‘Lá chắn mềm’ trên vùng biển Tây Nam bộ
Vùng biển Tây Nam bộ có hoạt động nghề cá sôi động và số lượng tàu cá lớn nhất nước. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực xảy ra nhiều vi phạm IUU.
Điểm nóng vi phạm IUU
Theo Cục Kiểm ngư, tổng số lượng tàu cá tham gia hoạt động khai thác trên biển của cả nước năm 2022 là 86.820 tàu (gồm tàu các kích cỡ từ 6m lên tới trên 24m) phân bổ ở 31 tỉnh thành có biển. Tại khu vực ĐBSCL, 8/11 tỉnh số lượng tàu cá lên tới khoảng 20.000 chiếc, chiếm trên 23%. Riêng tại hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang đã có gần 15.000 tàu cá, trong đó Kiên Giang có số lượng tàu cá nhiều nhất cả nước với gần 1 vạn tàu.
Có thể thấy, vùng biển Tây Nam bộ đang là ngư trường có hoạt động nghề cá sôi động nhất, nhưng cũng là khu vực xảy ra nhiều vi phạm IUU khiến chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý, xử phạt… và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
6 tháng đầu năm 2021, Kiên Giang đã xử phạt các hành vi vi phạm những quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với 16 vụ, 42 đối tượng, 21 tàu cá, tổng số tiền phạt 4,4 tỷ đồng; quý II/2021 xảy ra 22 vụ, với tổng số 30 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ và có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ban Chỉ đạo về IUU của Kiên Giang thừa nhận, hoạt động khai thác IUU trên địa bàn còn diễn biến khá phức tạp, công tác chống khai thác IUU của tỉnh chưa đạt yêu cầu đề ra, vẫn chưa ngăn chặn triệt để tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Công tác xử lý tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài còn nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến tình trạng này chưa chuyển biến tích cực.
Ngoài ra, các chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm cố tình trốn tránh trách nhiệm, quanh co không thừa nhận, xóa bỏ nhật ký hành trình trên các trang thiết bị hàng hải, tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình để chịu xử phạt hành vi khác…
Ngày 12/9 vừa qua, hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Chi cục Kiểm ngư Vùng V, Hải đoàn 28 Biên phòng đã tổ chức Hội nghị bàn biện pháp tổng kiểm tra tàu cá trên biển và chống khai thác IUU.
Nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng khai thác IUU trên vùng biển Tây Nam, góp phần thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam, Hội nghị thống nhất triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, các bên chú trọng công tác phối hợp hiệp đồng để phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, quản lý chặt chẽ các địa bàn, đối tượng có liên quan.
Theo đó, sẽ phối hợp tổ chức kiểm tra, rà soát số lượng tàu cá còn khả năng hoạt động thực tế, tập trung vào nhóm tàu từ 12m trở lên và thường xuyên phối hợp giữa các bên để cập nhật, trao đổi bổ sung thông tin; tăng cường duy trì lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên thực địa; siết chặt công tác đăng ký, đăng kiểm, công tác lắp đặt, quản lý, theo dõi, giám sát VMS, nhất là đối với các trường hợp tàu cá thuộc nhóm có nguy cơ cao.
Đó cũng là nội dung, nhiệm vụ của Đoàn công tác số 7 (Chi cục Kiểm ngư Vùng V) trên tàu KN-506 đang tuần tra trên vùng biển Tây Nam bộ.
Quan trọng nhất là vận động, tuyên truyền
7 giờ 45 phút sáng 17/9, trên vùng biển Thổ Chu, tàu KN-506 dừng máy để hạ cano cho tổ tuần tra tiếp cận tàu cá đôi BKS KG-91649-TS. Tài công Nguyễn Văn Mười Hai (SN 1986, cư trú Khu phố Minh Long, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, Kiên Giang) được mời về tàu làm việc. Thời điểm bị lực lượng Kiểm ngư kiểm tra, có 12 thuyền viên hoạt động trên hai tàu.
Tàu cá của anh Mười Hai vi phạm lỗi không ghi nhật ký đánh bắt – một trong những quy định bắt buộc đối với các tàu khi ra khơi. Với lỗi này, đoàn công tác lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt cụ thể theo khung xử phạt.
Chìa cuốn sổ “Nhật ký khai thác” được phát theo mẫu, tài công nại lý do không biết cách ghi nhật ký. Từ trước đến nay theo thói quen, mỗi khi kéo lưới lên, công nhân chỉ phân loại, vệ sinh rồi sau đó cho hải sản xuống hầm bảo quản. Khi số lượng cá đánh bắt đủ lớn sẽ liên hệ với tàu thu mua, rồi lại tiếp tục những ngày tháng lênh đênh trên biển ròng rã nhiều tháng trời…
“Việc ghi chép nhật ký đánh bắt là quy định bắt buộc. Các tàu cá ghi phải ghi nhật trình theo ngày, thời gian kéo lưới, khối lượng thu hoạch (ước lượng), chủng loại thuỷ sản, vùng khai thác, đánh bắt… Đó là những cơ sở để cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý, từ đó đánh giá được trữ lượng thuỷ sản trong mỗi vùng biển. Ngoài ra, cũng giúp các anh quản lý được công việc của mình. Nếu không ghi chép đầy đủ, bà con sẽ bị phạt theo quy định”, anh Chung giải thích cho tài công, rồi hướng dẫn cách ghi chép Nhật ký đánh bắt.
Trường hợp vi phạm của tàu KG-91649-TS, tổ tuần tra yêu cầu tài công liên hệ với chủ tàu (đang ở trong đất liền) chuyển khoản tiền nộp phạt vào tài khoản quy định. Khi có xác nhận của ngân hàng về giao dịch đã hoàn tất, lực lượng Kiểm ngư xuất hóa đơn, hoàn tất biên bản, đọc cho đối tượng vi phạm nghe rồi mới bàn giao biên bản xử phạt. Thời gian xử lý đối với trường hợp này gần 2 giờ đồng hồ.
Trong quá trình làm việc, trao đổi, cán bộ Kiểm ngư lồng ghép giải thích, tuyên truyền các quy định, chế tài cho các thuyền viên để họ nắm được, tuân thủ thực hiện. Nếu tiếp tục tái phạm, mức xử lý sẽ cao hơn lần một.
“Bà con ngư dân đi biển phần lớn là làm thuê cho các chủ tàu, họ bỏ sức để khai thác, đánh bắt, chủ tàu có phương tiện, bỏ vốn, sau khi trừ các chi phí thì sẽ ăn chia theo tỷ lệ 70-30. Vì chạy theo lợi nhuận, nhiều tàu cá ham cá, đánh được nhiều mới có lãi để ăn chia… nên đã vi phạm vùng khai thác (vượt phạm vi vùng biển Việt Nam sang đánh bắt vùng biển nước ngoài, vượt phạm vi quy định theo kích cỡ, tải trọng tàu cá…)”, anh Trần Nam Chung, tổ trưởng tổ tuần tra giải thích. Rồi dừng lại trong giây phút, gương mặt anh trầm ngâm…
“Bà con ngư dân mình hầu hết trình độ nhận thức hạn chế, thời gian trên biển nhiều (từ 6 tháng đến 1 năm mới vào bờ) nên không chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, hoặc giấy phép hết hạn không chịu quay tàu về đất liền để bổ sung, gia hạn… Những lỗi này thuộc về ý thức, mình tuyên truyền để bà con nắm được. Chúng tôi cũng rất thông cảm với bà con ngư dân, ra giữa biển khơi mênh mông, nhìn những chiếc tàu cá mang biển hiệu của Việt Nam, treo cờ Tổ quốc… đã thấy sự gần gũi, thân thương, và thấy trách nhiệm đối với đồng bào, phải nhắc nhở, tuyên truyền cho bà con hiểu được. Nhưng, việc xử phạt phải nghiêm, quyết liệt, như thế luật mới đi vào cuộc sống, bà con mới không tái phạm, và đó cũng là cách để bà con sẽ phải nhớ, rồi chỉ cho nhau tránh, không lặp lại”.
Đối với những lỗi tàu cá không treo cờ, một vài ngày để trống, không ghi “Nhật ký đánh bắt”, tổ công tác đều nhắc nhở, kiểm tra, bàn giao biên bản xác nhận “đã kiểm tra, có đầy đủ giấy tờ, không vi phạm”, rồi tiếp tục để bà con hoạt động đánh bắt trên bờ.
Qua điện đàm trao đổi từ tàu chỉ huy với tổ tuần tra trên xuồng máy, tiếng anh Chung gần như hét lên để không bị tiếng sóng biển, tiếng máy nổ át đi: “Anh em nhắc bà con treo cờ Tổ quốc đầy đủ, đúng quy cách, vị trí. Nếu cờ cũ, bị rách thì tặng bà con cờ Tổ quốc mới, và dặn bà con tuân thủ nghiêm, đừng để bị nộp phạt”.
6 đơn vị phối hợp tổng kiểm tra tàu cá
Theo Kế hoạch, từ ngày 20-30/9, các đơn vị gồm Ban chỉ đạo chống IUU hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4; Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5; Hải đoàn Biên phòng 28 và Kiểm ngư Vùng 5 sẽ tổng kiểm tra tàu cá trên biển và chống khai thác IUU trên vùng biển Cà Mau, Kiên Giang (vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi, các đảo, hòn trên biển) đối với nhóm tàu cá nằm trong danh sách mất tích, hết hạn đăng ký (Giấy phép Khai thác thủy sản), hết hạn đăng kiểm (Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật tàu cá), tàu cá mất tín hiệu kết nối trong bờ, ngoài biển dài ngày, các hoạt động khai thác thủy sản chưa đúng quy định. Đặc biệt, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Cà Mau – Kiên Giang vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; đảm bảo an ninh trật tự trên vùng biển Việt Nam nói chung và vùng biển tỉnh Cà Mau – Kiên Giang nói riêng.
Kiểm tra thủ tục hành chính 100% tàu có mặt trên phạm vi vùng biển và đất liền của tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cung cấp cho lực lượng tham gia thông tin về từng trường hợp tàu có nguy cơ cao: tàu cá mất tích, hết hạn đăng ký, đăng kiểm (Giấy phép Khai thác thủy sản), Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật tàu cá), tàu cá mất tín hiệu kết nối trong bờ, ngoài biển dài ngày, tàu cá nằm bờ.
Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an ninh trật tự trên vùng biển, đảo của hai tỉnh; vận động chủ tàu, thuyền trưởng không vi phạm vùng biển nước ngoài; mở thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ kể từ khi rời cảng đến khi cập cảng.
Đối với nhiệm vụ tổng kiểm tra trên đất liền, các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở thực hiện rà soát, kiểm tra theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.