Nỗi lòng bà con xứ đồng bằng, sẵn lòng đón lũ không ngại khó khăn
Bá nheo mắt, nhìn ra ngoài mé nước, tay vẫn không rời con ghim đan: “Mớ lưới sắp xong rồi, ai ở miệt này cũng tất tởi đón nước, mà nước cứ đâu đâu chưa chịu về. Năm ngoái nước về trễ, nhưng rồi cũng lên, cá tôm cũng đặng cho người ta ngày 2 bữa cơm, với con cái học hành. Còn năm nay, sao mà rầu quá”.
Làng của Bá sống, ai cũng có nghề tay trái là đan lưới, làm lợp kiếm thêm thu nhập mùa nước lũ. Bá sống cũng hơn nửa đời người, trải mấy mùa con nước nhảy bờ, mà chưa thấy khi nào như mấy năm nay, nước về trễ và cá tôm cũng ít dần. An Giang quê Bá nay người ta cũng ít mặn mòi với nước lũ.
Ký ức mùa nước nổi
Ngơi việc cho khuây, Bá mời chúng tôi ly trà, rồi buông chuyện hỏi, đúng y cái chất của người dân Nam Bộ, sang sảng mà thân thương. Bá kể tôi nghe về những năm mà nước đặc tôm cá, mùa đó con nước về đâu chỉ “liếm” bờ như ca dao, mà nước “liếm” tới tận nền nhà, trường học, nước qua cả mé lộ (phương ngữ người Nam Bộ để chỉ con đường).
Nói đoạn, Bá chỉ ngay con lộ, “đó! cái lộ này vừa để làm đê vừa làm đường, cao cỡ vậy mà còn ngập được”, Bá xuýt xoa, trề miệng. Thật vậy, con đường đê này cao cũng hơn mấy thước mà nước còn bò qua được, thì chúng tôi cũng ướm chừng lũ lớn cỡ nào. Vậy mà, dân miệt này vẫn hằng năm trông cho con nước tràn về. Mùa nước lũ, người ta hồ hởi đánh bắt cá tôm lo cái ăn cái mặc, phần dư thì ủ mắm ra giêng bán kiếm lời.
Thấy vậy mà mấy con cá đồng này cũng bắt mùi mắm lắm, như chúng nó biết lũ khổ người dân Nam Bộ, nên dâng mình làm sản vật đáp đền. Nào mắm cá linh, cá lóc, cá sặc,.. rồi còn cả khô cá đồng thơm ngon nức tiếng.
Người làng này hay làng khác, như một bản năng, cứ hễ lũ về lại hăng say lao động. Ảnh Minh Vân
Đến hồi nhìn mé sông, Bá chặc lưỡi tiếc mấy mùa cá dư. “Hồi đó, cá linh tràn về nhiều đến mức người ta đóng lưới mà ngày kéo cũng được bạc triệu, rồi còn cá lóc, cá tra, cá thát lát, tôm càng. Ui! tụi nó nhiều lắm, dư giả cho bà con xóm này cải thiện gia đình. Tính ra ruộng vườn quanh năm vất vả, mà được mùa lũ cũng ấm lòng. Còn mấy năm nay, có khi hai vợ chồng đi cả tuần lễ mới bằng được một ngày khi đó, cá tôm giờ sao cũng thất thường như con nước”.
Luyên thuyên trong câu chuyện của Bá, làm chúng tôi cũng nhớ về những con nước quê mình khi ấy. Cứ độ Đoan Ngọ xong là nước bắt đầu về, người dân miền lũ Long An quê tôi, khi ấy tất bật chuẩn bị kê nhà, sửa mái. Tay chưa nghỉ, chân đã làm. Xong cái nhà lại tất bật lo mớ lưới, đóng lợp, trét lại cái xuồng, vá mấy cái vợt. Người ta đón con nước mà hồ hởi ghê nơi, có ai nghĩ là lũ về lại khó khăn sinh hoạt đâu chứ, bởi họ biết sẽ được trời ban cho nhiều sản vật.
Mùa lũ người ta đón nhận lộc trời như một tất yếu và thích nghi. Nhưng giờ đây mớ lộc ấy chắc chỉ còn trong ký ức. Ảnh Minh Vân
Riết rồi, từ ông cha tới đời con cháu, cộng đồng người dân quê tôi nói riêng và người đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đã hình thành nếp sống hòa hợp với thiên nhiên, thuận thiên để sinh tồn, sinh lợi. Hay người ta còn gọi là sống chung với lũ!
Xuồng rạn lòng chờ nước
Mùa lũ, người miền này chỉ cậy nhờ vào chiếc xuồng làm cái chân. Nên nhà ai cũng ít gì có riêng một chiếc. “Người ta chu đáo lắm! Sơn phết ngon lành hết rồi, chân đi mà ai không chu đáo. Vậy đó, mà mấy “cái chân” giờ nó rạn lòng rồi còn đi đâu, tụi nó cũng phơi mình trên bờ chờ nước như tụi tui đây, khà khà!”, Bá cười cái tặt, cười như ganh với mấy chiếc xuồng.
Người dân miệt Cửu Long có cái xuồng làm chân đi mùa lũ, vậy mà ai ngờ xuồng mùa này cũng rạn lòng chờ lũ như người ta. Ảnh Minh Vân
Chúng tôi biết cái cười của Bá như tiếc rẻ những gì còn trong ký ức. Bá nói miền này thì xa xôi thiệt, chứ bà con cũng chịu nghe đài lắm chứ. Biết hết, Bá và mọi người biết hết. Bá biết về những con đập thủy điện miền trên kia kìa, những con đập chắn nguồn tôm cá, chắn cả sinh kế của người lao động nghèo như Bá. Bá buông miệng, nghe như một người dân đầy trí thức: “Đập thì cũng tốt, tụi nó sinh điện cho mình xài, các nước phát triển được phần cũng nhờ mấy con đập này, nhưng mà cũng hại hén. Nó chắn hết ráo rồi, chán nguồn tôm cá, chặn phù sa, chặn luôn miền ký ức”.
Dân làng Bá, hay người dân miền lũ này, ai cũng trông chờ một con nước lớn, lớn như đúng nghĩa của nó từ bao đời. Nhưng cuộn sâu trong đôi mắt trải đời của họ, đều biết rằng đó có thể chỉ là ước mong. Ngoài đồng, lúa cũng chỉ còn gốc rạ, đất khô nứt cả rồi, đất khát phù sa, còn con người khát lũ.
Nhiều quá cũng không tốt
Dòng mở đầu này, tôi chỉ muốn dành cho những con đập thủy điện. Đã viết nhiều bài về những công trình phát điện ấy, nhưng tôi nghĩ vẫn chưa đủ là bao. Điện thật sự rất cần cho nhân loại, nhưng liệu rằng thiên nhiên có quan trọng hay không?
Nhiều quá cũng không tốt, có lẽ điều đó lại rất đúng với con đập thủy điện chắn dòng Mekong trong lúc này. Người ta đã phải đánh đổi tài nguyên nước, sinh kế, môi trường và sinh thái với nguồn lợi thủy điện.
Nhiều nghiên cứu đã minh chứng rằng hệ lụy về suy giảm tài nguyên nước, sinh vật và phù sa mà các đập thủy điện gây ra là không hề nhỏ. Các nước ở hạ nguồn, như Việt Nam, đất bắt đầu khát nước, sông thiếu nước ngọt, lũ ít phù sa, tôm cá không còn nhiều, thậm chí có vài loại đã tuyệt chủng. Người ta đã nhận thấy tác hại to lớn mà các đập nước gây ra, nhưng liệu bao giờ họ mới có động thái khắc phục. Trong sự phát triển quá mạnh mẽ đó, người dân nghèo và sống phụ thuộc vào con nước đã bị bỏ lại phía sau.
Thôi biết sao giờ, lũ về sao tui đón vậy, sẵn lòng mà!
Chắc thấy mình khát nước, Bá đớp lấy ngụm trà, rồi quơ qua đan lưới. Câu chuyện của chúng tôi cũng thưa đi đôi chút. Bá biết chúng tôi làm nghề báo, nên hăm hở kể nhiều điều, rồi cũng hăm hở nhờ mong đưa tin để nhiều người biết. Bá muốn người ta biết nhiều, để người ta cảm thấy trân trọng những mùa nước lũ như Bá, như người làng này.
Tay Bá cứ thoăn thoắt như một thói quen. Bá không lo nhiều cho đời của Bá, sống cũng nửa đời người, Bá chỉ lo cho đời con cháu mai sau, con cháu Bá và con cháu của nhiều người. Rồi đây, chúng nó sẽ chẳng thể nào biết được lẩu mắm cá linh ngon ra sao, chẳng biết được canh bông điên điển thơm đến dường nào. Chúng nó sẽ chỉ có thể ngửi mùi phà sa của con nước lớn bằng trí tưởng tượng, nhiều loại tôm cá sẽ trở thành tiêu bản cho chúng xem. “Tội lắm! Tụi nó sống không biết những gì mà thiên nhiên trao tặng”.
Bá lặng mình, cười xòa “thôi biết sao giờ, lũ về sao tui đón vậy, sẵn lòng mà!”.