Vọp là động vật thân mềm hai mảnh vỏ được nhiều người ưa chuộng và có giá trị tế không thua kém gì các loại khác như: nghêu, sò,… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc khai thác vọp quá mức, khai thác rừng ngập mặn (nơi phân bố tự nhiên của vọp) để nuôi các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế như tôm, cua,… từ đó làm cho nguồn lợi vọp bị cạn kiệt và không còn khả năng phục hồi.
Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, nghề nuôi vọp đã xuất hiện với nhiều hình thức nuôi khác nhau như: nuôi vọp dưới tán rừng ngập mặn, nuôi ven sông, nuôi trong ao đất, nuôi kết hợp với tôm nước lợ…Tuy nhiên, phần lớn nguồn con giống được thu gom ngoài tự nhiên chưa đủ đáp ứng, Do đó các nghiên cứu cho sinh sản Vọp và khảo sát môi trường phù hợp để cho ấu trùng vọp sinh trưởng và phát triển tốt là thật sự cần thiết.
Nghiên cứu mới đây của giảng viên Đại Học Cần Thơ- Ngô Thị Thu Thảo đã cho thấy ảnh hưởng của độ mặn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của vọp.
Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức độ mặn và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần là: 1‰, 5‰, 10‰ và 15‰ thực hiện trên vọp thí nghiệm có chiều dài 23,08±1,38 mm và khối lượng 3,13±0,5 g.
Sau 105 ngày nuôi, tỷ lệ sống của vọp ở các độ mặn 5, 10 và 15‰ đạt cao nhất (100%), thấp nhất ở độ mặn 1‰ (92,2%).
Nuôi vọp dưới tán rừng ngập mặn
Khối lượng của vọp ở các độ mặn khác nhau tăng chậm theo thời gian thí nghiệm. Trong đó, vọp ở độ mặn 5 và 10‰ có khối lượng tăng liên tục qua các lần thu mẫu và cao hơn ở các độ mặn 1 và 15‰ (p<0,05). Sau 105 ngày nuôi tăng trưởng khối lượng đạt cao nhất ở 10‰ (4,34 g/con) và thấp nhất ở 15‰ (3,68 g/con).
Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối (GRW) và tốc độ tăng trưởng tương đối (SGRW) của vọp đạt cao nhất ở nghiệm thức 5‰ và 10‰. Chiều dài của vọp sau 105 ngày nuôi, vọp có chiều dài đạt cao nhất ở 10‰ (25,99 mm/con) và thấp nhất ở 15‰ (24,18 mm/con). Chiều cao của vọp đạt cao nhất ở 10‰ (22,86 mm/con), tiếp đến là ở 5‰ (22,44 mm/con), trong cả 2 nghiệm thức này chiều cao của vọp tăng liên tục qua các lần thu mẫu, bắt đầu từ ngày thứ 42 đến khi kết thúc thí nghiệm và khác biệt có ý nghĩa so với 2 nghiệm thức còn lại. Ở độ mặn 1‰, chiều cao của vọp cũng tăng nhưng mức tăng không cao so với 10‰. Ở độ mặn 15‰, từ ngày 21 đến ngày 63, chiều cao của vọp hầu như không tăng.
Tăng trưởng của vọp đạt tốt nhất ở độ mặn 5‰ và 10‰, tăng trưởng khối lượng và chiều dài tại 2 nghiệm thức này tương ứng với SGRW từ 0,34 đến 0,37%/ngày, SGRL từ 0,11 đến 0,14%/ngày, khác biệt có ý nghĩa so với kết quả từ độ mặn 1 và 15‰ (p<0,05).
Vọp tăng trưởng về khối lượng và kích thước tốt nhất ở độ mặn 10‰ và 5‰, các độ mặn này gần với độ mặn nơi vọp phân bố, sẽ thuận lợi hơn cho tăng trưởng của vọp, do vọp không tiêu tốn nhiều năng lượng cho điều hòa áp suất thẩm thấu.
Bắt vọp ở rừng ngập mặn
Độ mặn ảnh hưởng đến các quá trình sinh lý khác nhau ở các loài động vật thủy sinh như trao đổi chất, điều hòa áp suất thẩm thấu, khả năng lọc thức ăn và vận động di chuyển (Li et al., 2007; Mc Farland, 2013). Khi môi trường nước đẳng trương với dịch cơ thể, động vật thủy sinh sẽ tiêu hao ít năng lượng hơn cho quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu, kết quả là tốc độ trao đổi chất được duy trì ở mức thấp hơn (Charlotte, 1986).
Kết quả nghiên cứu này cung cấp thêm thông tin về ảnh hưởng của độ mặn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của vọp và có giá trị sử dụng cho các nghiên cứu về sinh học cũng như trong thực tế nuôi thương phẩm.