải giải thể.

Lúc này, thấy một số hộ đã chuyển đổi từ cấy lúa sang nuôi cá cho thu nhập cao hơn hẳn nên chính quyền xã, huyện đã quy hoạch Trầm Lộng thành vùng nuôi trồng thủy sản.

Ông Lê Xuân Hữu ở thôn Kiện Vũ vốn đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá thấy được hướng đi mới của quê mình đã mạnh dạn đứng lên thành lập HTX Thủy sản Trầm Lộng. Mong muốn của ông là gắn kết những nông dân vốn tự nuôi trồng, tự tiêu thụ rất nhỏ lẻ, không có tiếng nói trong xã hội được một tổ chức như HTX đại diện cho quyền lợi của mình.

Ban đầu, HTX có 25 thành viên rồi dần lên xấp xỉ 40 thành viên với tổng diện tích ao nuôi 60ha, trong đó trên 20ha đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Hiện xã Trầm Lộng đang tiến thêm một bước nữa trong nghề khi định hướng phải xây dựng nhãn hiệu tập thể cho con cá.

20-mo-hinh-nuoi-ca-tram-gion-tai-chuong-my-nam-2008-101436_43511316715599060376829

Thu hoạch cá ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Các loại cá nuôi chủ yếu ở đây là những giống truyền thống như trắm cỏ , chép, mè, trôi. Chúng được bố trí để tận dụng khéo léo dựa theo môi trường sinh sống của từng loài theo các tầng đáy, tầng trung và tầng mặt của ao. Ngoài ra cá mè, cá trôi còn có nhiệm vụ dọn dẹp các chất thải hay thức ăn thừa của cá chép, cá trăm và làm sạch nước.

Cũng theo ông Hữu, xưa dịch bệnh theo mùa, ra Tết là cá chép hay mắc, tháng bảy, tháng tám là cá trắm hay mắc. Nay nuôi tập trung, dịch bệnh thường xuyên, bởi thế luôn cần quan tâm đến việc xử lý nước.

Phải phòng bệnh bằng men vi sinh, sát khuẩn bằng chế phẩm sinh học . Ngoài ra phải thường xuyên thay nước vào ra, cho chạy quạt sục để vừa cung cấp oxy cho cá hoạt động, phát triển, vừa đảm bảo oxy cho hệ sinh vật hiếu khí, giúp cân bằng môi trường sống trong ao.

“Vừa rồi chúng tôi đã mang mẫu cá đi kiểm định, kết quả là không có dư lượng kháng sinh và hàm lượng dinh dưỡng bên trong thịt cá rất đầy đủ", ông Hữu khoe. Một điều đáng tiếc là tuy đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng sản phẩm của HTX không bán được giá cao hơn thông thường. Chính vì vậy chưa thực sự khuyến khích được các hộ thành viên nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bí quyết thành công của nghề cá

Tôi hỏi chuyện cho cá ăn bằng việc ra lệnh trên điện thoại rộ lên một dạo thế nào thì ông Lê Xuân Hữu, Giám đốc HTX Thủy sản Trầm Lộng trả lời: “Không ăn thua do hay xảy ra lỗi như nằm ngủ đè lên tắt mất chương trình và do sai số nên vừa rồi có hộ chết đến mấy tấn cá liền, các hộ khác trước làm theo giờ đã bỏ rất nhiều.

Nói gì thì nói, vẫn phải trực tiếp bằng tay người bởi nuôi cá cũng phải chăm sóc như trẻ con ấy. Có trẻ con nào mà cho ăn bằng máy được không? Trong quá trình cho ăn, chủ ao cần quan sát trực tiếp các biểu hiện bất thường của cá để có phương hướng xử lý kịp thời. Nếu xảy ra lỗi một tí là mất hàng trăm triệu ngay”.

Tôi hỏi trong nuôi cá yếu tố nào quyết định thành công, ông Hữu trả lời: “Con người là yếu tố quan trọng nhất của nghề này. Người nuôi phải biết kỹ thuật chọn cá giống , biết xử lý môi trường nước, biết cách cho ăn…, đồng thời phải yêu nghề nữa. Càng những đêm mưa to gió lớn càng phải có mặt ở ngoài ao chứ không thể ăn no ngủ kỹ được”.

dsc_4975-101726_8943397480854265865943

Dù mưa gió nhưng ông Lê Xuân Hữu – Giám đốc HTX Thủy sản Trầm Lộng vẫn phải đi thăm cá thường xuyên. Ảnh: Vân Đình.

Hết chuyện nghề nuôi cá, tôi hỏi về HTX, tại sao đang làm ăn cá thể có lãi mà ông lại đứng ra làm Giám đốc để chỉ đạo tập thể? Ông trả lời: “Cũng là chuyện cây nứa dựa vào cây tre mà thôi. Tôi bỏ ra mấy tỉ đồng làm vốn cho HTX cung cấp thức ăn thủy sản cho các thành viên để đôi bên cùng có lợi. Thành viên HTX được nguồn cám chất lượng và giá hạ hơn so với mua lẻ của đại lý bên ngoài, còn tôi cũng có lãi giống như đại lý cám cấp một khi đứng ra làm dịch vụ cho người dân.

Về đầu ra, mỗi ngày HTX chúng tôi có thể cung ứng được 5 – 7 tấn cá tươi nhưng chưa có doanh nghiệp nào bao tiêu cả, mà vẫn chỉ bán cho tư thương là chính. Mong muốn của tôi không chỉ dừng lại ở bán cá tươi mà còn mong muốn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng đầu tư khu sơ chế cá, kho lạnh bảo quản… để có thể chủ động cấp hàng cho các siêu thị, bếp ăn tập thể ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành”.

Cũng tại xã Trầm Lộng, hiện nay đang phát triển một số mô hình nuôi “sông trong ao ” đạt năng suất cao gấp 3 – 4 lần so với nuôi thông thường.

Gia đình ông Đinh Quang Lĩnh ở thôn An Thái đã đầu tư xây dựng 2 bể nuôi “sông trong ao” như vậy. Mỗi bể sâu 2m, rộng 5m, dài 25m, có thể thả được 2.000 – 3.000 cá trắm, chép.

Mô hình này giúp ông thuận lợi hơn trong việc theo dõi và quản lý dịch bệnh, thả được mật độ cao hơn do có dòng chảy vận chuyển được nhiều oxy cho cá.

Không chỉ thế, mô hình còn giúp ông chủ động thu hồi, xử lý chất thải sau nhiều vụ nuôi do các máy bơm chuyên dụng tạo ra các “dòng sông nhỏ” chảy liên tục trong ao, gom chất thải lắng xuống bể cho máy hút dọn mỗi ngày.

Không còn thức ăn dư thừa gây thối nước nên cá ít dịch bệnh, tăng trọng nhanh. Thường xuyên được vận động bơi ngược dòng giúp thịt của chúng thêm săn chắc. Một ưu thế nữa của mô hình “sông trong ao” là sau khi thu hoạch có thể nuôi tiếp lứa mới mà không cần phải xử lý đáy.

Hiện xã Trầm Lộng có trên 400 hộ nuôi cá với diện tích 448ha mặt nước. So với độc canh cây lúa khi xưa, nuôi thủy sản hiệu quả cao gấp 3 – 4 lần, đạt mức 500 – 600 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận có thể ở mức trên dưới 200 triệu đồng/ha/năm.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận